“Và
trong tôi có một Hải Phòng / Khi em nhắc tới màu hoa phượng đỏ” Phải tự hào với mảnh đất nơi
mình sinh ra và lớn lên, nhà thơ Hoài Khánh mới có những câu thơ da diết như
vậy trong tập thơ Có một Hải Phòng
do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn bản vào tháng 10 năm 2015.
Hải Phòng, vùng đất mà nắng làm
bạc thêm lưng áo người thợ và gió làm rộn thêm tiếng còi tầu hú dài trên bến
cảng, cả màu hoa phượng cũng đỏ căng để sắc màu được cháy hết mình, giống như cuộc
sống sôi động của con người nơi đây. Qua tập thơ Có một Hải Phòng, nhà Thơ Hoài Khánh sẽ dẫn bạn đọc đi qua những
địa danh mang vẻ đẹp rất riêng của thành phố Hải Phòng. Trước hết là Hòn Dáu,
hòn đảo nhỏ có địa thế và cảnh quan thơ mộng. Trên đó còn có ngọn hải đăng cùng
trạm thủy văn mà đến với khu du lịch Đồ Sơn ai cũng muốn ghé thăm.
Thấp thoáng mảnh mai
dốc đảo
Theo lối em rất riêng
Gió đại dương phồng
căng ngực áo
Đồ Sơn mặt trời ngả
nghiêng …
( Viết ở trạm thủy văn Hòn Dáu)
Rồi đến Thăm đền Trạng Trình ngày xuân
Vào đền cúi lạy hồn thiêng
Ngoài sân cái rét
tháng giêng cũng gày
Bạch Vân Am ở chốn này
Hồn người xưa đã theo
mây về trời
Bạn đọc được đưa về thăm vùng quê
Vĩnh Bảo thanh bình giống như bao vùng quê khác của Tổ Quốc, có tiếng à ơ ru
con thân thuộc, có những đứa trẻ từ rạ rơm mà lớn lên thành người. Nhưng vùng
thôn quê nhỏ bé này lại là nơi địa linh đã sinh ra một nhân kiệt nặng lòng thương dân mà nhẹ tênh danh tiếng, đó là Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Một con phố nhỏ đã ăn sâu vào kí
ức của những ai đi xa cũng nhớ về. Đó là phố Ga, cái tên dân dã, quen thuộc
do người dân thành phố Cảng tự đặt ra. Con phố nhỏ mang bao tâm tư và kỉ niệm.
Nhắc tên phố ai đi xa cũng nhớ
Ngỡ chừng em đứng đợi
gốc cây già
Tới thăm dòng Đa Độ là tới thị
trấn núi Đối, nơi có đường vắt qua sông,
đường vòng chợ huyện. Nhà thơ muốn tâm sự với bạn đọc về một thị trấn nhỏ
đã gắn với kỉ niệm thuở ban đầu lãng mạn của mình.
Thị trấn mới rồi,
người cũ nơi đâu
Xe lãng đãng qua, gió
mênh mang quá
Sông Đa Độ ơi, nguyện
làm chiếc lá
Thả thuyền trôi chở
bóng dáng em về.
Về với Lưu Kiếm, địa danh mang dấu ấn lịch sử
của Gươm lệnh Đức Thánh Trần gửi lại
Dừng chân thầm hỏi dòng sông Giá
Núi nghiêng chiều đừng
che bóng em
Một vùng đất xa trung tâm thành
phố, có phong cảnh hữu tình của ngày xuân, cùng với tình cảm ấm nồng của con
người Lưu Kiếm đã khiến bước chân nhà thơ phải líu ríu, phải lưu luyến khi chia tay.
Qua động Trung Trang nhà thơ đưa ta tới thăm một cảnh
đẹp nằm trong quần đảo Cát Bà, di sản thiên nhiên thế giới. Với vòm động cao
xanh, nhũ đá buông giọt nước, có Đàn Đá vọng âm thanh ngàn xưa, có cửa Địa Ngục
và cửa Thiên Đàng khiến tâm hồn ta phải …
Sao bối rối trước hồng hoang ngỏ cửa
Chiều Cát Bà nhân ái
đợi ngoài kia
Hải Phòng với nhà thơ Hoài Khánh
không ồn ào phố thị, không bụi bặm công trình mà thật thanh bình, lắng sâu
chiều cảm xúc như một miền cổ tích.
Đất là vậy, còn con người? Có một Hải Phòng, tập thơ dung dị,
giống như tính cách của con người vùng cửa biển mặn mòi nắng gió. Những nhân
vật làm nên cảm xúc thơ của Hoài Khánh rất gần gũi, thân thuộc mà ta vẫn gặp
hàng ngày. Một ông Chủ tịch thành phố cầm chổi quét đường không có gì xa lạ.
Bởi Hải Phòng là thành phố của những con người hăng say lao động. Sáng chủ nhật này chẳng còn xa lạ nữa / Ông
Chủ tịch ra cầm chổi quét đường. Cô gái ghi lịch triều nhỏ nhắn thân thương
Chòi quan sát em bước lên / Hiện ra trong
lời biển gọi. Cô nhân viên ngân hàng cần mẫn với công việc Ơi cô nhân viên Ngân hàng Công thương / Hoa
nắng theo em đến mọi nẻo đường / Em góp nhặt bao khoản tiền tiết kiệm…
Những con người tạm gác lại cuộc sống riêng tư, âm thầm cống hiến cho xã hội
như những phát thanh viên Người nhà Đài
đến khuya vội vã về nhà / Đứa con gái ôm búp bê đã ngủ / Cô vợ trẻ bậm bục hâm
nóng lại thức ăn. Con người thành phố được khúc xạ qua lăng kính nhà thơ
thật giản dị khiến bạn đọc có cái nhìn nhân văn hơn về cuộc đời.
Đọc Có một Hải Phòng không thể không nhắc tới mảng đề tài tình yêu. Đó
là sự giao hòa lãng mạn giữa tình cảm của nhà thơ với người mình yêu cùng với
đất trời. Thiên nhiên thổi vào tâm hồn nhà thơ.
Gió thổi
Vào hoa phượng
Khiến lòng anh mê say
…
Để rồi!
Và nụ cười của em
Rơi vào tim anh
Đỏ
Như hoa phượng …
Nói nhỏ với nhau thôi
Để nghe được sắc màu
yêu thương ấy.
(Màu tình yêu)
Sự đồng điệu giữa thiên nhiên với
cảm xúc thơ.
Gió e ấp đưa làn hương đến tặng
Lần lối cỏ, tôi nhặt
từng giọt nắng
Hóa ngây ngô, xin em
chớ ngại ngần!
Thơ của Hoài Khánh mang âm hưởng
thơ dân gian truyền thống sử dụng nhiều phép tu từ, giàu nhạc điệu, trữ tình
nhưng chứa đựng những triết lí nhân sinh Cuộc
tình chưa được đặt tên / Ở xa thì nguội, kề liền thì sôi… hay những câu thơ
đắm đuối Ai mang nỗi nhớ cầm tù / Tôi
chung thân giữa mịt mù gió khơi (Với lời
ru của biển) hay Hãy chạm vào đêm
ấy / Để suốt đời thiêng liêng (Đừng, em
…).
Là một nhà thơ “chuyên” viết cho
thiếu nhi, Hoài Khánh đã xuất bản …. tập thơ mà trong đó có không ít những bài
được dư luận đánh giá cao, được đưa vào sách giáo khoa trong chương trình giáo
dục tiểu học. Có một Hải Phòng là
tập đầu tiên Hoài Khánh viết cho người lớn nhưng có lẽ ảnh hưởng của cái
“chuyên” ấy vẫn còn bảng lảng đâu đó trong một vài câu chữ, một vài cách tiếp
cận vấn đề, như Cuối xuân hoa lá cũng ừ hay
Bầy em gái cõng chiều đi tới lớp hay
trong cả bài Trong buổi thu thanh ca nhạc ….
Là một nhà báo “chuyên” nên Có một Hải Phòng cũng còn thể hiện cái
“chuyên” ấy như Cha kể con nghe về Đảng hay Nguồn vốn tình yêu hay Tạ
lỗi với mùa xuân …
Xu hướng hiện nay, Văn học Nghệ
thuật nước ta đang cố gắng tiếp cận những trào lưu sáng tác hiện đại trên thế
giới. Và với văn nghệ sĩ, nhiều người cũng cố gắng tìm tòi cho mình một hướng
đi mới trong tư duy và hình thức thể hiện tác phẩm. Trong Có một Hải Phòng nét chủ đạo là thơ truyền thống, cách tân hoàn
toàn chỉ bắt gặp ở Sáu gã làm thơ bên mâm thịt chó. Một bài thơ vui trong hình
thức thể hiện, diễn đạt ngôn từ. Còn nội dung tác giả muốn đề cập tới thì ẩn
khuất trong mỗi nhân vật, người đọc phải đào sâu suy nghĩ mới nhận ra. …./ Tập thơ dày, bán chẳng ai mua! …./ Ngán
nỗi in xong, chẳng biết ai để tặng! …./Ta chuốc thơ nhau, cụng li cái đã! …./
Đĩa còn dăm miếng luộc/ Chủ quán cho thêm một củ riềng. Văn hóa trong xã
hội xuống cấp, bị coi thường, phải chăng đó là điều tác giả muốn thể hiện qua
những câu thơ của mình.
Đọc Có một Hải Phòng có một vài chỗ ta thấy tác giả tỉnh táo quá, chưa
cháy hết mình trong xúc cảm nghệ thuật. Điều này lộ ra bằng những câu chữ gọi
là “quen thuộc” như vàng nghiêng cả chiều
hay xanh rêu bậc thềm hay Em mặc áo hoa cà hay Giọt nắng vàng rơi lối cỏ em qua ….
“Thơ là thần
hứng”
(Platon). Đất và người Hải Phòng là nơi đã gieo mầm cho thần hứng thơ của Hoài
Khánh bay lên bằng tập thơ Có một Hải
Phòng. Có một tập sách viết riêng về nơi mình sinh ra và lớn lên ai cũng
muốn. Đó như là một lời tri ân. Hoài Khánh muốn vậy?
Nguyễn Quốc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét