(Sông Lô)
Đọc “Dòng sông chở kiếp” của Nguyễn
Quốc Hùng:
“Nghiệt chướng” và “nghiệp
chướng” trong cách thể hiện của nhà văn
Vũ
Thúy Hồng
Nhà văn công
nhân Nguyễn Quốc Hùng làm việc tại Cảng Hải Phòng. Với tay nghề lái cần trục
chân đế 4/4 được đào tạo bài bản, và có thâm niên công tác 25 năm, anh hiện là
giáo kiêm chức hướng dẫn thực hành về lái đế cho công nhân trẻ mới vào làm việc
tại Cảng. Như một định mệnh không thể chối bỏ, Nguyễn Quốc Hùng dấn thân vào
văn chương và viết khá đều tay. Vốn liếng của anh là 2 tập truyện ngắn và 2
cuốn tiểu thuyết. “Dòng sông chở kiếp” do NXB Hội Nhà văn ấn hành là cuốn tiểu
thuyết thứ hai của anh gây được sự chú ý trong văn đàn cũng như với độc giả.
Đặc biệt, những vấn đề xoay quanh các nhân vật chính của tiểu thuyết đã được
làm “nóng” lên trong cuộc hội thảo về “Dòng sông chở kiếp” của Hội Nhà văn Hải
Phòng. Trong bài viết của mình, tôi xin đề cập đến “nghiệt chướng” - tư
tưởng chủ đạo của tiểu thuyết thông qua tuyến nhân vật chính của tiểu thuyết.
Bối cảnh của “Dòng sông chở kiếp” là một làng nhỏ vùng
đồng bằng Bắc Bộ gắn với con sông Vàng. Mâu thuẫn này sinh truyền đời hàng thế
kỷ giữa hai dòng họ Nguyễn và họ Vũ - một đề tài tương đối phổ biến về nông
thôn trong văn học Việt Nam .
Mâu thuẫn ấy nảy sinh từ thời Pháp thuộc và vẫn còn tồn tại đâu đó trong giai đoạn hiện nay. Bỏ qua một số hạn chế về
tính xác thực trong các giai đoạn lịch sử hay cách diễn đạt về văn hóa, ngôn
ngữ còn đôi chỗ không đồng nhất - “Dòng sông chở
kiếp” đưa ra thông điệp về “nghiệt chướng” xuất phát từ “dục vọng
của con người không kiềm chế được mà thôi”. Đứa con bất hợp pháp của chị đĩ
Nhụ với lý Ngang đã sinh ra oan nghiệt. Thằng Sông là trưởng họ nhà chồng chị
lại chính là đứa con của kẻ thù. Người mẹ muốn giữ kiếp làm người trong sạch
cho con như liệu nó có sống như nguyện ước của người mẹ?
Tác giả xây
dựng hai tuyến nhân vật đối kháng nhau: “Phe” tích cực tiêu biểu là gia đình
ông Tổng Cò, anh Diệc, anh Dự, anh Sơn, chị Thư
- những con người có ý chí vươn lên học hỏi, sẵn sàng đi theo cách mạng,
làm cách mạng. Tuyến nhân vật phản diện là gia đình Lý Ngang, Trương Bân, thằng
Trường, thằng Sông “rau nào sâu ấy”... Những cái chết của các nhân vật chính
trong truyện, thể hiện quy luật có vay có trả ở đời, ác giả ác báo, con người
công bằng trước cái chết.
Nguyễn Quốc
Hùng thấm thía chân lý Bốn Chân Lý Diệu Kỳ của Đấng giác ngộ Buddha (Đức Phật
Thích Ca): Chân lý về nỗi đau khổ chất chứa trong cuộc đời; Chân lý về nguyên
nhân của nỗi đau khổ: Khi trong người chất nặng lòng tham và sự thèm muốn,
người đó chỉ luẩn quẩn với nỗi khổ mà thôi; Chân lý về sự chấm dứt nỗi đau khổ:
Khi con người ta diệt trừ được mọi ham muốn và dục vọng, thì nỗi khổ đau cũng
sẽ chấm dứt; Và cuối cùng là chân lý về con đường sáng: Nếu như ta tránh làm
tổn hại đến mọi sinh linh, nếu như ta mài sắc trí tuệ và thiếp thu được mọi tri
thức, ắt sẽ có hạnh phúc trọn vẹn, ắt sẽ chấm dứt mọi khổ ải.
Trong bài viết
“Bức thông điệp về dục vọng con người” được trao đổi tại hội thảo về “Dòng sông chở kiếp” của Nguyễn Quốc Hùng
cách đây ít lâu, nhà văn Vũ Hoàng Lâm có bàn: “... Tác giả còn dùng từ “nghiệt
chướng” để nói về thằng Sông. Sách nhà Phật chỉ có từ “nghiệp chướng” - một
trong ngũ chướng: “Phiền não chướng, nghiệp chướng, sinh chướng, pháp chướng,
sở tri chướng”... Ông cho rằng có thể Nguyễn Quốc Hùng dùng nhầm từ “nghiệp
chướng” thành “nghiệt chướng” chăng?
Trong sách Kinh
Thiên Đạo và Thế Đạo, phần Di Lặc chân kinh giải nghĩa “Nghiệt chướng” như sau:
Nghiệt là cái mầm ác tạo nghiệp ác, Chướng là trở ngại. Nghiệt chướng là sự
ngăn trở do nghiệp ác gây ra. Kiếp trước mình làm nhiều việc gian ác, nó sẽ trở
thành Nghiệp ác, ảnh hưởng lên kiếp sống này, làm cho kiếp này phải bị nhiều
chướng ngại như: bệnh tật, tai ương. Số báo ứng đó hoàn toàn theo đúng luật
Nhân Quả.
Về từ “Nghiệp
chướng”, sách chú giải: “Nghiệp là con đường đi từ Nhân tới Quả. Nghiệp được
tạo ra bởi các việc làm lành hay dữ trong kiếp trước, tuy nó vô hình nhưng nó
ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại, bằng sự may và sự rủi, để làm cho kiếp sống
hiện tại được hạnh phúc hay đau khổ. Việc làm lành sẽ tạo nên Nghiệp lành
(Thiện nghiệp), cái Nghiệp lành này nó theo ủng hộ mình, nâng đỡ mình (mà mình
gọi đó là dịp may). Còn việc làm ác sẽ tạo ra Nghiệp ác (Bất thiện nghiệp), cái
Nghiệp ác này nó theo báo hại mình (mà mình gọi đó là xui xẻo, rủi ro) khiến
mình bị hoạn nạn tai ương và phiền não. Vậy, Nghiệp chướng là những ngăn trở
khó khăn trong kiếp sống hiện tại do Nghiệp ác tạo ra”.
Như vậy có thể
thấy Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của nhà Phật coi hai từ “Nghiệt chướng” và
“Nghiệp chướng” đồng nghĩa, nhưng “nghiệt chướng” hàm ý rõ
rệt hơn.
Trong “Dòng sông chở kiếp” của Nguyễn Quốc
Hùng, từ “nghiệp chướng” có nghĩa rộng hơn, tích cực hơn. Nghiệt chướng và tai
ương trong cuộc đời mỗi nhân vật nói riêng và cả xã hội nói chung đều do những
dục vọng của con người mà ra. Nghiệt chướng, tai ương đời nào cũng có, thời nào
cũng có. Thằng Sông ra đời không bình thường. Chị đĩ Nhụ biết quan hệ với lý
Ngang là không phải, biết làm điều sai trái ngay dưới điện thờ thành hoàng là
ngang trái, sẽ phải tội. Nhưng chị bất lực với chính cuộc đời mình. Bởi ham
muốn dục vọng trong con người chị lớn quá, không kiềm chế nổi. Nghiệt chướng ra
đời từ đó. Chị biết, nghiệt chướng mắc oan cho nhà chồng: “Hắn (lý Ngang)
tỏ ra tử tế, đúng là nghiệt chướng đeo đẳng nhà này (nhà chồng) rồi ….
Nhưng đi thế nào đây cho mọi người khỏi nghi ngờ và rồi còn phải đi đâu để
thằng nghiệt chướng (thằng Sông) sau này học được làm người tử tế”.
Nghiệt chướng
thể hiện trong tham vọng của con người: Lý Ngà cùng quan tri Nghiệp không từ
một âm mưu thủ đoạn tàn ác nào để đạt mục đích lấy lòng quan thầy để tiến thân.
Lại bàn đến luật Nhân Quả: Lý Ngang chết khổ sở. Lý Ngà ăn phân chó để tỏ lòng
trung với quan thầy. Thằng Sông phải bỏ nhà cửa, quê hương để trốn nợ. Thời xưa
là vậy, còn thời nay: Thằng Sông vì muốn làm giầu nhanh nên lừa đảo…
Con sông Vàng
như một nhân vật trong tiểu thuyết từng chứng kiến bao biến động trong cái làng
quê nhỏ bé và nghèo khó ấy. Và cũng chính con sông ấy phải hứng chịu những tai
ương vì lòng ích kỷ của con người. Để hóa giải “nghiệt chướng” ông cụ Cờ - bố
ông Tổng Cò phải đánh đổi tính mạng để giữ nguyên dòng sông Vàng, để dân hai
làng cùng hóa giải thù hận, sống hòa bình với nhau. Nhưng từ một dòng sông nó
đã biến thành hai con mương bởi người đời sau vẫn đang tâm xẻ đôi dòng nước: “Thì
bên Thuận Thanh họ đòi chia. Sông của họ thì họ dùng, sông làng mình thì làng
mình dùng. Mất khối công đắp bờ”.
Liệu những kẻ
bị gọi là nghiệt chướng của xã hội có cải biến được. Thật khó! Thằng Sông được
giáo dục bởi những con người có tấm lòng vị tha như bà Nhụ, trong một gia đình
nhân ái nhưng bản tính của nó vẫn không thay đổi. Cái kết của “Dòng sông chở
kiếp” vẫn mở ra những mâu thuẫn mới, mâu thuẫn điển hình và phổ biến của xã hội
thời kinh tế thị trường: “Nghiệt chướng” vẫn tồn tại là do “dục vọng của con
người không kiềm chế được mà thôi”./.
Tháng 4-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét