Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN - NGƯỜI ĐÃ GIỚI THIỆU TÔI VÀO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM





Vĩnh biệt Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, quê Hải Phòng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông là một trong những nhà văn Việt Nam bị tù vì viết văn; sau khi ra tù, ông tiếp tục sự nghiệp viết văn và cuốn tiểu thuyết "Chuyện kể năm 2000" là một cuốn sách nổi tiếng của ông; Cuốn sách nói về quãng thời gian ông bị giam tù, sau khi in, cuốn tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn đã bị thu hồi và nghiền làm bột giấy...
Chuyện kể năm 2000 không chỉ nổi tiếng bởi nội dung và cái bìa sách đầy ấn tượng do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ...
Nguyễn Quốc Hùng xin có lời chia buồn với gia đình nhà văn Bùi Ngọc Tấn và xin đưa lại tin của bạn văn Trannhuong.com:
TN

Tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Chuyện kể năm 2000", "Biển và chim bói cá"...Ông bị trọng bệnh và đã ra đi về cõi vĩnh hằng hồi 6 giờ 15 phút ngày 18-12-2014 tại Hải Phòng. Hưởng thọ 81 tuổi.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Bùi Ngọc Tấn có sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông… khi mới ngoài hai mươi tuổi.
Trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội, viết với bút danh Tân Sắc.
Sau đó, năm 1959, ông trở về quê và thành biên tập viên báo Hải Phòng Kiến thiết. Để có thể nuôi gia đình 6 người, ông tập trung vào viết báo. Ông thân thiết với nhà văn Nguyên Hồng và Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân, người quan tâm đến giới văn nghệ sĩ và đã giúp đỡ ông lúc khó khăn sau này.
Bùi Ngọc Tấn từng bị tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973). Từ khi được xóa án, sau hai năm thất nghiệp, Bùi Ngọc Tấn được tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Hoàng Hữu Nhân xếp vào làm nhân viên theo dõi thi đua khen thưởng ở Liên hiệp Xí nghiệp Đánh cá Hạ Long. Trong khoảng thời gian làm công việc này từ 1974 đến 1994, ông trở thành một "người ẩn dật" với văn chương, ngừng viết trong khoảng thời gian 20 năm này.
Ông trở lại với bạn đọc qua bài "Nguyên Hồng, thời đã mất" đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng năm 1993.


Cuộc đời văn nghiệp của mình, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có một số tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tiểu thuyết Biển và chim bói cá của ông  được trao tặng giải thưởng Henri Queffenlec tại Liên hoan Sách và biển được tổ chức vào tháng 8-2012 tại Pháp. Tác phẩm này xuất bản năm 2009, được viết từ những trải nghiệm trong 20 năm làm việc trong xí nghiệp thuỷ sản...
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn ký tặng cho người hâm mộ - Ảnh: Lam Điền
Trong nước, nhà văn Bùi Ngọc tấn đã nhận giải thưởng của Tạp chí Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Bộ Văn hoá, NXB Hội Nhà Văn, Giải Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng), Giải thưởng Hội Nhà Văn.
Những năm gần đây nhà văn Bùi Ngọc Tấn sống cùng vợ tại một căn nhà nhỏ trong khu tập thể trên đường Điện Biên Phủ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Kể từ khi bệnh nặng, ông chuyển về sống cùng con trai trên đường Thiên Lôi. 

Các tác phẩm tiêu biểu của Bùi Ngọc Tấn:
Nhằm thẳng quân thù mà bắn
Thuyền trưởng, (truyện vừa, cuối thập niên 1970, ký tên Châu Hà)
Một thời để mất (hồi ký, 1995)
Một ngày dài đằng đẵng (tập truyện ngắn)
Những người rách việc (tập truyện ngắn, 1996)
Rừng xưa xanh lá (ký chân dung, 2004)
Kiếp chó (tập truyện ngắn, 2007)
Người chăn kiến (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn 2010, NXB Trẻ 2014)
Biển và chim bói cá (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn 2009, NXB Trẻ 2014)
Viết về bè bạn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn 2012, NXB Trẻ 2014)

NGHĨ SUY SAU KHI ĐỌC "DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP"

(Hoàng hôn trên sông Cấm)



                                                                                                          Ngọc Châu
                         (Hội viên Hội nhà văn HP)

DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP là cuốn tiểu thuyết, cũng có thể coi là cuốn sử biên niên về một miền quê và ḍòng họ của chính tác giả (nhà văn Nguyến Quốc Hùng, hội viên Hội Nhà Văn Hải Pḥòng). Câu chuyện dẫn chúng ta đi qua một thế kỉ - quá nhiều đau thương và biến động - của dân tộc Việt trong giai đoạn phải oằn oại một cách quật cường để tự giải phóng mình khỏi gông kìm của xã hội phong kiến và thực dân, đế quốc.
Cuốn truyện xoay quanh hai gia tộc có uy thế hơn cả trong một làng quê nghèo nàn, chiêm khê mùa thối. Cụ Cờ là một cựu Chánh tổng thương dân nhưng tính tình cương trực khảng khái nên nhanh bị mất chức nhưng bao giờ cũng có uy tín đối với trong làng ngoài xóm. Chính cụ và con trai là Tổng Cò đă tổ chức việc vớt gỗ từ rừng trôi về trong cơn lụt, để xây đình làng và khơi đào nhánh sông Vàng cho làng Trằm thoát khỏi cảnh ngập lụt trắng băng vào mùa mưa, lại cằn kiệt đến không có nước mà uống vào mùa khô hạn. Cụ Cờ đă trầm mình tuẫn tiết để ngăn cản cuộc đánh lộn giữa hai làng ven sông, nhờ vậy con sông Vàng mới được khai thông, mang lại lợi ích cho làng Trằm, cũng đóng luôn vai trò "dòng sông chở kiếp" đối với bao nhiêu con người có cuộc đời bám quanh dòng chảy của nhánh sông bé nhỏ này.
Đại diện cho gia tộc thứ hai là nhà Lí Ngao với con trai là Lí Ngang. Tham lam, ganh ghét, nham hiểm là đặc trưng nên bao giờ gia tộc này cũng có chuyện thù hằn hoặc đố kị với gia tộc cụ cố Cờ. Lí Ngang cố tình bày đặt mưu mô để cản trở hoặc phá đám những việc làm mang tính tốt lành của gia tộc kia, thậm chí còn tìm cơ hội để "gieo giống" vào cô cháu dâu lầm lỡ của cụ cố Cờ.
Dòng sông chở kiếp tiếp tục là nơi chứng kiến hoặc tham gia vào vận mệnh của những người dân làng Trằm khốn khó với những cảnh rừng mất, nhà mất, chợ tan, nhà tan kéo dài từ trước cách mạng tháng Tám, qua giai đoạn chín năm đánh Pháp cho đến khi toàn bộ quân đội thực dân Pháp phải rút khỏi Bắc Việt. Thế hệ tiếp theo với đại diện là Tổng Cò, Lí Ngà và con cháu của cả hai nhà tiếp tục hục hặc, tranh giành ngôi thứ, vật lộn mưu sinh, kẻ theo Pháp, người ủng hộ Việt Minh, sống và chết bên nhánh sông Vàng
Phần tiếp theo của cuốn truyện nói về những năm gian truân của anh bộ đội Sơn, con của Tổng Cò, cháu cụ cố Cờ. Theo Việt Minh đánh Pháp, bị phe Lí Ngà (con của Lí Ngang) chỉ điểm nên bị thương, bị bắt rồi bị tù. Từ Côn Đảo trở về chuyển ngành làm một cán bộ phó Phòng của sở Thương Nghiệp, lại phải ra ṭa vì có kẻ đổ tội làm cháy nhà xưởng để cố tình hãm hại, may mà sau thời gian ngắn ở trong tù đă được minh oan, trở về thăm lại làng Trằm.
Những trang cuối nói về tác giả cuốn sách, hậu duệ của cụ Cố Cờ, luôn tận tụy với nghề nghiệp và say mê với văn chương, xứng đáng với cụ nội là người đă có công xây ngôi đình cho làng Trằm và khai thông nhánh sông Vàng. Chính tác giả với con mắt của một văn nhân đã hình tượng hóa nhánh sông mà cụ và ông mình khai thông, thành dòng sông chở kiếp với bao nhiêu con người của làng quê ấy.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

SỰ RA ĐỜI CỦA CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN Ở CẢNG HẢI PHÒNG VÀ BÁC HỒ VỀ THĂM CẢNG HẢI PHÒNG


(Bác Hồ về thăm cảng Hải Phòng ngày 30/5/1957)

Câu hỎi 3: Anh (chị) hãy cho biết sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cảng Hải Phòng ?
Cảng Hải Phòng là đầu mối giao thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài. Nơi mà tin tức thế giới và trong nước sớm được truyền qua. Cảng lại là trạm giao thông liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Đội ngũ công nhân Cảng thật sự là một trong những ''mảnh đất'' tốt để gieo hạt giống cách mạng.
Từ năm 1927 Tỉnh bộ ''Hội Việt Nam thanh niên cách mạng'' Hải Phòng đã cử ba hội viên vào Cảng hoạt động, trong đó có đồng chí Phúc, đồng chí Sinh. Chi bộ ''Hội Việt Nam thanh niên cách mạng '' và ''Công hội đỏ'' được tổ chức ở Cảng. Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương ''vô sản hóa'', Tỉnh bộ Hải Phòng cử thêm 02 đồng chí nữa về Cảng là đồng chí Trần Công Thái (tức Huỳnh Bá Thượng) và đồng chí Nguyễn Bá Biên (tức Tư Già).
Tháng 5-1929, trong không khí rạo rực chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đồng chí Thái, đồng chí Biên, đồng chí Phúc và đồng chí Sinh đã họp lại thành một tổ lấy tên là “Xích Sắc”. Ít lâu sau, đồng chí Thái và đồng chí Sinh chuyển đi nơi khác.

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ CÔNG NHÂN CẢNG HẢI PHÒNG THỜI KÌ CHƯA CÓ ĐẢNG

                                                  
                                          
Câu hỏi 1: Anh (Chị) hãy nêu quá trình hình thành và những hoạt động của đội ngũ Công nhân Cảng Hải Phòng thời kỳ chưa có Đảng ?
1. Quá trình hình thành và phát triển bến Cảng:
- Nhà cầm quyền Pháp đã nhận ngay ra khu vực Hải Phòng là một vị trí chiến lược và là đầu mối giao thông rất trọng yếu, vì vậy nhà cầm quyền Pháp muốn chiếm Hải Phòng từ tháng 1/1872. Ngày 15/3/1874 triều đình Huế và thực dân Pháp ký “Hiệp ước hoà bình về liên minh” gồm 22 điều khoản. Trong đó, theo hiệp ước, triều đình nhà Nguyễn dâng cho Pháp toàn bộ đất Hải Phòng và quyền kiểm soát bến Cảng.
 - Mục đích của thực dân Pháp là dùng bến Cảng để chuyển hàng hoá, của cải, khoáng sản... mà chúng cướp bóc được ở Việt Nam mang về nước, đồng thời dùng hải Cảng này để tiếp nhận quân đội, vũ khí từ các nước đế quốc sang đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương.
2. Quá trình thành hình và những đặc điểm của đội ngũ công nhân Cảng.
- Mầm mống đầu tiên của sự ra đời đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng là từ năm 1874, khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng Cảng. Khi bến Cảng được xây dựng, ở Việt Nam công nhân chưa thành hình với tư cách là một giai cấp.
- Năm 1876, thực dân Pháp cấp tốc làm một số cầu nổi bên bờ phải sông Cửa cấm, cách biển khoảng 40 km. Công trường bến Cảng đã thu hút những người nông dân cùng khổ ở các vùng xung quanh Hải Phòng và nhiều nơi khác đến bến Cảng để tìm kế sinh nhai... Đội ngũ công nhân Cảng dần dần thành hình từ đấy.
Như vậy, có thể nói đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng ra đời khá sớm so với sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP, CÂU CHUYỆN TRĂM NĂM VỀ NHỮNG KIẾP NGƯỜI

(Cầu cảng lúc hoàng hôn)

(Đọc Dòng sông chở kiếp, tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng,
NXB Hội Nhà văn, 2009)
                                                                           Lưu Văn khuê

Nguyễn Quốc Hùng là tác giả văn xuôi trẻ của Hải Phòng, cầm bút mới khoảng mười năm năm nay nhưng đã có bước tiến đáng kể với một số truyện ngắn công bố trên tạp chí Cửa Biển ( Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng) và tuần báo Văn Nghệ cùng các tiểu thuyết Chuyến hàng mưa ( Giải thưởng ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2006) và Dòng sông chở kiếp vừa mới xuất bản.
Sống gắn bó với những người công nhân và cuộc sống thành thị nên Nguyễn Quốc Hùng đã có một số thành công ở những đề tài này. Vì vậy, không khỏi bất ngờ khi Dòng sông chở kiếp lại viết về nông thôn; không những thế, còn là một nông thôn có những quãng thời gian đã trở thành quá khứ xa mà chắc chắn tác giả chỉ được biết nhờ nghe kể và đọc sách vì với tuổi mình, anh không thể chứng kiến. Bên cạnh đó, thời gian được đề cập đến đâu có ngắn. Nhụ, một nhân vật trong tiểu thuyết, lúc xuất hiện còn là người phụ nữ 30 tuổi, đến trang cuối đã là bà lão 100 tuổi tròn! Nhân vật thì trải suốt bốn thế hệ. Tất cả, được trình bày một cách tường tận với những chi tiết sinh động. Phải am hiểu về nhiều mặt đồng thời khá vững tay nghề mới có thể dồn nén được chừng ấy thời gian, sự kiện và con người vào chỉ có 350 trang sách.
Đó là chuyện mâu thuẫn truyền đời giữa hai gia đình tại làng Trằm, một làng nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ. Đứng đầu hai gia đình và cũng là hai họ đều là những người có địa vị cao trong làng. Tuy nhiên, cái cách để có được vị trí ấy mỗi gia đình mỗi khác: Họ Nguyễn nhờ đạo đức, còn họ Vũ là do thủ đoạn.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

ĐỊNH MỆNH

(cùng họa sĩ Thọ Vân)

Có lần tôi hỏi ông về bút danh Thọ Vân. Ông không trả lời câu hỏi ấy mà nói tới định mệnh - Vân là mây, cái tên ấy như định mệnh mang ông lên tận tầng năm và chưa khi nào có ý định chuyển xuống thấp hơn.
Một ngày cuối thu, màu xám nhạt loang kín nền trời, gió heo may đầu mùa phơn phớt cọ vào má tê mát, không gian tĩnh lặng. Thời tiết này dễ cho người ta lâng châng buồn một tí, xào xạc chút suy tư, lý tưởng cho những ai thích phiêu du. Tôi cùng anh bạn (con trai ông) cặm cụi chuẩn bị bữa trưa. Ông về xua chúng tôi ra đường: “ăn uống muốn lúc nào cũng được, trời đẹp thế này đâu phải ngày nào cũng có. Hai thằng ngu si!” Lần đầu tiên tôi cùng ông đẵm mình vào thiên nhiên, bỏ cả bữa ăn trưa.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

MẠN ĐÀM VĂN CHƯƠNG

                                                                            (Sông Lô)
                                         
Đọc “Dòng sông chở kiếp” của Nguyễn Quốc Hùng:
“Nghiệt chướng” và “nghiệp chướng” trong cách thể hiện của nhà văn

Vũ Thúy Hồng

Nhà văn công nhân Nguyễn Quốc Hùng làm việc tại Cảng Hải Phòng. Với tay nghề lái cần trục chân đế 4/4 được đào tạo bài bản, và có thâm niên công tác 25 năm, anh hiện là giáo kiêm chức hướng dẫn thực hành về lái đế cho công nhân trẻ mới vào làm việc tại Cảng. Như một định mệnh không thể chối bỏ, Nguyễn Quốc Hùng dấn thân vào văn chương và viết khá đều tay. Vốn liếng của anh là 2 tập truyện ngắn và 2 cuốn tiểu thuyết. “Dòng sông chở kiếp” do NXB Hội Nhà văn ấn hành là cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh gây được sự chú ý trong văn đàn cũng như với độc giả. Đặc biệt, những vấn đề xoay quanh các nhân vật chính của tiểu thuyết đã được làm “nóng” lên trong cuộc hội thảo về “Dòng sông chở kiếp” của Hội Nhà văn Hải Phòng. Trong bài viết của mình, tôi xin đề cập đến “nghiệt chướng” - tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết thông qua tuyến nhân vật chính của tiểu thuyết.
Bối cảnh của “Dòng sông chở kiếp” là một làng nhỏ vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với con sông Vàng. Mâu thuẫn này sinh truyền đời hàng thế kỷ giữa hai dòng họ Nguyễn và họ Vũ - một đề tài tương đối phổ biến về nông thôn trong văn học Việt Nam. Mâu thuẫn ấy nảy sinh từ thời Pháp thuộc và vẫn còn tồn tại đâu đó trong  giai đoạn hiện nay. Bỏ qua một số hạn chế về tính xác thực trong các giai đoạn lịch sử hay cách diễn đạt về văn hóa, ngôn ngữ còn đôi chỗ không đồng nhất - “Dòng sông chở kiếp” đưa ra thông điệp về “nghiệt chướng” xuất phát từ “dục vọng của con người không kiềm chế được mà thôi”. Đứa con bất hợp pháp của chị đĩ Nhụ với lý Ngang đã sinh ra oan nghiệt. Thằng Sông là trưởng họ nhà chồng chị lại chính là đứa con của kẻ thù. Người mẹ muốn giữ kiếp làm người trong sạch cho con như liệu nó có sống như nguyện ước của người mẹ?

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

"CHUYẾN HÀNG MƯA" - TỰ TRUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CÔNG NHÂN CẢNG


(Bến Cảng)

Xuất thân từ công nhân cảng, Nguyễn Quốc Hùng đến với làng văn từ tốn và khiêm nhường như chính con người anh. Hiền lành, ít nói và nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt dạn dày sóng gió.
“Chuyến hàng mưa” là tiểu thuyết đầu tay của anh.
Người ta thường nghĩ người công nhân bến cảng là vất vả, cánh lưng cong như cánh buồm để quai vác hàng tạ hàng trên vai, hơi sức nữa đâu để lãng mạng, để thích thơ văn, song với Nguyễn Quốc Hùng thì khác. Anh tâm sự, nhiều khi phải giấu mình vào chỗ khuất nào đó để viết một ý tưởng thoảng qua hoặc ghi lại những điều mình quan sát được, nếu không mọi người nhìn thấy lại cho là “dở hơi”. Nguyễn Quốc Hùng ghi chép lại những sự việc đời thường, những sinh hoạt riêng tư trong cuộc sống của những người công nhân bốc vác để dựng lên một “Chuyến hàng mưa” như tự truyện của những người công nhân ấy.
Đúng như tựa đề của cuốn tiểu thuyết, xuyên suốt bẩy chương truyện là những cơn mưa kéo dài không dứt, những cơn mưa ào ạt, xối xả đáp xuống cuộc đời của những số phận người công nhân bốc vác trong một góc cảng Hải Phòng. Tâm điểm là nhân vật Tương xuất thân từ một anh nông dân ra thành phố. Những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống tập thể, những thăng trầm biến đổi trong công việc làm thay đổi con người Tương, biến một người nông dân ù lỳ trở thành con người đa đoan, tính toán và đôi khi lừa lọc, gian ngoan. Đan xen giữa cảnh thành thị là cảnh nông thôn, làng quê tưởng như yên bình nhưng cũng đầy sóng gió. ở đâu con người cũng lấy danh lợi để làm mục tiêu cho mình hướng tới. Cảnh vật lộn kiếm kế sinh nhai dưới những hầm hàng, cũng như chuyện kiếm một chân trong làng để rồi mưu lợi, “Chuyến hàng mưa” tái hiện gần như nguyên vẹn một giai đoạn biến động của xã hội. Những con người thật thà, thô kệch như Phiện “gù”, đa mưu, tính toán như Ngọc “chột”, lừa lọc như Đoan “khê”... cũng đều là những nhân vật trong cuốn phim tường thuật lại cảnh sống của những những người làm nghề bốc vác. Cuộc đời của họ gắn với những lô hàng, những con tầu và những người đàn bà mà xã hội đưa đẩy tới như Mong, Huệ “vịt”, Liên “khờ”...

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

THƠ VĂN VÀ NGƯỜI CÔNG NHÂN CẢNG HẢI PHÒNG



Người Hải Phòng từ xưa tới nay đều rất tự hào khi gọi thành phố của mình bằng cái tên đầy tính biểu tượng: thành phố Cảng. Được là người công nhân làm việc trên bến cảng, ai cũng thấy mình hãnh diện hơn, không chỉ bởi cuộc sống của người công nhân lao động Cảng Hải Phòng đang đi lên từng ngày, sắc áo công nhân đỏ rực trong ánh bình minh cửa biển, những người công nhân ngày đêm trần mình với nắng gió trên cầu cảng gửi gắm tâm sự của mình đến bạn bè muôn nơi thông qua những tấn hàng, những chàng cần trục khổng lồ xoay chuyển những vũ điệu không gian thật uyển chuyển, thật hùng tráng, mà còn bởi chặng đường truyền thống của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng (24/11/1929) thật hào hùng, thật đáng trân trọng. Những con người lao động của bến Sáu Kho xưa và Cảng Hải Phòng ngày nay, với ý chí cùng nghị lực phi thường đã vượt qua không ít những khổ đau nghiệt ngã, những cam go khốc liệt. Để tới nay họ có quyền ngẩng cao đầu cùng ca vang bản hùng ca của thời đại. Họ xứng danh là những "dũng sĩ Biển Đông vai sắt chân đồng". Và hình ảnh người công nhân bến cảng, rất tự nhiên đi vào những áng thơ văn của không ít những văn nghệ sĩ thành phố cũng như của đất nước.

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

VĂN HỌC CÒN MẮC NỢ NGƯỜI CÔNG NHÂN

(Ca đêm)

PHONG ĐIỆP thực hiện

(Bài đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số 34 ra ngày 23-8-2008)

Phong Điệp: Khi đọc lại những tác phẩm của anh để chuẩn bị cho cuộc trò chuyện này, tôi chợt có một liên tưởng thế này: lâu nay, các nhà văn của chúng ta để khắc phục  tình trạng thiếu vốn sống, đã có những chuyến đi thực tế được tổ chức; thậm chí có những nhà văn - để viết về người công nhân, họ đã không ngại gian khó, về với các công trường, xí nghiệp, “ba cùng” với người công nhân. Trong khi đó, anh có điều kiện thuận lợi là trưởng thành trong môi trường của người công nhân. Anh có coi đây là một lợi thế “ăn điểm” của mình khi đến với văn chương?
NQH: Những người viết văn thường hay nhắc tới công thức: Đi, đọc rồi viết. Theo tôi hiểu, đi là việc thâm nhập thực tế sáng tác. Tôi được sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, nơi mệnh danh là thành phố công nghiệp, có cảng biển, có các nhà máy xi-măng, đóng tàu, luyện cán thép cỡ lớn trong cả nước. Học xong phổ thông, vào bộ đội, tôi trở về quê hương học nghề, rồi làm công nhân,  lại là công nhân điều khiển cần trục chân đế trên bến cảng Hải Phòng. Hình ảnh người thợ luôn hiện ra trước mắt tôi với một cuộc sống xô bồ và sôi động. Hằng ngày, tôi luôn tiếp xúc với đồng nghiệp, với các tốp thợ, với bao đặc trưng riêng biệt, có lẽ chỉ có ở cảng Hải Phòng. Vóc dáng của người công nhân bốc vác, với “cánh lưng cong như cánh buồm để quai vác hàng tạ hàng trên vai” đã thành nét in đậm trong bức tranh cuộc đời lao động ở nơi đây. Nỗi vất vả, nhọc nhằn của người công nhân cảng mà tôi cũng đã từng nếm trải, “lưng tôi cong gập xuống chẳng qua tôi muốn làm hết cái khả năng tôi có để kiếm đồng tiền. Và tôi cũng biết đôi vai tôi chẳng gánh được gánh tiền nặng”.

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

CHIẾC LÁ KHÔ CUỐI CÙNG

(Đài tưởng niệm các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới 1984 - 1988 
tại ngã ba Thanh Thủy - Hà Giang)

Tôi đi tìm tôi hỏi ai có biết?
Chỉ thấy lắc đầu nhẹ như bị hỏi đùa
Hỏi mẹ tôi, mẹ ơi có nhớ
Bóng thời gian đâu đó ở cuối sân
Tôi kể cho các cháu, tôi là ai
Mẹ chúng bảo bác đọc tiểu thuyết
Tiểu thuyết là bịa
Thế ra tôi là bịa,
                         tôi không là tôi,
                                                 là hư ảo,
                                                             là đường biên giữa có và không.

Tôi quờ tay trong đêm tối tìm đường ranh giới
May sao nhặt được mẩu lá khô khét mùi thuốc pháo
Cả H6 chụm đầu vào “mồi thuốc” điểm tựa
Không dám nhìn nhau qua đốm lửa vừa nhen
Sợ chưa kịp phả khói đã bị pháo dập
Chiếc lá cuối cùng đấy, hay đêm nay là đêm cuối của mình.
Đường biên là giữa không và có
Tôi hỏi tôi, liệu có biết
Tôi là ai ?
             Là chiến sĩ  biên giới ngày xưa ấy,
                                                         hay chỉ là nhân vật hư cấu bây giờ?
Như ngày xưa ấy đào đường hầm tấn công
Cả tiểu đội tồng ngồng dưới mưa rừng và đất lở
Giờ ngẫm lại hình như không thằng nào còn chim.
Nếu bây giờ tôi trần như nhộng đến công sở
Mọi người sẽ nhìn vào háng tôi xác định giới tính
Rồi báo hình, báo giấy, báo mạng  ganh đua giật tít
Tôi là ai cả thế giới biết ngay.
Đường biên hữu hình và vô hình
Mấy con phe đồ lính chốt ngáp dài
Mới một hôm không được nghe tiếng pháo đã thấy buồn
Người vệ binh gầm thét, kéo khoá nòng
Mấy con phe bình thản nhìn họng súng
Toà án binh hữu hình ngay cạnh
Còn vô hình là đồng đội ngã xuống mạn đường biên.

Cuộc chiến lạ kỳ bị quên nhanh như thứ đồ chơi hỏng
Chỉ còn tôi đi tìm tôi trong đêm pháo hoa rực rỡ
Tiếng khai hoả ngỡ dàn cối dập xuống trận địa
Những tiếng nổ ám ảnh đến bây giờ
Giọt nước mắt cố nén vào trong
Không để con biết, con sẽ sợ sắc màu
Những giấc mơ chẳng dám nói cùng ai
Mơ một lần đứng giữa ngã ba Cửa Tử
Cắm nén hương xuống đá rồi gọi
Trạc ơi ! Cháu ở đâu !
Cậu trở về mà sao cháu không về
Mơ thấy Long “mìn ” mở quán nước đầu dốc
Mày giỏi gỡ mìn lại bị dính mìn
Không lội được bùn sâu đành ngồi hát đón khách
Ai bảo giọng hát mày hay
Lo thằng Phượng về địa phương làm khó
Chịu khổ quen rồi đi bộ đội thay em
Thằng Minh mới chết không biết mảnh pháo trong đùi có rơi ra
Mảnh pháo là hư hay là thực.
Mày mang cái thực xuống mồ
Tao đi tìm chiếc lá khô cho mình
Làm hương nhớ cuộc chiến chinh

Khói xanh đá trắng bóng hình của tôi.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

NHẮC LẠI CHUYỆN QUÊN LÃNG





(Nhớ đồng đội)

Tôi đi tìm tôi! Gần ba mươi năm sau khi xuất ngũ tôi mải mê đi tìm cái bóng xưa kia của mình. Tôi là ai trong những năm 1984 – 1988 ấy? Những năm ấy dân tộc ta có một cuộc chiến tranh ác liệt đấy? Không ai biết! Một trăm phần trăm những người được tôi hỏi, đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội và cả những quân nhân cấp bậc có người tới thượng tá, đều không biết có cuộc chiến tranh này. Tôi kể chuyện những ngày tháng ác liệt ấy cho các cháu nghe thì mẹ chúng nó (tức em gái tôi) bảo, bác đọc tiểu thuyết.
Vào ngày 12 tháng 7 cách đây tròn ba mươi năm bắt đầu cuộc tấn công tổng lực của bộ đội ta giành lại từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Gần năm năm, hàng ngàn đồng đội của tôi ngã xuống. Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (ngày ấy là Hà Tuyên) được mệnh danh “cối xay thịt”, mật độ cối pháo không kém gì trận thành cổ Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ. Không ai biết à! Tự an ủi, mình đã làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước. Nhưng cứ thấy tủi phận thế nào ấy. Nước mắt tự dưng cứ tuôn trào khi nghe những tiếng đầu nòng trong đêm pháo hoa. Ám ảnh tiếng đầu nòng của pháo giặc dập xuống trận địa ba mươi năm sau chưa dứt ra được. Đá bị bằm vụn, đất đỏ bị xới tơi, mẩu lá khô thay thuốc lào tìm cũng khó, cao điểm 300; 400 như con cóc ngồi trắng toát màu đá, xen những dòng đất đỏ như máu rỉ. Triền miên tiếng nổ. Ngày nào không có tiếng nổ là ngày ấy bất thường. Ám ảnh cái đêm nằm ôm xác đồng đội trong khe đá. Vận tải lên không được vì pháo.
Có cuộc chiến tranh nào mà người lính khổ hơn chúng tôi không. Mấy ngày lễ tết, hai bên ngừng bắn. Con phe đồ quân trang, nhu yếu phẩm của lính chốt đón hàng gần trạm vệ binh ngáp dài “Mấy hôm nay pháo không bắn thấy buồn”! Khi xuất ngũ, về tới bến xe Gia Lâm, mấy người hỏi “Lính ở đâu về?” “Lính Hà Tuyên” “ Lính biên giới chỉ có ba lô lộn thế này thôi à?” (ngày ấy bắt đầu thông thương biên giới) Vâng, năm, sáu người chung một ba lô còn lép. Và sau này. Truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng đã thể hiện rất chân thật và chính xác về những gì chúng tôi đã trải qua và đang phải chịu đựng. Vậy mà tỉnh ủy Phú Yên cho rằng đó là một tác phẩm cực kỳ độc hại, cực kỳ phản động, làm tổn thương các mẹ VN anh hùng. Những người ra quyết định này nếu tôi có hỏi chắc cũng thế thôi. Không biết!
Tôi gọi cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh “của chúng tôi”
Nhớ đồng đội lắm! Nếu ai đến thăm đài tưởng niệm tại ngã ba Thanh Thủy, vào thăm hang Dơi, hãy quan sát địa hình rồi nhìn vào mắt những người lính năm xưa chúng tôi thì thấy tại sao chúng tôi lại nhớ đồng đội đến vậy. Ánh mắt thảng thốt, đẫm lệ. Ám ảnh bóng đồng đội gục xuống ngay trước mắt mình. Những 1509, 772, 685, đồi Đài, H6 ... giờ không còn trơ trọi đá xám, không loang đỏ những dòng đất bị pháo bằm tơi. Trên đỉnh cao vòi vọi ấy, dưới màu xanh ngút ngàn ấy đồng đội còn nằm lại chỗ nào. Chúng tôi giờ không leo nổi tới những điểm cao ấy nữa mong đồng đội tha thứ.
Hôm nay tôi có thể thốt lên câu gì đây, khi được thấy trên VTV thời sự 19 giờ ngày 14 tháng 7 năm 2014, những đồng đội cùng mặt trận với mình, những cựu chiến binh sư đoàn 356 trực tiếp tham gia trận đánh mở màn cách đây ba mươi năm được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đón. Xúc động lắm! Xúc động bởi vì: không biết tôi dùng từ khảng định có đúng, đây là lần đầu tiên cuộc chiến tranh “của chúng tôi” được lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước ta công khai nhắc tới trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Vậy là đến ngày này, toàn thể nhân dân đã biết, dân tộc ta còn có một cuộc chiến tranh nữa, đó là cuộc chiến tranh Biên giới 1984 – 1988.
Có lẽ Đại tá Nguyễn Đức Cam nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356 cũng thấy tủi phận như tôi nên mới nói trong cuộc gặp mặt lịch sử này “Đối với với chúng tôi đây là sự ghi nhận, là phần thưởng mà cả đời không nghĩ tới” Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi công các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Vâng, chúng tôi chỉ muốn nói câu này  “Người lính chiến đấu dẫu có trận thất bại, cũng có trận lập chiến công. Chỉ mong Tổ quốc một lần nhắc tên họ công khai”
Quên lãng đã được nhắc lại. Với tôi ám ảnh đã được giải tỏa!

NQH