(Hoàng hôn trên sông Cấm)
Ngọc Châu
(Hội viên Hội nhà văn HP)
DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP là cuốn tiểu thuyết, cũng có thể
coi là cuốn sử biên niên về một miền quê và ḍòng họ của chính tác giả (nhà văn
Nguyến Quốc Hùng, hội viên Hội Nhà Văn Hải Pḥòng). Câu chuyện dẫn chúng ta đi
qua một thế kỉ - quá nhiều đau thương và biến động - của dân tộc Việt trong
giai đoạn phải oằn oại một cách quật cường để tự giải phóng mình khỏi gông kìm
của xã hội phong kiến và thực dân, đế quốc.
Cuốn truyện xoay quanh hai gia tộc có uy thế hơn cả
trong một làng quê nghèo nàn, chiêm khê mùa thối. Cụ Cờ là một cựu Chánh tổng
thương dân nhưng tính tình cương trực khảng khái nên nhanh bị mất chức nhưng
bao giờ cũng có uy tín đối với trong làng ngoài xóm. Chính cụ và con trai là
Tổng Cò đă tổ chức việc vớt gỗ từ rừng trôi về trong cơn lụt, để xây đình làng
và khơi đào nhánh sông Vàng cho làng Trằm thoát khỏi cảnh ngập lụt trắng băng
vào mùa mưa, lại cằn kiệt đến không có nước mà uống vào mùa khô hạn. Cụ Cờ đă
trầm mình tuẫn tiết để ngăn cản cuộc đánh lộn giữa hai làng ven sông, nhờ vậy
con sông Vàng mới được khai thông, mang lại lợi ích cho làng Trằm, cũng đóng
luôn vai trò "dòng sông chở kiếp" đối với bao nhiêu con người
có cuộc đời bám quanh dòng chảy của nhánh sông bé nhỏ này.
Đại diện cho gia tộc thứ hai là nhà Lí Ngao với con
trai là Lí Ngang. Tham lam, ganh ghét, nham hiểm là đặc trưng nên bao giờ gia
tộc này cũng có chuyện thù hằn hoặc đố kị với gia tộc cụ cố Cờ. Lí Ngang cố tình
bày đặt mưu mô để cản trở hoặc phá đám những việc làm mang tính tốt lành của
gia tộc kia, thậm chí còn tìm cơ hội để "gieo giống" vào cô cháu dâu
lầm lỡ của cụ cố Cờ.
Dòng sông chở kiếp tiếp tục là nơi chứng kiến hoặc tham gia vào vận mệnh của những người
dân làng Trằm khốn khó với những cảnh rừng mất, nhà mất, chợ tan, nhà tan
kéo dài từ trước cách mạng tháng Tám, qua giai đoạn chín năm đánh Pháp cho đến
khi toàn bộ quân đội thực dân Pháp phải rút khỏi Bắc Việt. Thế hệ tiếp theo với
đại diện là Tổng Cò, Lí Ngà và con cháu của cả hai nhà tiếp tục hục hặc, tranh
giành ngôi thứ, vật lộn mưu sinh, kẻ theo Pháp, người ủng hộ Việt Minh, sống và
chết bên nhánh sông Vàng
Phần tiếp theo của cuốn truyện nói về những năm gian
truân của anh bộ đội Sơn, con của Tổng Cò, cháu cụ cố Cờ. Theo Việt Minh đánh
Pháp, bị phe Lí Ngà (con của Lí Ngang) chỉ điểm nên bị thương, bị bắt rồi bị
tù. Từ Côn Đảo trở về chuyển ngành làm một cán bộ phó Phòng của sở Thương
Nghiệp, lại phải ra ṭa vì có kẻ đổ tội làm cháy nhà xưởng để cố tình hãm hại,
may mà sau thời gian ngắn ở trong tù đă được minh oan, trở về thăm lại làng
Trằm.
Những trang cuối nói về tác giả cuốn sách, hậu duệ của
cụ Cố Cờ, luôn tận tụy với nghề nghiệp và say mê với văn chương, xứng đáng với
cụ nội là người đă có công xây ngôi đình cho làng Trằm và khai thông nhánh sông
Vàng. Chính tác giả với con mắt của một văn nhân đã hình tượng hóa nhánh sông
mà cụ và ông mình khai thông, thành dòng sông chở kiếp với bao nhiêu con
người của làng quê ấy.
Gấp cuốn
sách lại, đầu tiên là tôi thấy cảm phục về sự kiên trì, cần cù sáng tạo với lòng
yêu văn chương của một nhà văn công nhân, thuộc lớp trẻ so với lớp của các nhà
văn, nhà thơ Phạm Ngà, Lưu Văn Khuê...
hiện nay.
Phải
nói rằng cuốn tiểu thuyết D̉NG SÔNG CHỞ KIẾP của Nguyễn Quốc Hùng có rất nhiều
cái được. Những cái được đó thể hiện tài năng cũng như độ chín của thế hệ
kế tiếp lớp già (đã có phần nào bị lão hóa) chúng tôi.
1- Xét về văn phong:
Đạt được độ chín của một nhà văn, biết quan sát và sử
dụng từ ngữ hết sức tinh tế.
Ví dụ như khi tả cảnh xóm quê:
"Ngọn
gió mùa đã trở về mơn man đùa giỡn trên đầu những đám lá bưởi. Màu xanh bợt bạt
dần. Những trái chín mọng đang bị cái lạnh đầu mùa thổi cho úa vàng. Mùi rơm
khô hăng hắc ùa cùng ngọn gió chạy dọc theo con đường sắt..." (tr. 64)
Tả cảnh
giông gió:
Phía
cánh Phệ, những khối mây khổng lồ như từ sau rặng tre xô đẩy nhau đùn lên xây
đắp thành một bờ tường thành đen đặc một góc trời. Bầu trời như bị sức nặng của
bức thành mây sắp kéo lật nhào xuống cánh đồng. Những tia chớp sáng xanh nhoáng
nhoàng như lưỡi gươm vung lên, gắng sức xẻ đôi rặng tre. Tiếng sấm rền như
tiếng đoàn quân reo hò... (tr. 136)
Tả mưa:
Những sợi mưa như những cây roi dài vô tận, thật mềm
mại trong tay ông giời. Nhưng cũng thật ác nghiệt bởi ông đang có nỗi tức giận,
phải quật vung vãi để hành hạ trần gian cho hả. Vi vút, rào rạo, ùng ục, đất
trời cuộn sôi lên những âm thanh của gió rít, của mưa quất, của cây cối vật vã...
(204)
Tả người vợ nông thôn thức dậy sau đêm tân hôn:
"Đĩ Thị ngượng ngùng không dám nhìn lâu vào khuôn
mặt vuông vắn chất phác của chồng đang chìm trong giấc ngủ sâu. Cô quay ra nhìn
những vệt sáng đang lách qua khe cửa, lắng nghe tiếng giọt sương nhỏ tí tách
xuống mặt sân, có con chào mào giật mình tỉnh giấc kêu quẹt quẹt như cậy bong
chiếc hộp tĩnh lặng của buổi sớm mai, nhớ lại chuyện đêm qua mỉm cười một mình,
hạnh phúc..."(tr.118)
Dễ dàng nhận thấy rằng văn của Nguyễn Quốc Hùng chân
thật nhưng đầy sự khéo léo, óng chuốt. Tác giả lớn lên và sống ở thành phố
nhưng không hề xa lạ với chốn quê.
2- Về cốt truyện:
Tác giả sử
dụng biên niên sử của dòng họ mình rọi lại một khoảng thời gian khá dài, có thể
coi là điển hình của nông thôn nước Việt, biết sử dụng những cảnh thần bí dựa
trên tín ngưỡng, lẫn hiện tượng thiên nhiên đặc biệt để khéo léo tạo sự hấp
dẫn cho cuốn sách.
3- Về
công việc sáng tác và niềm say mê của nhà văn:
Hoàn thành cuốn truyện 355 trang in chữ nhỏ và
dày, đến một trăm ba mươi ngàn từ, mạch lạc và đầy đủ dữ liệu trong vòng hai
năm, chứng tỏ Nguyễn Quốc Hùng là một tác giả viết rất khỏe và giàu nghị lực.
Nếu không đủ
niềm say mê và tinh thần trách nhiệm với văn chương cũng như với cuộc
sống thì một nhà văn-công nhân không thể hoàn thành một tác phẩm dài như "Dòng
sông chở kiếp" trong thời gian như thế. Điều đó là một sự khẳng định
rõ ràng về những cái được của tác phẩm.
*
* *
Tuy nhiên
Hội Nhà văn Hải Phòng chúng ta tổ chức một cuộc hội thảo không chỉ nhằm mục
đích khen nịnh hay động viên nhau, vậy nên tôi cũng có một số nhận xét khác về
cuốn tiểu thuyết "Dòng sông chở kiếp"
a- Về thủ pháp viết truyện:
Phải thật thà mà nói rằng, việc đọc hết cuốn truyện
hơn một trăm ba mươi ngàn từ của Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu phải có một sự kiên
nhẫn khá cao của mỗi độc giả. Là do thủ pháp viết còn có vấn đề mà tôi xin nêu
dưới đây:
- Các đoạn văn quá dài, gây mỏi mệt và
làm giảm dần hứng thú đối với người đọc. Có những đoạn văn tới trên một trang
(khoảng 450 từ) mới xuống dòng, có đoạn chiếm nửa trang, còn độ dài một phần ba
trang thì khá nhiều. Cũng cần nói rằng những đoạn văn dài như vậy không phải là
không thể chia cắt mà vẫn đảm bảo mạch của câu chuyện liên tục và hấp dẫn.
- Tác giả sử dụng nhiều tình tiết một cách tham
lam, khiến người đọc thường xuyên bị chuyển từ chuyện nọ sang chuyện
kia, dẫn dắt dài dòng mà hiếm những tình tiết chính, (gọi là tình tiết đắt) để
người đọc bị lôi cuốn theo từng trang. Từ đầu đến trang 63, khoảng 24 ngàn từ,
bằng cỡ 10 truyện ngắn rồi, mới chỉ nêu được một số quan hệ giữa hai dòng họ
được coi là thủ lĩnh của làng Trằm. Các phần khác cũng tương tự như vậy.
b - Về phong cách viết truyện:
- Cách bố cục chưa thật phù hợp với thực tế cuộc
sống của thời đại.
Người đưa ra tham luận này không phải là một tiểu
thuyết gia, nhưng là một dịch giả từ khá lâu rồi, cũng ham đọc sách từ nhỏ nên
được thưởng thức nhiều cuốn tiểu thuyết cả trong và ngoài nước. Nhân dịp Hội
Nhà Văn HP tổ chức hội thảo xin mạn phép lạm bàn mấy điều về thủ pháp viết tiểu
thuyết (không với riêng cuốn DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP của tác giả Nguyễn Quốc Hùng)
như sau:
Chúng ta đang sống trong một thời đại hết sức khẩn
trương, có nhiều công việc và thú vui khác cuốn hút mọi lớp người trong xã hội.
Vậy nên người ta sẽ ngại ngần khi cầm lên một cuốn truyện kín những chữ, dẫn
dắt dài dòng. Ngày xưa người đọc với tâm hồn thư thái, có thời gian để đọc sách
dễ dàng bị Vich-to Huy-gô đưa vào mê cung của hệ thống cống ngầm Pa-ri, kể mọi
sự tích, điển cố của hệ thống ngầm này, cho đến bao giờ gặp cửa ra cũng được.
Bây giờ thì người ta sẽ bỏ qua ngay chương ấy để xem sau khi tham gia cuộc khởi
nghĩa trên chiến lũy, anh chàng Mariuyt bị thương còn sống hay đã chết, có lấy
được Codet hay không.
Đặc trưng của cuộc sống trong thế khi 21 là như vậy,
nên các tác giả ngày nay viết tiểu thuyết rất gọn, sách của họ thường gồm những
chương hồi ngắn, câu và đoạn văn không quá dài, mặt khác lại chọn những tình
tiết rất hấp dẫn khiến người đọc không cảm thấy sốt ruột. Dù có công việc nên
phải gấp cuốn truyện lại nhưng khi có thời gian người ta lại cầm lên đọc tiếp
một cách dễ dàng, không cần lật giở những trang đã qua để xem tại sao lại có
nhân vật này, trước đây anh ta đă làm những chuyện gì... v...v...
1.
Ví dụ cụ thể hơn
ta thấy người đọc ngày nay ưa tiểu thuyết trinh thám hình sự của James Hadley Chase hơn
của Agatha Christine vì đọc truyện Agatha
cũng giống như đọc một số truyện phản
gián Liên Xô trước đây, chỉ cần bỏ qua một chi tiết đã có thể không hiểu nổi sự
thành công hay thất bại của nhân vật ở phần sau, trong khi cuốn truyện của
James Chase hay Sidney
Sheldon có bị trẻ con xé đi một hai trang, người ta vẫn đọc tiếp
được một cách thoải mái. Với các thể loại tiểu thuyết khác cũng đều có xu hướng
như thế cả.
- Chưa lưu tâm đúng mức đến yếu tố bán được hay
không bán được của cuốn sách mình định viết ra.
Từ ngày thành lập Hội Văn nghệ Hải Phòng đến nay, có
lẽ chỉ có tiểu thuyết của vị Chủ tịch đầu tiên của Hội (nhà văn Nguyên Hồng) là
bán chạy, được tái bản nhiều lần nhất (theo cả cơ chế bao cấp lẫn thị trường),
các nhà văn tiếp theo của Hải Pḥng không ai có thể so bì.
Đã là một nhà viết tiểu thuyết tất nhiên ai cũng nghĩ
đến chuyện cuốn sách mình chuẩn bị viết sẽ có đầu ra như thế nào, khác nhau
chăng chỉ ở chỗ nghĩ ít hay nghĩ nhiều về vấn đề đó mà thôi.
Cái thời hoàng kim với những cơ quan chủ quản tìm gặp
tác giả đặt viết sách (lịch sử, tư liệu, hồi kí hay tiểu thuyết về một nhân vật
trung tâm nào đó) rồi bao tiêu trọn gói để phát cho các đợn vị trực thuộc của
họ sau khi viết xong có lẽ đã qua rồi. Người viết tiểu thuyết ngày nay bắt buộc
phải quan tâm đến thị hiếu của thị trường xuất bản, nên khi bắt đầu cầm bút đã
phải nghĩ đến chuyện tiểu thuyết của mình viết ra sẽ được đối tượng nào tìm
đọc, nhà xuất bản nào sẵn sàng nhận in, từ đó sẽ chọn chủ đề, văn phong thích
hợp cho đứa con chuẩn bị ra đời.
Hiện thì còn nhiều nhiều nhà văn của Hải Phòng chúng
ta cứ thấy trong tâm bị thôi thúc về vấn đề gì đó là cầm lấy bút. Viết là một
cách để san sẻ với người khác, để trả nợ cuộc đời, thậm chí chỉ để có đủ số đầu
sách theo qui định khi muốn xin vào Hội Nhà Văn (trung ương hay địa phương) mà
thôi. Sau khi viết xong mới gửi bản thảo đi các nhà xuất bản để tìm đầu ra,
nhiều trường hợp phải dựa vào nguồn tài trợ xuất bản thì sách mới có thể được
in ra dăm bảy trăm cuốn để tặng bạn bè là chính.
Tất nhiên trên đây chỉ là nhận xét và lạm bàn của cá
nhân tôi. Các anh chị tham dự hội thảo sẽ có những quan điểm khác nhưng khi nêu
vấn đề này thực lòng tôi mong rằng, Hải Phòng chúng ta rồi sẽ có những tác phẩm
được in ra hàng chục ngàn bản như của các nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) hay
Nguyễn Nhật Ánh (Hồ Chí Minh) và một số nhà văn có sách bán chạy khác.
Tham luận này xin được kết thúc ở đây. Rất mong được
nghe những cao đàm của các quí hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét