(Cầu cảng lúc hoàng hôn)
(Đọc Dòng sông chở kiếp, tiểu thuyết của
Nguyễn Quốc Hùng,
NXB Hội Nhà văn, 2009)
Lưu Văn khuê
Nguyễn Quốc Hùng là tác giả văn
xuôi trẻ của Hải Phòng, cầm bút mới khoảng mười năm năm nay nhưng đã có bước
tiến đáng kể với một số truyện ngắn công bố trên tạp chí Cửa Biển ( Hội
Liên hiệp VHNT Hải Phòng) và tuần báo Văn Nghệ cùng các tiểu thuyết Chuyến
hàng mưa ( Giải thưởng ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam,
2006) và Dòng sông chở kiếp vừa mới xuất bản.
Sống gắn bó với những người công
nhân và cuộc sống thành thị nên Nguyễn Quốc Hùng đã có một số thành công ở
những đề tài này. Vì vậy, không khỏi bất ngờ khi Dòng sông chở kiếp lại
viết về nông thôn; không những thế, còn là một nông thôn có những quãng thời gian
đã trở thành quá khứ xa mà chắc chắn tác giả chỉ được biết nhờ nghe kể và đọc
sách vì với tuổi mình, anh không thể chứng kiến. Bên cạnh đó, thời gian được đề
cập đến đâu có ngắn. Nhụ, một nhân vật trong tiểu thuyết, lúc xuất hiện còn là
người phụ nữ 30 tuổi, đến trang cuối đã là bà lão 100 tuổi tròn! Nhân vật thì trải suốt bốn thế hệ. Tất cả, được trình
bày một cách tường tận với những chi tiết sinh động. Phải am hiểu về nhiều mặt
đồng thời khá vững tay nghề mới có thể dồn nén được chừng ấy thời gian, sự kiện
và con người vào chỉ có 350 trang sách.
Đó là chuyện mâu thuẫn truyền đời giữa hai gia đình
tại làng Trằm, một làng nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ. Đứng đầu hai gia đình và cũng
là hai họ đều là những người có địa vị cao trong làng. Tuy nhiên, cái cách để có
được vị trí ấy mỗi gia đình mỗi khác: Họ Nguyễn nhờ đạo đức, còn họ Vũ là do
thủ đoạn.
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày lụt lội, cả làng phải
đến trú ở đình làng chờ nước rút. Người của hai gia đình có gặp nhau ngoài
đường cũng cố tránh không nhìn nhau, giờ ra vào giáp mặt, va chạm là không thể
tránh khỏi. Cứ cụ đồ Cờ họ Nguyễn nói hoặc làm thế này thì thể nào lý Ngang họ
Vũ cũng nói hoặc làm thế khác. Cụ Cờ càng cung kính trước thần linh bao nhiêu
thì lý Ngang lại tìm cách giễu cợt điều đó bấy nhiêu. Nhưng thật oái oăm, chị
đĩ Nhụ cháu dâu cụ Cờ lại lòng thòng với lý Ngang! Chẳng phải chị yêu thích gì
lý Ngang vì con người hắn đụng vào đã phát khiếp, cứ lạnh nhầy nhẫy như da rắn,
lại toát ra mùi hôi gián. Có điều chồng làm ăn xa vắng nhà mà chị ta lúc nào
cũng thấy thèm khát! Còn lý Ngang, cái tính háu gái của hắn làng không ai lạ,
hắn không chỉ dan díu với chị đĩ Nhụ mà còn với nhiều người đàn bà khác. Trong
những ngày ngập lụt ấy, lý Ngang và chị đĩ Nhụ đã làm cái chuyện ấy ngay ở gậm
điện thờ thành hoàng làng. Tưởng chỉ để thoả cơn khát, ai ngờ chị đĩ Nhụ lại có
mang, sau khi sinh ra thằng Sông, “chắt đích tôn” của cụ Cờ! Sau này thằng Sông
gây ra đủ chuyện tai quái, khi bé thì ăn cắp áo quan tri khiến cụ Cờ phải đem
trả, trịnh trọng đặt áo trên khay như dâng lễ vật để tạ tội; lớn lên ăn cắp
tiền người ta; rượu vào say bị cháu lý Ngà đánh mà không biết nhục, lại còn
mách nơi hai chú nó (ông Sơn và ông Toản) trốn để lý Ngà dẫn lính đến bắt. Họ
Nguyễn đối nhân xử thế tốt đẹp, bao dung, nhân ái bao nhiêu thì họ Vũ hẹp hòi,
xấu xa bấy nhiêu, ngay hòn máu lạc loài là thằng Sông cũng vậy. Nó càng lớn
càng giống lý Ngang từ mặt mũi, dáng người đến tính nết. Nó là thứ nghiệt
chướng (tác giả gọi là nghiệt chướng chứ không phải nghiệp chướng). Vậy, nghiệt
chướng của cuộc đời là do dục vọng của con người gây ra.
Sau lụt, huyện cho khơi lại sông Vàng để tránh cho làng Trằm khỏi cái nạn lúc nước
trắng đồng khi lại cạn khô. Đến chuyện như vậy lý Ngang cũng phá để dẫn tới cái
chết của cụ đồ Cờ. Nhưng cái chết của cụ khiến mọi người thêm kính trọng: Cụ ra
giữa sông chắp tay can ngăn hai làng và cứ thế chết cứng ở tư thế ngồi xếp bằng
tròn dưới sông. Còn cái chết của lý Ngang thật nhục nhã, hắn như bị ma làm đến
điên dại nên cởi quần áo, trần truồng rúc vào bụi dứa dại cho gai cào khắp
người và cứ nhồng nhỗng như vậy mà chết bên bờ sông.
Cách mạng tháng Tám rồi cuộc kháng chiến chống Pháp
bùng nổ. Phía gia đình họ Nguyễn, thế hệ mới nhiều người tham gia cách mạng và
kháng chiến. Còn con lý Ngang là lý Ngà nối đời làm lý trưởng đã dẫn địch về
làng và họ Nguyễn đến 4 người bị bắn chết, Sơn con út ông tổng Cò bị đi đầy Côn
Đảo.
Những trang cuối của tiểu thuyết là hình ảnh sông
Vàng, con sông gắn bó với bao kiếp người làng Trằm, nay không là sông nữa mà
biến thành hai con mương chạy song song vì bị chia làm đôi bởi bờ đất ở giữa
với lý do sông bên nào thì làng bên ấy dùng. Sự hằn thù cách đây hàng chục năm
giữa hai làng do lý Ngang gây nên tới lúc này mới thật trắng trợn. Có con, ông
Sơn đặt tên con gái là Ngà với thâm ý lý Ngà tuy về tuổi tác là cha chú cái Ngà
nhưng chỉ đáng mặt làm con ông! Đúng lúc Vương con trai lý Ngà xin vào Đảng, Bí
thư chi bộ thôn Trằm và ông đảng uỷ viên xã mang theo con gà trống thiến và đùm
gạo nếp đến nhà ông Sơn, muốn xin xác nhận ngày trước ông bị bắt không liên
quan gì đến lý Ngà. Mắt ông Sơn long lên dữ tợn: “Chúng mày lạy được thằng
Ngà ở quê thì bây giờ có dám lạy con ngà này không! Chúng mày đủ gan thì tao
xác nhận cho. Nếu không làm được thì bước!” Từ đó cho thấy cái cách con lý
Ngà xin vào Đảng để hòng thăng quan tiến chức không khác gì cách ông cha hắn
từng làm.
Chuyện mâu thuẫn dòng họ ở một số vùng nông thôn giờ
đây tuy không nhiều nhưng rải rác đâu đó vẫn còn, Nguyễn Quốc Hùng góp vào một
hiện tượng và thử tìm nguyên nhân, thông qua lý giải của ông tổng Cò. “Phải
chăng mỗi dòng họ đều có tính cách riêng. Ông là người không thể nói được một
câu xu nịnh mà không thấy ngượng mồm, thấy mình hèn mọn trước người được nghe
những lời xu nịnh ấy. Còn gia đình nhà lý Ngang, từ dáng đi bình thường cũng khúm
na khúm núm, vai co rụt vào như con giun uốn mình chứ chưa nói đến chuyện chỉ
vì khéo luồn lọt mà có được chức lý trưởng truyền đến ba đời.”. Người đọc
chỉ băn khoăn, chẳng lẽ suốt trăm năm cái họ Vũ kia, đời lý Ngao, lý Ngang khỏi
phải nói, đến con cháu thời nay vẫn không thay đổi tính nết chút nào? Thậm chí
thằng Sông, bao nhiêu năm sống với gia đình họ Nguyễn tốt đẹp, gần mực thì đen,
gần đèn thì sáng, nó “gần đèn” mà chẳng hề sáng lên tí nào! Sự có mặt của thằng
Sông trên đời chỉ có mình bà Nhụ biết, bà đã cố giấu tung tích của nó để nó
được sống làm người. Sau này có người con ông Sơn biết nhưng liệu anh ta sẽ xử
sự như thế nào trước việc người đứng đầu họ nhà mình lại là con của kẻ thù!
Tiểu thuyết không đòi hỏi tác giả phải giải quyết sự việc một cách trọn vẹn,
đúng với định hướng.
Tìm được nội dung hoàn toàn mới cho tiểu thuyết là một
vấn đề cực kỳ khó ngay cả với tác giả có tên tuổi nên góp được vào cái chung
một câu chuyện, một hiện tượng đời sống xã hội như trong Dòng sông chở kiếp
cũng là đáng kể. Cùng với đó là khắc hoạ chân dung các thế hệ và giúp người đọc
hiểu được quyền lực làng xã ngày trước. Cũng không thể đòi hỏi tác giả những
độc đáo ở kỹ thuật tự sự hay ngôn ngữ thể hiện; anh tuân thủ cách kể chuyện
truyền thống với kết cấu trục thời gian, kể khá hấp dẫn và rành mạch. Tác giả
hiểu những chuyện ngày trước ở nông thôn, nắm được phong tục tập quán, cuộc
sống và tính cách người nông dân cũng như lời ăn tiếng nói của họ. Dòng sông
chở kiếp có những chi tiết hay, sinh động, ít nhiều có những cái mới lạ.
Cuối cùng là tên tác phẩm. Dòng sông chở kiếp –
cái tên và nội dung hướng đến cái ý dòng sông gắn với những kiếp người, tuy
nhiên có lúc tác giả dường như quên mất định hướng ấy của mình, hay nói cách
khác tên tác phẩm chưa đủ khái quát nội dung. Tất nhiên đây là vấn đề khó.
Người viết bao giờ cũng có đến năm bảy cái tên để chọn lấy một tên mà chưa chắc
đã bằng lòng.
Nhìn chung Dòng sông chở kiếp là tiểu thuyết
đáng đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét