Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

NHỌC NHẰN CÕNG CHỮ Đọc tập thơ: Địu chữ qua Cổng Trời của Hoài Khánh, NXB Kim Đồng – 2019






Văn học cho thiếu nhi từ xưa đến nay vẫn là một bộ phận không thể thiếu trong nền văn học của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Với trẻ em Việt Nam, những cái tên đã trở nên quen thuộcnhư Trần Đăng Khoa, Võ Quảng, Phạm Hổ …,đó là những nhà thơdành nhiều tâm huyết sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhibằng những vần thơ ngộ nghĩnh, các định nghĩa về sự vật hiện tượng xung quanh đáng yêu. Trong dòng chảy văn học này còn không ít những nhà thơ khát vọng đến cháy lòng muốn làm bạn với trẻ thơ thông qua tác phẩm của mình như Phạm Đình Ân, Vũ Duy Chu, Thanh Hào … Và trong số đó, nhà thơ Hoài Khánh cần phải nhắc tới là một trong những cây bút kiên định con đường thơ dành cho thiếu nhi.Đến nay, anh đã là tác giả của 5 tập thơ: BÉ KIM GIÂY- Nhà xuất bản Hải Phòng năm 1991- TIA NẮNG XANH- Nhà xuất bản Hải Phòng năm 1996 - TRĂNG TREO GIỮA NHÀ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2004 - DẮT BIỂN LÊN TRỜI - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2012, tái bản năm 2015 và mới nhất là tập thơ - ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2019 .
Với tập thơ DẮT BIỂN LÊN TRỜI thì thế giới trẻ thơ của Hoài Khánh là những bước nhẩy chân sáo trên con đường làng hay chung chiêng trên con sóng cùng dắt biển vào lớp học.
Từ làng chài vào lớp
Đường nằm trong khoang thuyền
Bầy trẻ thơ đi học
Ngồi trên sóng chơi vơi
               (Đường ở đảo)
Tới tập thơ ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI đứa trẻ với dáng vẻ suy tư hơn. Nó ngồi chống tay vào cằm bên ô cửa đá và ngắm nhìn thế giới qua con mắt của mình. Nó ngắm nhìn đám bạn váy áo xập xòa/Gọi nhau địu chữ vượt qua cổng trời. Nó ngắm nhìnÔng mặt trời khó nhọc/ Đang leo dốc đằng xa, để rồi khám phá raVẫn có bao điều lạ / Từ sách hồng bước ra.Nhưng dù đứa trẻ ngắm nhìndưới hình thức nào thì thế giới qua mắt chúng vẫn là thế giới riêng dành chotrẻ thơ.
Như Tolstoi nói, văn chương cho trẻ em phải là ngày hội của các tư tưởng. Tư tưởng nhưng phải vui như hội. Với tập ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI, nhà thơ dẫn các em nhỏ đi qua các khung trời cổ tích, thỏa thích ngắm nhìn, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và con người. Xuất phát từ miền địa đầu Tổ Quốc có con đường lên tới cổng trời, vùng đất có cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, bọn trẻ nhìn thấy Ai đến cổng trời mà xem/ Thăm thẳm chỗ nào cũng đánhưng ngướcnhìn lên những “Ông núi đá khù khì” bọn trẻ phát hiện raVầng trăng cao nguyên lạ quá/ Ngồi trên mỏm đá tai mèo.(Đêm phố cổ Đồng Văn), tớinhững bản Mường màđàn “trâu cõng chiều về bản” . Khi qua thác Bản Giốc bọn trẻ trầm tưgiữaBốn bề xanh tĩnh lặng / Thác đổ như ngựa lồng. Đi qua vùng núi Tam Đảocó “Cả ba ngọn núi/ Lụ khụ lì khì”Dưới con mắt của nhà thơ cũng là con mắt trẻ thơ, con suối, nương ngô, ngọn núi bỗng bất ngờ chuyển mình trở thành người bạn thân thương, gần gũi.
Suối thung tha thung thăng
Khiến nương ngô thao thức
Cụ núi chừng rạo rực
Nhẩm hát lời lá xanh
            (Trăng núi)

Về đến miền đồng bằng, lũ trẻ thơ thả hồn giữa mênh mang trời đất, để rồi cảm xúc của chúng lắng đọng hơn.
Em men theo vạt bắp
Lách qua mấy luống cà
Dắt buổi chiều xuống bến
Gánh dòng sông về nhà.
                (Chiều bến sông)
Hay:
Gọi nhau í ới đường làng
Tới trường sương sớm mơ màng vương theo
                                          (Đường làng em)
Các em gặpđảo cò “Lấp lóa bay trong nắng hồng” . Xuống tới miền Trung đầy nắng gió, nơi có đi qua đèo Ngang thấy “Núi duỗi chân ra biển nghịch/ Tha hồ bêu nắng, tắm mưa”. Tới miền đất ngàn hoa Đà Lạt gặp những dòng suối “Thấp tho dưới tán cây xanh / Trong veo với thỏ, ngọt lành cùng nai”.
Tôi (người viết bài này) đã nhiều lần đi bộ qua không ít dốc cổng trời, đã thấu hiểu nỗi nhọc nhằn thế nào là vượt núi cao vực sâu. Nhưng tôi là người lính, sức chịu đựng không thể đem so với những đứa trẻ. Nhưng nếuđọ về tinh thần nỗ lực vượt khó, có lẽ những đứa trẻ “địu chữ qua cổng trời” cao hơn bởi chúng tuy mệt nhọc vẫn khám phá ra nhiều điều thú vị.Bọn trẻ không chỉ đi một mình mà gọi nhau cùng đi với bước chân vui tươi như đi trong ngày hội.Góc nhìn này của Hoài Khánh qua tập ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI cho người đọc thấy được nhà thơ thấu hiểu trẻ thơ vốn rất yêu cái đẹp, cái tốt, cái thực. Hoài Khánh đã dùng những hình tượng giàu tính nghệ thuật, giàu giá trị nhân văn kết hợp vần điệu, nhạc điệu tác động nhẹ nhàng đến nhận thức, tư tưởng tình cảm ở trẻ, giáo dục các em thêm yêu Đất nước mình hơn.
Một góc nhìn khác qua tập ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI, những con chữ của Hoài Khánh dắt ta bước vào thế giới của cỏ cây hoa lá mà các em say mê, khám phá ra đặc tính của từng con vật như những người bạn đáng yêu của trẻ nhỏ. Thực sự để viết nên những bài thơ thiếu nhi không phải cứ chắp bút viết về những con gà, con vịt, chú bê hay những bông hoa, ngọn cỏ … rồi nhân hóa nó lên cho mang đặc điểm, tính cách giống con người là dễ được các em yêu thích. Thiết nghĩ, Hoài Khánh đã thật tinh tường để nắm được yếu tố cốt lõi khi viết về thế giới loài vật, thế giới cỏ cây hoa lá xung quanh các em, đó chính là quan sát và nhận thấy những nét tính cách rất trẻ con từ chúng. Bởi các em luôn xem những loài vật nhỏ bé ấy chính là người bạn, các em phải nhìn thấy chính mình qua câu chuyện của những con gà, con vịt, con bê, những bông hoa ấy.
Cả khu vườn lao xao
Đấy là khi Lá múa
Chúng gọi nhau thì thào
Tiếng reo mềm như lụa
                    (Lá múa)
Hay:
Chân gõ nhịp
Mũi phình ra
Bê nghiêng sừng hát ngân nga:
- Ò…ò…
                      (Chú bê tập hát)
Trong khu vườn xinh đẹp của ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI không chỉ có lá múa mà còn có giàn mướp Tay giăng tơ / Leo cực giỏi,  những búp măng Vươn cao phơi tấm lưng trần / Búp măng ngay thẳng mơ dần thành tre, và có cả những bông hoa dại Hồn nhiên mọc bên đường / Lá cành vương gió bụi, có những bông hoa rất giản dị các em hay gặp, đó là dàn hoa bèo Hoa  tim tím gọi mùa hè / Như dàn kèn / Thổi toe toe giữa trời. Không chỉ có những chú bê ngây ngô tập hát mà còn có mặt của đàn cò vạc Sáng ra đàn cò í ới /Lấp lóa bay trong nắng hồng / Đàn vạc xạc xào chập tối / Rủ nhau lặn lội ra đồng.
Nhà thơ như một cậu bé say sưa ngắm nhìn thế giới quanh mình rồi kể những câu chuyện lí thú bằng lối diễn đạt rất ngộ nghĩnh về những người bạn không biết nói nhưng luôn luôn rộn ràng. Như chú chim chìa vôi trong bài thơ cùng tên, nhà thơ thể hiện rất rõ ở cách tư duy này, cái điệu xòe cánh múa, làm trò thật giống những đứa trẻ khoác lên mình bộ váy áo mới rồi cố tình “gây sự chú ý”
Xòe đôi cánh múa mấy vòng
Cái đuôi cũng biết cong cong làm trò
Chỉ thương cái mỏ tẽn tò
Muốn cong mà chẳng cong cho mới kì
                                   (Chim chìa vôi)
Đọc ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI cũng như các tập trước đây, ta thấy Hoài Khánh sử dụng nhuần nhuyễn biện pháp nhân hóa. Hoài Khánh quan niệm, thơ thiếu nhi phải là một thế giới vô cùng lí thú, vạn vật qua trí tưởng tượng của các em đều có linh hồn, đều cựa quậy sống động, có tính cách như một con người, trở thành người bạn thân thiết của các em. Hơn nữa, Hoài Khánh đã sử dụng nhiều cách nhân hóa khác nhau khiến thế giới thơ càng trở nên phong phú.
Núi như cụ già hay đảo cò đẹp như bức tranh, ông mặt trời vui như trẻ lên mười hay sương long lanh như ngàn sao long lanh, trong tập thơ Hoài Khánh còn sử dụng lối so sánh cảnh vật, so sánh hành động làm nổi bật cách nhìn của trẻ thơ.
Maxime Gorki nói, phải bắt đầu bằng đùa cợt, bằng trò chơi, dần dần đến những hình thức gì gần gũi với các em, rồi mới kết luận bằng các vấn đề nghiêm túc, bằng chủ nghĩa anh hùng. Trong thơ Hoài Khánh ta luôn gặp cách tư duy này bằng giọng thơ tinh nghịch, dí dỏm như anh nhái bén thả hồn đếm sao như bầy trẻ chơi trượt dốc cùng trăng hay suối men bờ đá dùng dằng mà đi và chú bê non hát vì ngứa răng. Rất hồn nhiên. Rất trẻ thơ.
Đọc thơ của Hoài Khánh cũng như của những nhà thơ khác viết cho lứa tuổi thiếu nhi, tôi thấy các nhà thơ đã cố vượt thoát ra những đề tài, những phương thức biểu hiện cũ, gắng tìm tòi những lối đi khác để đặt bàn chân tự tin, bản lĩnh của mình để giúp các em thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương, bạn bè. Nhưng cá nhân tôi, ở cách nhìn đổi mới, vẫn muốn các nhà thơ viết cho lứa tuổi thiếu nhi thể nghiệm một lối viết hiện đại hơn. Picasso – nhà danh hoạ lớn – khi xem tranh vẽ của thiếu nhi đã nói: “Cần phải học cả một đời để vẽ được như các em”. Viết hay cho trẻ em đã là khó, giáo dục cho trẻ em thành người có ích cho xã hội mai sau càng khó khăn gấp bội.


N. Q. H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét