(Bình minh mưa)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người hiện
thân của những giá trị đạo đức, văn hoá của dân tộc - Người là một tấm gương
mẫu mực về đạo đức cách mạng để toàn đảng, toàn dân noi theo. Coi đạo đức là
nền tảng của con người cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục,
rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
"Học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh" là cuộc vận động sâu rộng trong toàn đảng, toàn
dân ta nhằm đáp ứng được với những vận hội mới, thách thức mới, để đưa nước ta
trở nên đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, báo đáp lại công ơn của con Người đã hy
sinh cả cuộc đời vì nền độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam, vì một thế
giới hoà bình và phát triển. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hải
Phòng phát động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề "Học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là hành động thiết
thực của những văn nghệ sĩ đất Cảng góp một tiếng nói cùng Đảng bộ, chính quyền
và nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục cổ động phong trào thi đua yêu nước
trong thời kỳ đổi mới, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc,
dấy lên phong trào "Người tốt việc tốt", nêu gương sáng đạo
đức cách mạng để mọi người tôn vinh và noi theo.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, khi
đặt chân xuống bến Cầu Ngự Người hằng mong, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố
gương mẫu trong nước ta. Trải qua chặng đường dài đấu tranh và dựng xây, chúng
ta đã làm được gì để thoả lòng mong mỏi của Người? Đội ngũ công nhân Hải Phòng
đã đóng được những con tầu trên năm vạn tấn, hơn mười hai triệu tấn hàng hoá
qua đôi vai người công nhân Cảng đi đến mọi miền Tổ quốc, hàng triệu tấn sắt
thép, xi măng ra lò ... Hãnh diện lắm chứ khi thành phố đã thực sự là một trong
những thành phố công nghiệp hàng đầu trong cả nước.
Nền kinh tế thị trường khắt khe
và ác nghiệt. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao. Nhưng đằng
sau những điều tốt đẹp đó còn không ít những điều đáng buồn. Những bất cập
trong quản lý kinh tế dẫn đến những tiêu cực nẩy sinh, đạo đức, lối sống bị tha
hoá, an ninh trật tự xã hội phức tạp. Liệu phát triển thế có bền vững? Hơn lúc
nào hết, đạo đức cách mạng cần phải được rèn rũa, thuần phong mỹ tục của dân
tộc cần phải đề cao, thực hành theo tấm gương đạo đức của Người là điều cấp
bách.
Ngày 15 tháng 7 năm 1957, lần thứ
hai Bác về thăm cán bộ công nhân cảng Hải Phòng. Trên con tầu HC 15 người căn
dặn “phải thương yêu nhau như trên một con tầu, ai muốn tách mình ra ngoài
tập thể chẳng khác gì tự mình lao xuống bể, tưởng một mình vào bến trước anh
em” Nhà thơ Đào Cảng xúc động đã sáng tác bài thơ “Bác thăm tầu HC
15”. Những câu thơ của ông đến nay thật thiết thực.
“...
Lời Bác dạy cho cán bộ thuyền
viên
Thành phương ngôn cho những người
đi biển
Nhìn địa bàn trời sao ta định
hướng
Ta còn nghe lòng ta vang dội
tiếng Người”
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, trước hết chúng ta hãy học ngay những điều bình dị nhất của Bác trong đời
sống thường ngày.
“...
Tưởng Bác nói những chuyện trên
thế giới
Kinh tế ra sao, quân sự địch ta
Bác lại hỏi về bữa cơm, nước uống
Như người cha sau buổi xa nhà
...”
Chín lần Bác về thăm Hải Phòng.
Những tình cảm sâu nặng giữa một lãnh tụ với đồng bào của mình trong những
chuyến đi đó đã được các văn nghệ sĩ của chúng ta ghi lại và thể hiện chân
thực, sinh động trong thơ, văn, tranh, ảnh ... - thông qua các tác phẩm của
Nguyên Hồng, Nguyễn Viết Lãm, Đào Trọng Khánh ... Thành công của vở kịch “Lịch
sử và nhân chứng” và bộ phim “ông tiên trong tù” có phần
đóng góp không nhỏ của các nghệ sĩ Hải Phòng như Ngọc Thuỷ, Trần Vinh, Thăng
Long. Cuộc thi thơ “Bác Hồ của chúng ta” do báo Văn Nghệ tổ chức,
các nhà thơ Hoài Khánh, Vũ Châu Phối, Tô Ngọc Thạch đã đoạt giải, cũng là minh
chứng cho lòng biết ơn vô hạn của văn nghệ sĩ đất Cảng với Bác...
“Trung với nước hiếu với dân,
thương người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong
sáng” - Đó là di sản về đạo đức của Người để lại. Tự soi mình vào đó xem
chúng ta đã thực hiện được gì. Trong cuộc vận động sâu rộng này, chúng ta đã triển
khai tốt công việc “học tập”, thông qua các diễn đàn, các buổi hội thảo,
học tập, báo chí luôn dành những trang đầu để đăng tải những bài viết về tấm
gương đạo đức của Bác .... Nhưng còn “làm theo” đã trở thành phong trào
sâu rộng, xứng tầm với cuộc vận động đề ra? Điều này chúng ta còn phải cố gắng
phấn đấu hơn nữa. Là những người kế thừa di sản đạo đức của Bác, người viết
tiếp những bản hùng ca của lớp cha anh đi trước, chúng tôi những người viết văn
trẻ Hải Phòng, hơn hết là phải rèn đức, luyện tài để có những sáng tác có giá
trị tư tưởng, nghệ thuật, có sức lay động lòng người về Bác Hồ và chủ đề “Học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần cùng toàn
Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển
Đất nước, theo con đường mà Bác đã tìm ra, tỏ lòng thành kính, biết ơn và trách
nhiệm nghĩa vụ công dân của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét