Những ngày gần đây, dư luận (cả chính thức và mạng xã hội) đang là những chiếc máy khoan làm việc hết công suất hòng bóc tách những vỉa tầng của ngành giáo dục. Từ việc lớn như thay sách giáo khoa cho phù hợp. Việc này dây dưa tới công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại khiến cho mũi khoan chiều nào cũng gặp phải đá rắn, tóe lửa. Người này chứng minh học theo công nghệ là ưu việt, lập tức người khác thì cho rằng còn nhiều bất cập, gây khó cho học sinh. Rồi chuyện lớn nữa như những dự án hàng nghìn tỉ của ngành giáo dục không mang lại hiệu quả. Có không ít người tuyên bố dự án ấy chỉ hơn trăm tỉ sẽ chuyển biến được. Có thật không, tại sao bộ giáo dục lại không lên tiếng về việc này? Vụn vặt hơn là chuyện thu chi đầu năm học. Nhưng nhiều năm chuyện này trở thành tiêu điểm hot thì năm nay các “thợ mỏ” không đào bới được là bao. Chủ đề hot những ngày gần đây là chuyện ứng xử của giáo viên. Nào là cô giáo cho học sinh tát bạn “hội đồng”. Rồi cô giáo mầm non “treo cổ học sinh lên cửa sổ” (đó là status của một vài “thần phây”). Rồi vụ bắt thầy giáo đền quần cho nữ học sinh. Vv và vv… Mọi “tội lỗi” đều nhắm tới cái đích giáo viên.
Các cấp quản lí ngành giáo dục xử lí thế nào trong những sự vụ này? Họ đang ngủ gật. Và rồi, họ bỗng nghe thấy đám “thợ mỏ” reo lên khi đào ra một vỉa đạo đức của người làm nghề giáo. “Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường làm báo cáo, giải trình tường tận vụ việc gửi về phòng, gửi về địa phương. Chúng tôi sẽ tìm hiểu rõ ràng vụ việc”, họ giật mình quăng ra một văn bản in sẵn như vậy. Thế là họ vô can. Hậu quả, giáo viên làm giáo viên chịu. Người nhẹ thì đình chỉ dạy mươi ngày, người nặng thì trở thành tội phạm tới mức truy tố, cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra.
Các cấp quản lí còn phải lo tầm vĩ mô. Tức là tìm phương pháp dậy cho trẻ thành tài. Mọi kĩ thuật tích cực trong cách dạy học được phát kiến mới (hay dập khuôn nước ngoài) được triển khai. Ở Tiểu học nào là: Kĩ thuật nhóm đôi, kĩ thuật nhóm bốn, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật XYZ …. được áp dụng. Và những bài giảng điện tử bắt buộc phải triển khai. Vậy những bộ phận cấu thành nên những kĩ thuật ấy có đồng bộ. Sĩ số một lớp quá đông, điều kiện vật chất thiếu thốn thì triển khai thế nào. Ví như, dạy giáo án điện tử mà máy tính, màn hình chiếu nhà trường không trang bị. Giáo viên phải làm gì? Huy động xã hội hóa bằng cách vận động đóng góp của phụ huynh. Phải dùng kĩ thuật “răn đe”. “Lớp khác có lớp mình không có, con cái học kém đừng trách” Phụ huynh hoảng, đóng ngay. Kĩ thuật thu của giáo viên phải giỏi không thì sẽ phạm phải tội lạm thu. Dính đến tài chính, tội to. Các cấp quản lí một năm đôi lần thanh tra. Kĩ thuật “chống chế” của giáo viên nào cũng giỏi nên xếp loại nhà trường chỉ có từ khá trở lên. Đẹp mặt cả đôi đường. Có trường hợp, trong giờ dạy mà đoàn thanh tra dự, cô giáo gọi học sinh trả lời câu hỏi. Học sinh trả lời, thưa cô không phải câu hỏi của em, em không trả lời được. Kĩ thuật “chống chế” của giáo viên này bị lỗi. Chuyện nhỏ, rút kinh nghiệm. Ngày trường tiểu học còn tổ chức thi học sinh giỏi các cấp, thường giải thưởng cao tập trung cố định vào một trường điểm (nhất là thi cấp quận). Trường khác muốn có giải thưởng thì giáo viên phải có kĩ thuật “tình báo”. Tức là bằng mọi nghiệp vụ, điều tra nhóm học sinh giỏi trường ấy học gì thì cho học sinh trường mình học theo. Hiệu quả tức thì. Còn nhiều kĩ thuật khác nữa, khoan đào cả ngày không hết.
Những ngày này, giáo viên sợ phụ huynh học sinh như sợ cọp. Một trường hợp có thật. Hôm ấy, không phải ngày học, một học sinh nhà gần trường vào sân trường nô nghịch. Học sinh này có hành động quá hỗn hào với một vị phụ huynh vào trường đón con. Vị phụ huynh không kiềm chế được đã đánh học sinh này. Bảo vệ trường gọi điện cho cô chủ nhiệm và mẹ em học sinh. Cô chủ nhiệm mặc dù nhà xa nhưng cũng đến kịp thời đưa học sinh này đi bệnh viện. Trong khi đó, mẹ của em học sinh ở cách trường không xa nhưng vào tới bệnh viện thì bác sĩ đã sơ cứu xong. Em học sinh chỉ bị xây xước nhẹ nên được về nhà ngay, hôm sau vẫn đi học. Và cô giáo cùng ban giám hiệu cho rằng sự việc đã xong. Không xong. Hôm sau em học sinh nghỉ học không xin phép và mẹ em gọi điện cho ban giám hiệu trách mắng cô giáo chủ nhiệm và nhà trường vô trách nhiệm với học sinh và nhà trường đã để người ngoài vào trong trường đánh học sinh. Phụ huynh này đe, làm đơn tố cáo với cấp trên. Ngay lập tức nhà trường huy động tất cả các ban ngành đoàn thể đến hỏi thăm sức khỏe học sinh và xin lỗi gia đình. Cuối cùng trong buổi họp hội đồng các thầy cô thở dài nhẹ người, may quá nhà ấy chỉ dọa. Bây giờ, không ít các thầy cô ra kế sách, kệ chúng nó (học sinh) muốn làm gì thì làm, thành người hay không cũng chẳng liên quan gì tới mình. Kế sách này mà thực thi rộng rãi thì ít năm nữa lớp trẻ bây giờ sẽ trưởng thành ra sao, ngành giáo dục có nghĩ tới.
Dạy học, việc quan trọng nhất là dạy làm người. Tiêu chí ngành giáo dục đề ra là vậy. Nhưng thực hiện đến đâu? Đã có cuộc thi đánh giá mức độ truyền thụ của giáo viên và mức độ tiếp thu của học sinh về kiến thức làm người chưa? Những sự vụ trong những ngày qua lỗi tại đâu? Tại sao không có một buổi hội thảo tìm cho phải lẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét