(Nhân Dân) - Theo dõi đời sống văn học
nhiều biến động, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về sức hút của văn học về đề
tài công nhân. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, văn học về đề tài công nhân
không còn cần thiết. Phải chăng đã qua "thời" của văn học công nhân?
"Một thuở vàng son"
Sự thiếu vắng những tác phẩm văn học thật
sự hấp dẫn, thuyết phục về đề tài công nhân khiến nhiều người không khỏi tiếc
nhớ đến một giai đoạn "vàng son" trong quá khứ. Giai đoạn đó, rất
nhiều nhà văn đã thành danh và ghi dấu ấn của mình với mảng đề tài này. Đó là
Nguyên Hồng với bộ tiểu thuyết Cửa biển;Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Một chiều
giông gió; Trần Nhuận Minh với Âm điệu một vùng đất, Thành phố bên này sông,
Trước mùa mưa bão, Hòn đảo phía chân trời... Đó là Lý Biên Cương lăn lộn làm
báo Vùng mỏ và từ đó đã viết ra những tác phẩm ấn tượng như: Khoảng không của đất,
Người đãi vàng... Ông đã đoạt giải thưởng chính thức văn học về đề tài công
nhân lần thứ I của Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Xuân Cang
với Suối gang, Lên cao, Trước lửa, Chặng đường nóng bỏng. Ông đã nhận Tặng
thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần I
(1969 - 1971) và lần II (1972 - 1974). Đó là Võ Huy Tâm, người con của tỉnh Nam
Định đã theo gia đình đến sinh sống và lập nghiệp ở vùng mỏ. Những ngày tháng
làm thợ mỏ ở mỏ than Uông Bí đã giúp ông có những trải nghiệm quý giá để viết
nên tác phẩm nổi tiếng Vùng mỏ(tiểu thuyết đoạt giải nhất Giải thưởng Văn nghệ
của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952). Ngoài ra ông còn nhiều tác phẩm khác
vẫn trung thành với người thợ mỏ như: Chiếc cán búa, Ngõ ngang xóm thợ, Những
người thợ mỏ... Đó là Võ Khắc Nghiêm với Xung đột âm thầm, 16 tấn vàng, Tìm lại
chính mình, Mạnh hơn công lý. Ông đã đoạt giải A văn học về đề tài công nhân
năm 1990-1995. Một nhà văn nữa cũng rất đặc sắc là Tạ Vũ, người đã được tặng
thưởng của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1975 cho tập Những cánh chim trời. Suốt
thời tuổi trẻ của mình, Tạ Vũ xung phong đi khôi phục đường sắt ở miền tây, đi
làm công nhân thăm dò địa chất. Ông không ngại xông pha, để rồi cho ra đời
những tác phẩm thật sự ám ảnh với độc giả.
Nhà văn Nguyễn Đức
Thiện nhận xét: "Đã có một khoảng cách rất lớn giữa người viết với đời
sống công nhân. Lớp nhà văn ngoài sáu mươi tuổi hiện nay hầu như đã tách ra
khỏi công trường, xưởng máy hoặc an phận dưỡng già, hoặc nếu còn viết thì tiếp
tục khai thác vốn sống từ ngày xa xưa mà viết lại. Lớp trẻ hơn ngoài bốn mươi,
năm mươi tuổi có dính đến chuyện văn chương thì tìm một công việc ổn định nằm
ngoài cuộc sống công nghiệp, có đến với công nghiệp thì cũng giống như cưỡi
ngựa xem hoa".
Chính nhờ các "nhà văn công
nhân", bạn đọc cả nước hiểu hơn và yêu hơn những vùng đất đã được tái hiện
sinh động trong tác phẩm văn học của họ như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao ở giai
đoạn đó, văn học về đề tài công nhân phát triển mạnh mẽ đến như vậy? Trước hết,
có lẽ cần phải kể đến, đó chính là hoàn cảnh lịch sử. Bắt đầu từ những năm 50 -
60, công cuộc xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa được tiến hành mạnh mẽ ở khắp
các tỉnh, thành phố. Các nhà máy mọc lên, công nghiệp nặng được ưu tiên phát
triển. Sự quan tâm của toàn dân khi đó, bên cạnh sự nghiệp giải phóng miền nam,
thống nhất đất nước thì việc phục hồi kinh tế, phát triển đất nước, làm hậu
phương vững chắc cho miền nam cũng quan trọng không kém. Văn học - nghệ thuật
giai đoạn đó đã thật sự đồng hành cùng đất nước. Các nhà văn cũng đồng thời là
những người thợ. Có người làm thợ mỏ, có người làm thợ lái tàu, có người làm
công nhân của khu gang thép Thái Nguyên... Họ đến với văn chương, để trước hết,
viết nên những câu chuyện của chính mình. Những nhà văn dù không phải là công
nhân, thì cũng sẵn sàng lao vào cuộc sống của người thợ để được "ba
cùng": cùng ăn, cùng sống, cùng làm việc. Bởi vậy những tác phẩm văn học
về đề tài công nhân giai đoạn này thật sự sống động, hấp dẫn và có sức ám ảnh
với công chúng.
Văn học công nhân đang bị lép vế?
Sau hơn mười năm vắng bóng, đến năm 2010,
Giải thưởng văn học công nhân đã được tái khởi động bằng cuộc vận động sáng tác
về đề tài công nhân và Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014 do hai đơn vị
cùng đăng cai là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn (HNV) Việt
Nam. Đây được đánh giá như một động thái hâm nóng mảng văn học vốn rất sôi động
của một thời, được nhiều độc giả quan tâm, yêu mến. Sau bốn năm phát động, ban
tổ chức đã nhận được gần 500 tác phẩm thuộc hai thể loại là thơ và văn xuôi.
Tháng 9-2014, giải thưởng Cuộc vận động đã được trao cho 32 tác giả nhưng đáng
tiếc là nội dung của những tác phẩm đoạt giải lại chưa được phổ biến rộng rãi
trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có ý kiến cho rằng, đời sống văn học
hiện nay có quá nhiều sự kiện và nhiều cuộc thi được làm truyền thông tốt hơn
nên Cuộc vận động sáng tác viết về đề tài công nhân và Công đoàn Việt Nam có
phần hơi chìm khuất và lép vế. Những người biết đến cuộc thi với tư cách là độc
giả thưởng thức tác phẩm văn học không nhiều. Thực tế này cho thấy thành công
của cuộc thi có lẽ mới chỉ đạt được một nửa mà thôi.
Ngay sau lễ trao giải, cuộc vận động thứ
hai, giai đoạn 2015-2019, đã tiếp tục được phát động. Ban tổ chức đã bày tỏ
mong muốn: Tổ chức thường xuyên các cuộc vận động sẽ thu hút được nhiều hơn sự
quan tâm của giới sáng tác và độc giả, từ đó dần hình thành hệ thống những tác
phẩm văn học mới ca ngợi giai cấp công nhân và người lao động trong thời đại mới,
theo kịp với những chuyển biến của giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo dõi đời sống văn học nhiều
biến động, nhất là trước sự nở rộ của văn học đô thị, các đề tài được quan tâm
nhiều là tình yêu, giới trẻ, hay thể loại giả tưởng, kinh dị, ngôn tình... không
ít người bày tỏ sự nghi ngờ về sức hút của đề tài công nhân. Thậm chí có ý kiến
còn cho rằng, văn học về đề tài công nhân không còn cần thiết. Nó đã là câu
chuyện của quá khứ, ghi dấu một giai đoạn quan trọng khi chúng ta bắt tay vào
xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, phục hồi đất nước sau nhiều năm
chiến tranh nên hình ảnh lực lượng công nhân khi đó như là trung tâm của thời
đại. Bây giờ, nền kinh tế thị trường phát triển, mối quan tâm của độc giả và cả
người viết không còn hướng về đội ngũ công nhân nữa, mà cần hướng đến nhiều đề
tài nóng bỏng hơn, cấp thiết hơn.
Tìm lại chỗ đứng
"Thời vàng son" của văn học công
nhân phải chăng đã khép lại? Văn học công nhân không còn chỗ đứng trong giai
đoạn hiện nay? Tình trạng này liệu có phải là sự phi lý khi mà lực lượng công
nhân đang không ngừng gia tăng? Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam, tính đến hết năm 2010, tổng số công nhân nước ta ước tính có
khoảng 12,6 triệu người và đang là lực lượng lao động đóng góp nhiều nhất vào ngân
sách nhà nước (hằng năm, giai cấp công nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã
hội và 70% ngân sách nhà nước). Điều này cho thấy đội ngũ công nhân vẫn đang
giữ một vai trò quan trọng đời sống xã hội hiện nay. Báo chí đã bám sát và phản
ánh rất kịp thời về thực trạng đời sống, việc làm của người lao động. Theo dõi
trên các phương tiện truyền thông, độc giả hẳn đã từng hơn một lần thấy ngậm
ngùi, xót xa trước cảnh sống chật chội, khó khăn của công nhân các khu công
nghiệp, những công nhân nữ thậm chí không có thời gian để tìm kiếm bạn đời. Rất
nhiều cặp vợ chồng là công nhân phải gửi con cho ông bà nuôi vì không có điều
kiện chăm sóc. Rồi những người thợ mưu sinh ở nước ngoài, với bao nhiêu khó
khăn phía trước... Những thân phận ấy, lẽ nào văn học lại có quyền thờ ơ?
Liệu còn được bao nhiêu người viết
"chung thủy" như nhà văn Trần Tâm (Quảng Ninh), nung nấu suốt 20 năm
trời để hoàn thành bộ tiểu thuyết Đất bỏnggồm 4 tập? Những tác giả đồng thời là
người thợ như Dương Thị Thu Hường làm công nhân khâu giày tại khu công nghiệp
tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Quốc Hùng làm công nhân máy ở Hải Phòng... ngày càng hiếm
trong đời sống văn học. Không có trải nghiệm, làm sao người viết sáng tạo được
những tác phẩm văn học đủ sức lay động trái tim bạn đọc?
Trong khi nhiều người viết mải chạy theo
những mảng đề tài khác "được lòng thị trường" hơn, thì lực lượng công
nhân vẫn vận động không ngừng và có nhiều chuyển biến khác với giai đoạn trước
đây. Không chỉ đa dạng về ngành nghề, mà những diễn biến phức tạp trong sự chuyển
đổi của các mô hình kinh tế, người công nhân đang đứng trước rất nhiều thách
thức như: việc làm, thu nhập, nhà ở, điều kiện sinh hoạt, đời sống tinh thần...
Các tác phẩm văn học của chúng ta thì vẫn tiếp tục trống một mảng quan trọng về
đề tài này.
Có người không tán đồng, thậm chí cảm thấy
dị ứng với cái gọi là "sáng tác văn học theo đề tài". Thực chất đây
chỉ là cách phân loại mang tính tương đối. Bởi thiết nghĩ đích cao nhất của văn
chương là tính nhân văn, vì con người và cho con người. Hơn 10 triệu công nhân,
đang lặn lộn với đủ ngành nghề, chật vật mưu sinh và đóng góp không nhỏ vào nền
kinh tế của đất nước, họ xứng đáng có một chỗ đứng trong các tác phẩm văn học
đương đại. Mong rằng, thời gian tới, vấn đề này sẽ thật sự được giới sáng tác
lưu tâm. Những tác phẩm hay, dù viết về ai, hay đề tài gì, chắc chắn sẽ được
bạn đọc đón nhận. Chất lượng của tác phẩm sẽ chính là "bảo chứng" giá
trị nhất giúp tác phẩm đó có được chỗ đứng trong đời sống văn học. Văn học về
đề tài công nhân cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét