Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

THƠ VĂN VÀ NGƯỜI CÔNG NHÂN CẢNG HẢI PHÒNG



Người Hải Phòng từ xưa tới nay đều rất tự hào khi gọi thành phố của mình bằng cái tên đầy tính biểu tượng: thành phố Cảng. Được là người công nhân làm việc trên bến cảng, ai cũng thấy mình hãnh diện hơn, không chỉ bởi cuộc sống của người công nhân lao động Cảng Hải Phòng đang đi lên từng ngày, sắc áo công nhân đỏ rực trong ánh bình minh cửa biển, những người công nhân ngày đêm trần mình với nắng gió trên cầu cảng gửi gắm tâm sự của mình đến bạn bè muôn nơi thông qua những tấn hàng, những chàng cần trục khổng lồ xoay chuyển những vũ điệu không gian thật uyển chuyển, thật hùng tráng, mà còn bởi chặng đường truyền thống của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng (24/11/1929) thật hào hùng, thật đáng trân trọng. Những con người lao động của bến Sáu Kho xưa và Cảng Hải Phòng ngày nay, với ý chí cùng nghị lực phi thường đã vượt qua không ít những khổ đau nghiệt ngã, những cam go khốc liệt. Để tới nay họ có quyền ngẩng cao đầu cùng ca vang bản hùng ca của thời đại. Họ xứng danh là những "dũng sĩ Biển Đông vai sắt chân đồng". Và hình ảnh người công nhân bến cảng, rất tự nhiên đi vào những áng thơ văn của không ít những văn nghệ sĩ thành phố cũng như của đất nước.

Với vợ lão Đen: "ngày thường ở ngoài Sáu Kho, mụ quai băng băng lên vai cả một tạ gạo, vật nhau cả với những người đàn ông lực lưìng...". Nhưng với người phu khuân vác ấy thì "Cốt sao nuôi nổi chúng nó ngày hai bữa, không để chúng nó ăn mày, ăn nhặt là được rồi!" Với Hưng: "Hưng làm chấm công ở ngoài sáu kho. Buổi đắt, buổi ế, Hưng đã phải nhận những sổ về chép và những sách về đóng lại để đì vực cho nhà cũng năm miệng ăn ... mà cả Hưng, mẹ và các em chỉ dám ăn ngày một bữa" Đó là, dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, người công nhân lao động vô cùng cực nhọc, mọi chỗ làm việc đều tạm bợ, nguy hiểm, tai nạn thường xuyên xảy ra. Suốt ngày phải dầm mưa, phơi nắng và làm việc dưới roi vọt của bọn chủ thầu, cai kí nhưng đồng lương quá ít, lại còn bị cắt xén. Có thể nói, đời sống của công nhân Cảng Hải Phòng là một trong những điển hình về sự khổ nhục của giai cấp công nhân Việt Nam dưới thời thuộc Pháp. Nhà văn Nguyên Hồng là nhà văn đầu tiên đã đưa hình ảnh người công nhân Cảng Hải Phòng vào trong tác phẩm văn học. Bởi Nguyên Hồng là người sống trọn vẹn trong cảnh lầm than, cùng với lớp người nghèo họp thành bộ mặt dưới đáy đời sống thành thị. Bởi nơi xóm Cấm, vườn hoa Đưa Người và bến Sáu Kho của Hải Phòng mà ông quen thuộc, nào có thiếu bất cứ nghề gì để được coi là nghề, cho sự sống dưới đáy ấy để có cái đưa vào miệng.
Cuộc đấu tranh thắng lợi ngày 24-11-1929 tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo và đoàn kết chặt chẽ trong tình thương yêu giai cấp của những người công nhân Cảng Hải Phòng. Xin được bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc tới những người con kiên trung như đồng chí Biên, đồng chí Phúc, đồng chí Tự, đồng chí Nhân, đồng chí Đức,... những công nhân bốc vác ở Cảng, là những đại diện ưu tú nhất viết lên trang đầu tiên của lịch sử đảng bộ, đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng.
Đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp thì lại lâm vào tình cảnh bị chia cắt bởi đế quốc Mỹ. Toàn Đảng, toàn dân ta phải gồng mình cho cuộc đấu tranh mới - Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng chung tay cùng cả nước bước vào trận đánh cam go, ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta cũng như của toàn nhân loại.
Cố nhà thơ Đào Cảng từng là thợ cơ khí của Cảng trong những năm tháng ác liệt đó, sau chuyển sang phòng thi đua tuyên truyền. Trong bài thơ Đêm chống Mỹ ở Cảng Hải Phòng, ông viết:
Cảng Hải Phòng như một vòng cung lửa
Trận đánh này đang triển khai, triển khai
Vũ khí đâu chỉ là sắt thép
Cả vải lụa, tre mây cũng đánh giặc đêm nay.
Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh trưởng thành từ phong trào thơ chống Mỹ của thành phố, cảm nhận của ông về những người công nhân Cảng Hải Phòng qua những kì tích mà họ đã lập nên trong cuộc chiến chống phong toả thuỷ lôi của đế quốc Mỹ. Bài thơ Những người phá thuỷ lôi trên cửa biển, ông đề tặng tự vệ Cảng Hải Phòng, đơn vị anh hùng.
Chiếc ca - nô tăng tốc độ cuối cùng
Bật lên dòng điện từ trường
Biển nhiễm từ bùng lên những tia chớp
Những quầng sáng đỏ rực
Kéo theo từng cột nước khổng lồ
Chiếc ca - nô lắc lư
Như chực vỡ tung làn vỏ thép
Vật vã tưởng như sắp lật
                     bởi những đợt sóng lừng dữ dội
Nhưng tiếng hát con người đã bật lên hoà tiếng máy
Bỏ rơi tiếng thuỷ lôi thù vọng bất lực sau lưng
Hình ảnh của người công nhân bốc xếp trong thời đại mới. Thời đại ai cũng muốn dâng hiến đời mình cho những điều đẹp đẽ trên đời.
Gió biển thổi căng như vồng ngực người khuân vác
 (Thanh Tùng)
Dáng trầm ngâm người thợ khuân vác
Đôi vai trần bóng nước đồng hun
Biết bao tấn hàng
                     đã trôi
                                 trên vai,
                                            trên lưng
 (Nguyễn Tùng Linh)
"Hơn ba mươi năm làm nghề bốc vác trên bến cảng, vào ngày hè thì phơi lưng dưới nắng để cho lớp da khô xác như tấm mo cau, đến tháng đông dù thời tiết có lạnh giá thì công việc cũng vắt cơ thể lão ra những giọt mồ hôi đặc sánh như keo và để cưỡng lại cái nặng nhọc đè lên vai các múi cơ phải bện xoắn vào nhau khiến người lão sắt seo khác nào sợi dây neo tầu. Lại thêm hai cục u chai hai bên vai, một cục sau gáy to như trái cam, hệ quả của hàng nghìn thậm chí tới hàng triệu chứ chẳng ngoa đủ các loại bao kiện hàng hoá, từ chất liệu bao vải đến bao ni-lông, đến những hũm gỗ cạnh sắc như dao đè xuống thì không có những cục chai đấy mới là chuyện đáng để nói." (Nguyễn Quốc Hùng).
Cảng Hải Phòng, mảnh đất có những chàng trai gồng mình "mang trên lưng hy vọng của đời mình" (Nguyễn Thuỵ Kha), có những cô gái lái xe "tóc bay trên sóng biển quờ hương" đã ươm mầm cảm xúc trong tâm hồn của những người công nhân lao động, giúp họ trở thành những văn nghệ sĩ mà tác phẩm đã được khảng định như cố nhà thơ Đào Cảng, nhạc sĩ Nguyễn Kim, ca sĩ Mạnh Khang, nhà thơ Vũ Thuý Hồng và nhà văn Nguyễn Quốc Hùng. Và Cảng Hải Phòng cũng là nơi các văn nghệ sĩ tìm đến cho những chuyến đi thực tế sáng tác của mình. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã có chuyến đi thực tế, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với công nhân bốc xếp ở khu chuyển tải Hạ Long. Ông có bài thơ Hạ Long, đêm bốc vác:
Sương mờ xanh, Hạ Long còn lạnh giá,
Nhưng mồ hôi mưa xối đổ lưng trần,
Tay cần trục theo tay người hối hả,
Chưa kịp nhìn, trời nước đã sang xuân!
Công việc của người công nhân bốc xếp cực nhọc, vất vả là thế nhưng cuộc sống của họ thật giản dị, tấm lòng của họ thật bao dung. Không ai hiểu người công nhân bốc xếp hơn nhà văn Nguyễn Quốc Hùng: "Cái phận thằng bốc vác chênh vênh lắm, thằng Tương được con vợ đẹp thế tao cũng phải cố giữ hộ nó. - Lão nhìn vào mắt Huy, hỏi: - Sao, mày ngạc nhiên à? Thằng bốc vác ngửi mùi hụi của nhau còn nhiều hơn ngửi mùi hôi của vợ, thế mới phải mắc nợ với nhau."
Hình ảnh bến cảng của Hải Phòng có sâu đậm như vậy, cho nên nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi xa Hải Phòng nỗi nhớ đầu tiên ập về trong ông đó là:
Hải Phòng ơi đêm nay bỗng nhớ
Tiếng còi tầu sông Cấm chiều hôm
Ánh mây trên váng dầu tím đỏ
Đàn hải âu đùa với cánh buồm
(Nhớ Hải Phòng - Nguyễn Đình Thi)
Đất nước đang chuyển mình bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế nước nhà sao cho kịp nhịp bước phát triển của thời đại. Bến cảng vẫn mãi là một cánh cổng ra vào của đất nước. Nhưng cánh cổng ấy bây giờ phải được mở rộng hơn, phải bề thế hơn để đáp ứng mọi yêu cầu của nền kinh tế. Những người công nhân bến cảng vẫn mói là người phục vụ tận tuỵ. Liệu họ có đáp ứng được những thách thức của giai đoạn mới đòi hỏi? Với niềm tự hào về truyền thống tám mươi năm đấu tranh, dựng xây và phát triển, với tinh thần "Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo" chắc chắn rằng những người công nhân lao động Cảng Hải Phòng sẽ làm nên những kì tích mới. Sẽ còn nữa, những câu văn, những vần thơ được nảy sinh từ những mảnh đời của những người công nhân ngày đêm miệt mài lao động trên bến Cảng Hải Phòng.
Xin được trích một đoạn trong bài thơ Bác thăm tàu HC15 của cố nhà thơ Đào Cảng thay cho lời kết:
"Phải thương yêu nhau như trên một con tàu
Ai muốn tách mình ra ngoài tập thể
Chẳng khác gì tự mình lao xuống bể
Tưởng một mình vào bến trước anh em!
Lời Bác dạy cho cán bộ thuyền viên
Thành phương ngôn cho những người đi biển
Nhìn địa bàn trời sao ta định hướng
Ta còn nghe lòng ta vang dội tiếng Người"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét