Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

CHUYỆN VỀ MỘT “NHÀ VĂN CÔNG NHÂN”




Huyền Trâm

(Báo An ninh Hải Phòng – số 3006 – thứ tư ngày 23 tháng 10 năm 2013)
“Những anh công nhân bốc xếp như chúng tôi vì cái tội ngửi mùi mồ hôi của nhau nhiều hơn mùi mồ hôi vợ mà mang nợ nhau. Chuyện của những người quanh tôi gắn bó với tôi nhiều lắm, không dứt ra được, cho nên cứ phải viết về họ: - Tâm sự của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng khi nói về đề tài công nhân lao động trong các sáng tác của anh. Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Thủy sinh” hay bất kì cuốn sách nào do anh viết, ít ai biết rằng tác giả của những tập truyện ngắn và tiểu thuyết ấy là một người công nhân lái cần trục chân đế tại Cảng Hải Phòng, được bạn văn yêu mến đặt cho tên gọi thân mật “ nhà văn công nhân”.
Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Học xong phổ thông, vào bộ đội rồi trở về quê hương học nghề, anh trở thành công nhân điều khiển cần trục chân đế ở Cảng Hải Phòng. Thế rồi hình ảnh của những người thợ cùng với cuộc sống sôi động luôn hiện ra trước mắt anh. Anh cho rằng, hiện thực cuộc sống lao động với những người công nhân Cảng Hải Phòng đã và đang diễn ra trước mắt đủ nuôi cả một đời văn cho những ai ham mê viết lách, chẳng riêng gì anh.

Đọc tác phẩm của Nguyễn Quốc Hùng thấy rõ tình cảm của nguồi viết với nhân vật. Và có lẽ đó cũng chính là mạch nguồn nối dài “nghiệp văn” của anh. Năm 2005, anh cho in cuốn tiểu thuyết “Chuyến hàng mưa”. Nhân vật ông Phiện là một người công nhân bốc xếp có ngoại hình thô ráp, mang tính bẳn gắt của người lao động nặng. Nhưng khi phải chia tay nhóm học sinh thực hành tại Cảng, ánh mắt mang theo niềm xúc động, da diết. Cuộc sống tươi trẻ, hồn nhiên của nhóm học sinh đã làm khuấy động cuộc sống của ông. Tiểu thuyết “Chuyến hàng mưa” từng đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2006.
Sau này, Nguyễn Quốc Hùng vẫn tiếp tục khắc họa hình ảnh ông Phiện, giữ nguyên ngoại hình và tính cách trong một số tác phẩm khác. Bởi lẽ, câu chuyện chia tay với nhóm học sinh đến lao động thực tế tại Cảng cùng ánh mắt rưng rưng niềm xúc động của người công nhân Cảng là một câu chuyện hoàn toàn có thật.  Từ đấy mà anh đi tìm mãi những ý tưởng, những cốt truyện xoay quanh ánh mắt ấy. Đọng lại sâu lắng và thành công sau này còn có truyện ngắn “Mặt trời dưới lòng sông”.
Một điều đặc biệt là Nguyễn Quốc Hùng chỉ viết âm thầm. Âm thầm như bản tính trầm lặng của anh vậy. Không mấy ai ở xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu biết đằng sau những giờ làm việc căng thẳng, anh vẫn say mê sinh hoạt trong Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ của thành phố, sau này được kết nạp vào Hội Nhà văn Hải Phòng, rồi Hội Nhà văn Việt Nam. Khi anh đã có những truyện ngắn được đăng trên một số tờ báo và tạp chí văn chương, thâm chí đoạt giải thưởng cho cuốn tiểu thuyết và cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn Nghệ thì đồng nghiệp ở Cảng cũng vẫn không biết anh là một cây bút ham mê sáng tác văn học. Anh cũng thực sự rất thích và yêu mến cái tên gọi “Nhà văn công nhân” mà mọi người vẫn thường gọi mình.
Sau “Chuyến hàng mưa” – cuốn tự truyện của người công nhân Cảng, Nguyễn Quốc Hùng xuất bản tập truyện ngắn “Mặt trời dưới lòng sông” , tập hợp những tác phẩm của anh đã đăng ở một số báo và tạp chí văn chương. Rồi đến “Dòng sông chở kiếp” viết về đề tài nông thôn. Anh giới thiệu “Dòng sông chở kiếp” đưa bạn đọc trở về với một làng quê vùng châu thổ sông Hồng, nơi có ánh đồng, có ngôi chùa thấp thoáng sau rặng tre, nơi có những người nông dân chất phác, thật thà, quanh năm một sương hai nắng, bỗng phải đối mặt với đầy những biến động trong đời thường nơi thôn dã.  Gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết “Thủy sinh” xuất bản năm 2011. Cuốn tiểu thuyết được nhận xét rằng đã chạm đến tận cùng tâm tư của người lao động. Cũng đúng thôi, bởi một lần nữa, Nguyễn Quốc Hùng lại chạm đến đề tài “tủ” của mình bằng tất thảy tình cảm dành cho những đồng nghiệp. Rồi đây, những nhân vật như ông Phiện (Chuyến hàng mưa), như Phương (Thủy sinh) ... sẽ còn được khắc họa sinh động, rõ nét trong mỗi trang văn của anh.

Đầu sách đã được xuất bản của Nguyễn Quốc Hùng chưa nhiều, tài sản văn chương chưa hẳn “giàu có” nhưng điều quý giá ở anh chính là sự “giàu có” trong tâm hồn văn. Nói vậy chắc cũng chẳng quá với một người công nhân, đã lấy văn chương làm niềm vui, niềm đam mê. Người công nhân ấy làm việc theo ca kíp, thời gian dành cho văn còn quá ít. Viết được một truyện ngắn, một tiểu thuyết hay thật khó. “Nhưng khó lại chính là động lực cuốn được sự đam mê của con người” – anh khảng định chắc nịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét