(Nhớ đồng đội)
Tôi đi tìm tôi! Gần ba mươi năm sau khi xuất ngũ tôi mải mê đi tìm cái bóng xưa kia của mình. Tôi là ai trong những năm 1984 – 1988 ấy? Những năm ấy dân tộc ta có một cuộc chiến tranh ác liệt đấy? Không ai biết! Một trăm phần trăm những người được tôi hỏi, đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội và cả những quân nhân cấp bậc có người tới thượng tá, đều không biết có cuộc chiến tranh này. Tôi kể chuyện những ngày tháng ác liệt ấy cho các cháu nghe thì mẹ chúng nó (tức em gái tôi) bảo, bác đọc tiểu thuyết.
Vào ngày 12 tháng 7 cách đây tròn ba mươi năm bắt đầu cuộc tấn công tổng lực của bộ đội ta giành lại từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Gần năm năm, hàng ngàn đồng đội của tôi ngã xuống. Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (ngày ấy là Hà Tuyên) được mệnh danh “cối xay thịt”, mật độ cối pháo không kém gì trận thành cổ Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ. Không ai biết à! Tự an ủi, mình đã làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước. Nhưng cứ thấy tủi phận thế nào ấy. Nước mắt tự dưng cứ tuôn trào khi nghe những tiếng đầu nòng trong đêm pháo hoa. Ám ảnh tiếng đầu nòng của pháo giặc dập xuống trận địa ba mươi năm sau chưa dứt ra được. Đá bị bằm vụn, đất đỏ bị xới tơi, mẩu lá khô thay thuốc lào tìm cũng khó, cao điểm 300; 400 như con cóc ngồi trắng toát màu đá, xen những dòng đất đỏ như máu rỉ. Triền miên tiếng nổ. Ngày nào không có tiếng nổ là ngày ấy bất thường. Ám ảnh cái đêm nằm ôm xác đồng đội trong khe đá. Vận tải lên không được vì pháo.
Có cuộc chiến tranh nào mà người lính khổ hơn chúng tôi không. Mấy ngày lễ tết, hai bên ngừng bắn. Con phe đồ quân trang, nhu yếu phẩm của lính chốt đón hàng gần trạm vệ binh ngáp dài “Mấy hôm nay pháo không bắn thấy buồn”! Khi xuất ngũ, về tới bến xe Gia Lâm, mấy người hỏi “Lính ở đâu về?” “Lính Hà Tuyên” “ Lính biên giới chỉ có ba lô lộn thế này thôi à?” (ngày ấy bắt đầu thông thương biên giới) Vâng, năm, sáu người chung một ba lô còn lép. Và sau này. Truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng đã thể hiện rất chân thật và chính xác về những gì chúng tôi đã trải qua và đang phải chịu đựng. Vậy mà tỉnh ủy Phú Yên cho rằng đó là một tác phẩm cực kỳ độc hại, cực kỳ phản động, làm tổn thương các mẹ VN anh hùng. Những người ra quyết định này nếu tôi có hỏi chắc cũng thế thôi. Không biết!
Tôi gọi cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh “của chúng tôi”
Nhớ đồng đội lắm! Nếu ai đến thăm đài tưởng niệm tại ngã ba Thanh Thủy, vào thăm hang Dơi, hãy quan sát địa hình rồi nhìn vào mắt những người lính năm xưa chúng tôi thì thấy tại sao chúng tôi lại nhớ đồng đội đến vậy. Ánh mắt thảng thốt, đẫm lệ. Ám ảnh bóng đồng đội gục xuống ngay trước mắt mình. Những 1509, 772, 685, đồi Đài, H6 ... giờ không còn trơ trọi đá xám, không loang đỏ những dòng đất bị pháo bằm tơi. Trên đỉnh cao vòi vọi ấy, dưới màu xanh ngút ngàn ấy đồng đội còn nằm lại chỗ nào. Chúng tôi giờ không leo nổi tới những điểm cao ấy nữa mong đồng đội tha thứ.
Hôm nay tôi có thể thốt lên câu gì đây, khi được thấy trên VTV thời sự 19 giờ ngày 14 tháng 7 năm 2014, những đồng đội cùng mặt trận với mình, những cựu chiến binh sư đoàn 356 trực tiếp tham gia trận đánh mở màn cách đây ba mươi năm được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đón. Xúc động lắm! Xúc động bởi vì: không biết tôi dùng từ khảng định có đúng, đây là lần đầu tiên cuộc chiến tranh “của chúng tôi” được lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước ta công khai nhắc tới trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Vậy là đến ngày này, toàn thể nhân dân đã biết, dân tộc ta còn có một cuộc chiến tranh nữa, đó là cuộc chiến tranh Biên giới 1984 – 1988.
Có lẽ Đại tá Nguyễn Đức Cam nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356 cũng thấy tủi phận như tôi nên mới nói trong cuộc gặp mặt lịch sử này “Đối với với chúng tôi đây là sự ghi nhận, là phần thưởng mà cả đời không nghĩ tới” Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi công các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Vâng, chúng tôi chỉ muốn nói câu này “Người lính chiến đấu dẫu có trận thất bại, cũng có trận lập chiến công. Chỉ mong Tổ quốc một lần nhắc tên họ công khai”
Quên lãng đã được nhắc lại. Với tôi ám ảnh đã được giải tỏa!
NQH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét