Đặng Thị Thúy
Mộ đá ngang lưng trờilà cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2018 của Nhà văn
Nguyễn Quốc Hùng. Cuốn sách được viết lên bằng chính ký ức của anh và đồng đội–
những người đã “từng có hơn ba năm nằm
hầm, nằm hang, chốt giữ đường biên giới với nhau”, cùng kề vai sát cánh bên
nhau để chiến đấu chống quân xâm lược, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
trong cuộc chiến tranh biên giới tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang hơn ba mươi năm trước.
Câu chuyệnđược mở đầu bằng chi tiết thực tại, khi tác giả thoáng bắt
gặp bóng dáng người bạn chiến đấu,thoắt hiện ra rồi lại thoắt mất hút trên hè
phố nườm nượp người lại qua. Hỏi thăm để tìm thì không ai biết. Không biết bởi
giữa bao bộn bề hối hả của cuộc mưu sinh này, chẳng ai có thời gian để mà quan
tâm đến một kẻ “trông như thằng nghiện”, dẫu có biện minh rằng anh ta là “lính chiến” thì cũng chẳng ai tin,bởi giữa
thời bình này, tuổi trẻ như thế ấy thì biết gì đến chiến tranh với chiến đấu mà
gọi là lính chiến. Cái chi tiết tìm người bạn chiến đấu (người mà sau này được đặt
tên là Hoàng “dở” trong truyện) đã làm cho người đọc bị kích thích trí tò mò ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Và phải đến tận khi đọc
hết toàn bộ cuốn sách rồi, người ta mới hiểu rằng, đó hoặc là chi tiết không có
thật, hoặc là do tác giả bị ám ảnh quá sâu sắc từ ký ức khốc liệt của cuộc chiến
mà “nhìn gà hóa cuốc”.
Toàn bộ câu chuyện là sự hồi
tưởng. Sự hồi tưởng bắt đầu bằng tiếng nổ, tiếp diễn bằng tiếng nổ và kết thúc
cũng bằng tiếng nổ. Đầu tiên là loạt tiếng nổ chát chúa, dồn dập vang lên giữa
đêm tối mịt mùng khi chuyến xe tải quân chưa lên tới làng Ping. Bất ngờ đến nỗi
Huy còn không kịp nhận biết nó là tiếng gì, nó phát ra từ đâu. Nhưng Huy biết
chắc rằng chúng không phải là tiếng sấm rền của một trận bão biển, sự rung
chuyển không phải là những lắc lư chao đảo giữa các đợt sóng lừng mà anh từng
trải qua trong những tháng ngày đi tàu vượt đai dương. Từng loạt “tiếng nổ trồi
từ dưới lòng đất lên” cùng sự rung chuyển và đá bay rào rào mãi mới khiến Huy
kịp hiểu:đây là chiến trường của một cuộc chiến thực sự. Những tiếng nổ dày đặc
với tần suất, âm thanh khác nhau vang lên suốt chiều dài của câu chuyện và theo
diễn tiến của các trận đánh. Ròng rã ngày qua ngày, đêm nối đêm cùng đồng đội
quần thảo với giặc trên các điểm cao, Huy dần phân biệt tiếng nổ nào là của vũ
khí nào, nó phát ra từ đâu. Quen và nhạy đến mức, cả khi xuất ngũ về nhà rồi,
nghe tiếng nổ bất ngờ vang lên, Huy còn giật bắn, lao qua người bố và nhận biết
ngay đó là bộc phá. Những tiếng nổ trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với nhân
vật trong truyện mà còn với cả người đọc. Bởi vì, cho đến tận cuối truyện, khi
thời gian đã trôi qua đến mấy chục năm rồi, Huy vẫn còn bị ám ảnh mãi. Đấy là
khi nghe tiếng nổ, không phải tiếng đạn pháo của trận chiến mà là tiếng nổ tưng
bừng của pháo hoa mừng ngày lễ, thì thay vì nó mang đến cho Huy cảm giác hân
hoan vui vẻ như bao người thì nó lại gợi nhớ trong anh ký ức về cuộc chiến.
Nólàm cho anh khóc, càng cố kìm nén thì nén thì nước mắt càng trào ra. Và nó
cũng khiến cho độc giả khi đọc đến đoạn đó cũng không khỏi cay mắt, nghẹn lòng.
Cuộc chiến được hồi tưởng trong
câu chuyện chính là cuộc chiến vệ quốc trên chiến trường Hà Giangnhững năm 1979
– 1984. Ấy là một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt. Sự khốc liệt được miêu tả một
cách rõ nét qua từng trang viết. Nó cho ta thấy toàn cảnh của một chiến trường
với tầng tầng lớp lớp đạn nã, pháo vây. Chiến trường là những vách đá cheo leo
sắc nhọn và những trận chiến đấu ác liệt. Mục tiêu là giành lại các điểm cao.
Loạt người này xông lên, pháo dập ngã xuống, loạt khác lại xông lên. Khốc liệt
đến nỗi “Những thân hình của đồng đội bị quét đổ sập xuống. Một làn đạn như
chiếc cưa phạt đổ những thân cây”, vì thế mà “đại đội được bổ sung mười tám
lính Hải Phòng thì nay còn có bốn”. Vì thế mà “Ra đi một đại đội, trở về vẻn
vẹn còn có hơn một tiểu đội”. Khốc liệt đến nỗi những bữa ăn tranh thủ cũng bị
gián đoạn. Cả nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người bạn gái yêu mà chưa kịp ngỏ lời
cũng bị gián đoạn bởi những loạt đạn pháo liên hồi. Những nhớ nhung ấy cũng chỉ
thoạt đến chớp nhoáng như để tìm sự cân bằng về tâm lý, để xua đi những ám ảnh
về sự chết chóc đang bủa vây:người thì bị đạn xé toác lồng ngực, người thì thân
xác bị đạn xé nát, người bị mảnh pháo phạt mất nửa mặt,có người hy sinh rồi mà
đồng đội chỉ còn tìm thấy một cánh tay, và có cả những người, sau loạt đạn pháo
thì không còn gì nữa. Máu chảy thấm xuống làm nhão cả đất. Sau những trận huyết
chiến, những người lính sống sót tìm kiếm đồng đội đã hy sinh của mình, nhưng
cả tuần “cũng chỉ mang về được một tử sỹ nguyên vẹn hình hài, còn đâu là mấy
túi ni lông chẳng biết thi thể của ai”.Họ đành chôn chung những người đó vào
một chỗ “Lính tráng với nhau cả, nằm chung hầm, chung hang, chung giường với
nhau quen rồi”.Nếu có ai chưa từng nghe, chưa từng biết về những tháng ngày
khốc liệt trên chiến trường Vị Xuyên năm ấy, thì câu chuyện này chính là
mộtcuốn phim chân thực giúp họ hiểu, mường tượng về nó một cách cụ thể và rõ
ràng.
Tôi thích cách miêu tả và khắc
họa nhân vật của Nguyễn Quốc Hùng. Thông qua việc miêu tả nhân vật chủ yếu qua
hành động, khai thác diễn biến tâm lý của nhân vật trong từng tình huống cụ thể
và theo diễn tiến ác liệt của cuộc chiến, anh đã lần lượt để người đọc tiếp cận
với các nhân vật và hiểu cuộc đời của họ một cách tự nhiên nhất. Hoàng “dở” là
một người vốn có tiền sử bệnh tâm thần, tính nhát, sợ manhưng vẫn bị bố và cán
bộ phường bắt phải đi nghĩa vụ quân sự. Lúc mới lên chiến trường, lúc nào cũng
bám chặt Huy “như đứa trẻ sợ lạc mẹ khi đến một nơi xa lạ, nguy hiểm”. Thế rồi,
những trận đánh khiến Hoàng dần khôn ngoan, nhanh nhẹn và biến anh thành một
người lính anh dũng, can trường. May mắn trở về từ cuộc chiến, trước khi rời
trận địa, Hoàng đã quỳ xuống vái tám mươi tư vái từ biệt những đồng đội cùng
trung đoàn với mình, những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi ấy.
Huy –nhân vật chính của
truyện- được tác giả khai thác và miêu
tả qua diễn biến tâm lý rõ nét nhất. Huy cũng như những chàng trai Hải Phòng
khác, nhập ngũ với mục đích là thực hiện nghĩa vụ quân sự của một thanh niên
giữa thời bình, rèn luyện trong quân ngũ 3 năm rồi quay về tiếp tục làm thủy
thủ hoặc làm công nhân. Nhưng sau thời gian huấn luyện, anh cùng mọi người mới
biết là Hà Giang đang có biến và họ được lệnh điều động lên chiến tuyến. Đến
lúc ấy, họ mới biết mình sắp trực tiếp tham gia vàonhững trận đánh ác liệt mà
những chàng trai ra đi từ một thành phố đang yên bình không bao giờ ngờ tới. Huy
sợ chiến tranh, ngay từ lúc biết tin này, Huy đã hoang mang, có ý định đào ngũ.
Một người có thân thế như anh, có đào ngũ cũng không sao vì đã có người lo cho
êm thấm. Nhưng Huy đã không quay lại. Lý do để anh không quay lại lúc đầu chỉ đơn
giản bởi sỹ diện của một thằng đàn ông: “về bây giờ người ta cười cho”. Sau đó,
anh thêm một lý dođể không quay lại làvì tò mò, vì muốn chứng kiến tận mắt cuộc
chiến trên kia xem có giống như miêu tả trong tiểu thuyết. Nhưng càng tiến sâu
vào trận địa, Huy càng bị cuốn vào từng trận đánh. Trực tiếp đối mặt với kẻ
thù, đối mặt từng giây với cái chết cận kề, động lực thúc giục Huy chiến đấu
chính là bản năng sinh tồn của con người “phải tiến để giành giật lấy sự sống
còn. Quay lại là chết”. Rồi Huy chứng kiến sự lần lượt hy sinh của rất nhiều
đồng đội, lúc này, điều khiến anh không cho phép mình quay lại chính là tình
yêu thương, sự gắn bó và trách nhiệm với đồng đội của mình. Trải qua những cung
bậc cảm xúc khác nhau: từ sợ hãi, đau đớn, phẫn nộ đến căm thù, để rồi cuối
cùng, Huy xông lên chiến đấu quyết liệt, can trường với quân xâm lược bằng tất
cả sức mạnh có được từ sự căm thù chúng, bằng danh dự của người lính và lòng
yêu nước,tự tôn dân tộc của mình. “Mặt đối mặt với kẻ thù, chính là lúc ý thức
dân tộc của con người phát tiết ra mạnh nhất”, đấy chính là sự lý giải của Huy
trước hành động quyết tử của Cường:ôm bộc phá đặt tận nơi để phá tan lá cờ mà
tên giặc quyết tử xông lên cắm trên vách đá, “lá cờ như một mũi dao nhuốm máu
xiên vào bầu trời xám”. Và cũng chính ý thức dân tộc đã thôi thúcHuy và những
đồng đội của mình chiến đấu anh dũng, “sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng
với quyết tâm, một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc cũng không thể để mất”. Huy
đã cùng đồng đội của mình sống trọn với lời thề “sống bám đá, chết bám đá thành
bất tử”. Có thể nói, tính cách và những diễn biến tâm lý của nhân vật Huy đã
được tác giả xây dựng mang những nét đặc trưng tiêu biểu của những chàng trai
Hải Phòng và những người lính của cuộc chiến tranh biên giới trong những năm
tháng ấy.
Mộ đá ngang
lưng trờicũng dành một dung lượng nhất định để kể về cuộc sống của những người trở
về từ cuộc chiến. Kẻ đào ngũ như Chiến “mặt mục”khôn ngoan, lọc lõi và trở
thành những kẻ giàu có, thành danh. Còn những cựu chiến binh khác như Huy, như
Hoàng “dở”thì lại trở lại với nhịp sống thường ngày của một cựu binh, giống như
vừa hoàn thành một đợt nghĩa vụ quân sự thông thường nhất. Họ trở thành công
nhân, thợ xây, lặng thầm lao động để góp sức cho sự phát triển của thành phố
cảng. Các anh là những cựu chiến binh thực thụ. Chỉ khác là, nếu những cựu
chiến binh trở về từ cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ có quyền tự hào,
có quyền công khai và phấn khích kể về những trận đánh, những chiến công thì
những người lính trở về sau chiến tranh biên giới lại không thể làm điều đó. Sự
hạn chế về thông tin ngày ấy khiến nhiều người không được biết rõ, thậm chí
chưa hề được nghe về cuộc chiến ấy. Bởi vậy, những cựu chiến binh thực thụ như
Huy, như Hoàng nếu có kể lại những gì họ đã trải qua cũng chẳng ai tin. Có khi
thiên hạ còn phớt lờ, cười nhạo cho là các anh nói dối. Nhưng điều đó đối với
các anh không quan trọng, họ chấp nhận cuộc sống nhọc nhằn nhưng bình lặng. Họ
hiểu cái giá của cuộc sống và sự bình yên. Với họ, được sống để trở về như thế
đã là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Trong họ chỉ còn lại những ám ảnh, những
day dứt, những đau đớn mỗi khi nhắc nhớ về bao đồng đội còn nằm lại nơi vách đá
cheo leo. Với họ, sự khốc liệt không dừng lại nơi chiến tuyến.
Tiểu thuyếtMộ đá ngang lưng trờimột lần nữa miêu tả chân thực và sinh động như
những thước phim quay chậmvề cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia
trong chiến tranh biên giới. Đọc Mộ đá
ngang lưng trời, người ta có thể thấy rõ cái khốc liệt của những trận đánh
trên chiến tuyến Vị Xuyên. Cái khốc liệt không chỉ hằn trên từng viên đá núi
đẫm máu xương của những chiến sỹ đã hy sinh, mà nó còn trở thành những ám ảnh
không nguôi trong tâm trí những người lính từ nơi ấy trở về, đau đáu và đeo
đẳng mãi. Tôi chắc răng, chính tác giả và những người từng trực tiếp cầm súng
chiến đấu trong những tháng ngày khốc liệt ấy sẽ mãi nhớ những đồng đội của họ.
Những người mà thân xác còn bị vùi lại nơi lèn đá, khe thung và trở thành những
nấm mộ ngang lưng trời nhưng linh hồn của họ đã trở thành bất tử. Bất tử trong
cuộc chiến đấu anhh dũng ngày ấy. Bất tửtrong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ, biên giới quốc gia của chúng ta. Và những câu hát rurưng rưng mà Nhà văn
Nguyễn Quốc Hùng viết trong khúc vỹ thanh chính là lời nguyện cầu cho những
lính can trườngấy đượcyên nghỉ ở cõi vĩnh hằng:
“Ngọn núi ơi, đồng
đội tôi là những viên đá nhỏ kia
Những thân xác hóa đá núi Vị Xuyên
Đá chồng lên đá
Đồng đội ơi!
Ai nằm khe suối, ai thung sâu hay lưng chừng trời
Về đây
Ru hời ru
Đá núi
Ngủ đi”.
Đ.T.T
Nhà sáng tác Nha Trang, tháng 11/2018.
Tác giả: ĐẶNG THỊ THUÝ
Hội viên
Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh; Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét