Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ CÔNG NHÂN CẢNG HẢI PHÒNG THỜI KÌ CHƯA CÓ ĐẢNG

                                                  
                                          
Câu hỏi 1: Anh (Chị) hãy nêu quá trình hình thành và những hoạt động của đội ngũ Công nhân Cảng Hải Phòng thời kỳ chưa có Đảng ?
1. Quá trình hình thành và phát triển bến Cảng:
- Nhà cầm quyền Pháp đã nhận ngay ra khu vực Hải Phòng là một vị trí chiến lược và là đầu mối giao thông rất trọng yếu, vì vậy nhà cầm quyền Pháp muốn chiếm Hải Phòng từ tháng 1/1872. Ngày 15/3/1874 triều đình Huế và thực dân Pháp ký “Hiệp ước hoà bình về liên minh” gồm 22 điều khoản. Trong đó, theo hiệp ước, triều đình nhà Nguyễn dâng cho Pháp toàn bộ đất Hải Phòng và quyền kiểm soát bến Cảng.
 - Mục đích của thực dân Pháp là dùng bến Cảng để chuyển hàng hoá, của cải, khoáng sản... mà chúng cướp bóc được ở Việt Nam mang về nước, đồng thời dùng hải Cảng này để tiếp nhận quân đội, vũ khí từ các nước đế quốc sang đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương.
2. Quá trình thành hình và những đặc điểm của đội ngũ công nhân Cảng.
- Mầm mống đầu tiên của sự ra đời đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng là từ năm 1874, khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng Cảng. Khi bến Cảng được xây dựng, ở Việt Nam công nhân chưa thành hình với tư cách là một giai cấp.
- Năm 1876, thực dân Pháp cấp tốc làm một số cầu nổi bên bờ phải sông Cửa cấm, cách biển khoảng 40 km. Công trường bến Cảng đã thu hút những người nông dân cùng khổ ở các vùng xung quanh Hải Phòng và nhiều nơi khác đến bến Cảng để tìm kế sinh nhai... Đội ngũ công nhân Cảng dần dần thành hình từ đấy.
Như vậy, có thể nói đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng ra đời khá sớm so với sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam.
- Những công nhân đầu tiên xây dựng bến Cảng, khi Cảng đi vào hoạt động thì bộ phận công nhân bốc vác, vận chuyển cũng được thành hình. Người lao động  thường là nông dân, khi rảnh rỗi họ đi làm lao công, khi mùa màng họ lại về quê cày cấy, gặt hái. Qua từng năm, khối lượng hàng hoá qua cảng càng lớn thì số lượng công nhân cảng càng nhiều. Như vậy, công nhân Cảng Hải Phòng hầu hết xuất thân từ nông dân. Họ có mối  quan hệ mật thiết, trực tiếp với nông dân, do đó tranh thủ được sự ủng hộ nhiệt trình của nông dân. Lúc đội ngũ công nhân được thành hình thì tính chất nghề nghiệp cũng dần được xác định theo yêu cầu công việc trên Cảng.
3. Những thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp và cuộc sống khổ nhục của công nhân trong những năm thực dân Pháp chiếm Cảng.
- Thực dân Pháp chính thức chiếm Cảng Hải Phòng từ năm 1874. Sau khi chiếm được Cảng, chúng nhanh chóng thiết lập ở đây một bộ máy cai trị, quản lý Cảng và bóc lột với quy mô lớn, độc quyền chiếm Cảng. Thực dân Pháp tìm mọi cách vơ vét của cải là lợi dụng bến Cảng này làm phương tiện vận chuyển hàng hoá, vàng bạc, khoáng sản mang về nước chúng.
- Dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, người công nhân lao động vô cùng cực nhọc. Mọi chỗ làm việc đều tạm bợ, nguy hiểm, tai nạn thường xuyên xảy ra. Suốt ngày phải dầm mưa, phơi nắng và làm việc dưới roi vọt của bọn chủ thầu, cai ký nhưng đồng lương quá ít, lại còn bị cắt xén nhiều khoản.
Có thể nói là đời sống của công nhân Cảng Hải Phòng là một trong những điển hình về sự khổ nhục của giai cấp công nhân Vịệt Nam dưới thời thuộc Pháp.
4. Những cuộc đấu tranh của công nhân Cảng trước khi có các tổ chức cách mạng và tổ chức cộng sản ở Việt Nam (1885 - 1925).
- Nguồn gốc phát sinh ra cuộc đấu tranh trong lúc ban đầu chủ yếu là do cuộc sống quá thiếu thốn, khổ cực. Ách áp bức bóc lột của chủ Cảng và bè lũ thực dân trên đất Cảng làm người công nhân như tức nước vỡ bờ, họ không còn con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh. Lúc đầu cuộc đấu tranh mang tính chất “phản ứng nhỏ” và lẻ tẻ ở bộ phận này, bộ phận kia. Nhưng rồi, những sự phản kháng có tính chất lẻ tẻ và manh mún ấy dần được thay thế bằng những cuộc đấu tranh có tính chất tập thể hơn. Mở đầu là cuộc đấu tranh năm 1885 chống lại thực dân Pháp bắt phu một cách trái phép đi làm đường Hà Nội - Lạng Sơn. Năm 1902, công nhân bốc vác và thuỷ thủ Cảng phối hợp thực hiện “đợt đấu tranh ngầm” lặng lẽ quẳng xuống sông và phá huỷ hàng tấn hàng hoá, phản đối bọn chủ Cảng và cai ký đánh đập cúp phạt lương của họ. Ngày 15/8/1919 xảy ra cuộc bãi công của thuỷ thủ tàu Sác-nô của Pháp đang cập bến Hải Phòng và đã được sự ủng hộ của công nhân Cảng Hải Phòng...
- Công nhân Cảng sớm được giác ngộ cách mạng, vì họ làm việc trên cửa ngõ giao thông quốc tế và trong nước. Công nhân Cảng cũng sớm tiếp cận với trào lưu cách mạng quốc tế tràn vào Việt nam bằng sách báo thông qua Cảng. Do đó, hoạt động của công nhân Cảng Hải Phòng thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc, tinh thần quốc tế vô sản. Càng bị bóc lột nặng nề, họ càng hiểu rõ thân phận của người dân mất nước, cuộc sống cuả người nô lệ, thấy được kẻ thù của họ là những tên thực dân xâm lược. Và khi được giác ngộ cách mạng, họ sẽ vùng lên đấu tranh ngoan cường, bất khuất.
Câu hỏi 2: Anh (chị) hãy cho biết cuộc đấu tranh của trên 500 công nhân Cảng Hải Phòng sáng ngày 24/11/1929 nhằm mục đích gì ? Kết quả và ý nghĩa chính trị của cuộc đấu tranh đó ?
- Tháng 6/1929, “Đông dương Công sản Đảng” chính thức được thành lập. Những hội viên tích cực nhất của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng ở miền Bắc được tuyển lựa thành những đảng viên đầu tiên của Đảng. Ngay sau đó, Đảng bộ Đông dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Tháng 6/1929, Ban chấp uỷ lâm thời của Đảng bộ Hải Phòng được cấp trên chỉ định do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm bí thư. Cũng trong tháng 8/1929 ở Cảng, đồng chí Biên và đồng chí Phúc được công nhận là đảng viên. Ngày 7/11/1929, hai đồng chí đã cùng quần chúng công nhân treo cờ búa liềm ở Cảng kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Hai đảng viên cùng với ba hội viên Công hội đỏ là đồng chí Tự, đồng chí Nhân, đồng chí Đức làm công nhân bốc vác ở Cảng đã tích cực vận động và lãnh đạo công nhân đấu tranh. Trước cảnh bóc lột, đối xử thậm tệ của bọn chủ Cảng và thực dân Pháp, tình cảnh ấy làm cho công nhân không còn con đường nào khác là con đường đấu tranh đòi quyền sống. Đó là nguyên nhân nổ ra cuộc đấu tranh ngày 24/11/1929.
Khi công việc chuẩn bị thấy chu đáo, Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh quyết định hành động. Sáng ngày 24/11/1929, 500 anh chị em công nhân làm kíp sáng đã tụ họp phản đối một tên cai đánh công nhân, đồng thời đấu tranh đòi nước uống. Bọn địch khủng bố. Anh chị em lăn thùng, lăn hòm ra các ngả đường chống việc đàn áp của chúng và nêu các khẩu hiệu: chống đánh đập, chống cúp phạt, đòi tăng lương và đủ nước uống....
Mục đích của cuộc đấu tranh là để chống khủng bố, đòi tăng lương và có đủ nước uống trong giờ làm việc.
- Kết quả: Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi. Bọn chủ phải nhận giải quyết những yêu cầu của công nhân. Chúng phải nấu nước cho công nhân uống và tăng tiền lương cho mỗi công nhân nửa xu. Từ đấy, việc đánh đập có phần bớt đi so với trước. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân Cảng Hải Phòng có đảng lãnh đạo. Cuộc đấu tranh có mục đích yêu cầu từ đầu và chuyển hướng mau lẹ khi gặp tình huống mới. Kết quả đã giành được thắng lợi cả về kinh tế và chính trị, đánh dấu một bước chuyển biến về nhận thức tư tưởng của đội ngũ công nhân Cảng, về sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh đoàn kết của công nhân. Thắng lợi đó đã cổ vũ toàn thể công nhân Cảng xiết chặt tay nhau và hăng hái đấu tranh, đã góp phần làm tăng thêm ý thức giác ngộ giai cấp của người công nhân Cảng và làm họ có những chuyển biến nhanh chóng trong tư tưởng, hành động. Tới cuộc đấu tranh này, sự trưởng thành của đội ngũ công nhân Cảng đã bước sang một thời kỳ mới theo chiều hướng phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam.
- Cuộc đấu tranh ngày 24/11/1929 của công nhân Cảng thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn: Trước hết đã giáng cho bè lũ thực dân, tư bản một đòn  thất bại. Trước đó không lâu, chúng vẫn coi người công nhân Cảng như một vật sai khiển đơn thuần. Từ đấy chúng buộc phải  thừa nhận vai trò của người công nhân trên bến cảng, đồng thời cũng bộc lộ sự thất bại của chúng trong việc dùng chính sách tha hoá công nhân. Về phía công nhân Cảng, đây là cuộc đấu tranh mang tính chất “châm ngòi” đầu tiên có đảng viên cộng sản lãnh đạo. Cuộc đấu tranh có chủ trương, mục đích rõ ràng và có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu. Cuộc đấu tranh này là kết quả tổng hợp của quá trình đấu tranh chặt tung xiềng xích mà bọn tư bản, thực dân đã trói buộc họ. Cuộc đấu tranh thắng lợi ngày 24/11/1929 tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo và đoàn kết chặt chẽ trong tình hình thương yêu giai cấp của những người công nhân Cảng Hải Phòng.
    Do ý nghĩa trọng đại của cuộc đấu tranh ngày 24/11/1929, ngày 9/11/1970, Ban Chấp hành Đảng bộ Cảng đã họp và ra Nghị quyết số 24/NQ-ĐU “Về việc lấy ngày 24/11 hàng năm làm ngày hội truyền thống đấu tranh cách mạng của cán bộ, công nhân Cảng Hải Phòng”.          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét