Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

VĂN HỌC ĐỀ TÀI CÔNG NHÂN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HẢI PHÒNG HIỆN NAY VÀ GIẢI PHÁP



Hải Phòng, mảnh đất của thợ thuyền. Những con người nơi đây lam lũ, oằn mình qua giông bão và khổ đau. Đó là lớp nhân vật đáng trân trọng trên những trang văn Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ. Hải Phòng hơn một thế kỉ qua là đô thị công nghiệp, với tiếng còi tầu rền vang trên dòng sông Cấm, với nhà máy xi măng ống khói vươn cao khát vọng, với những nhà máy cơ khí đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước như đóng dầu Bạch Đằng, cơ khí Duyên Hải... Con người Hải Phòng thì quả cảm, phóng khoáng nhưng cũng kiên gan những năm khói lửa chiến tranh. Những ai từng một lần qua Hải Phòng, đều có tâm trạng giống như tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi qua bài thơ “Nhớ”:
“Hải Phòng ơi đêm nay bỗng nhớ
Tiếng còi tầu sông Cấm chiều hôm”
Thi sĩ Lưu Quang Vũ, sau những năm tháng sống và gắn bó với Hải Phòng, đã vẽ lên bức tranh bằng thơ u buồn mà tuyệt đẹp về thành phố cảng bụi bặm của những người công nhân khuân vác, những thủy thủ tầu viễn dương yêu lao động cuồng nhiệt mê say trong bài thơ “Những người bạn khuân vác”. Ở trường ca Những người trên cửa biển nhà thơ kiêm nhạc sĩ đa tài Văn Cao cho người đọc thấy được cuộc sống của những người thợ thành phố Cảng khó nhọc với những câu thơ hay đến nao lòng.
“Mỗi người dân Hải Phòng thật kiếm ăn từ nhỏ
Mỗi người dân Hải Phòng đều biết đổ mồ hôi”
Lại nói về Nguyên Hồng, ông không chỉ có tác phẩm về người lao động Hải Phòng cho riêng mình mà ông còn là người thầy truyền thụ niềm đam mê và kiến thức nghề văn cho những nhà văn Hải Phòng xuất thân từ người thợ như Thanh Tùng, Đào Cảng, Trần Lưu, Thi Hoàng, Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Thụy Kha, Vũ Hữu Ái … Lớp nhà văn thời kì những năm khói lửa chiến tranh là những đại diện ưu tú không chỉ với văn học Hải Phòng mà còn là những người đặt viên gạch đầu tiên xây lên ngôi nhà của văn học đề tài công nhân và người lao động trên cả nước.
Trong bài thơ “Phố cửa biển”, Thanh Tùng có những câu thơ hừng hực chất thợ thuyền: Tôi bước lẫn những tấm lưng mồ hôi hầm hập/ Thấy mặn lòng, từng vết muối trắng vai ai
Bạn bè gọi Đào Cảng là “Nhà thơ của thợ”. Trong thơ ông hình ảnh những người thợ Việt Nam của một thời kì gian khổ nhưng đầy lạc quan vừa đánh giặc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thơ của Thi Hoàng trầm tư trong cái nhìn đầy triết luận: Mũi con tầu tinh anh như con mắt / Từ cửa sông này nhìn suốt đại dương  (Nhịp sóng)
Truyện dài Những người mở đường của Vũ Hữu Ái bằng những câu chữ đầy chất thơ tràn lên từ cuộc sống trẻ trung, từ những cảnh lao động dưới mưa rừng mù mịt, ăn cháo trong đêm bàn chuyện tương lai. Rồi một Trần Lưu với những câu đầy chất thợ. Một Nguyễn Tùng Linh tạc hình ảnh người thợ bằng những câu thơ vâm váp.
Trong những ngày đánh Mĩ, mỗi câu thơ, đoạn văn của đội ngũ nhà văn Hải Phòng đã tạo dựng được chân dung một thành phố cửa biển sừng sững với những người công nhân vai sắt chân đồng làm việc hết mình, sống hết mình.
Sau 1975, Hải Phòng cùng cả nước trăn trở những ngày đầu bước vào thời kì xây dựng nền kinh tế. Văn học công nhân và người lao động Hải Phòng giai đoạn này có phần như chững lại. Lẽ tự nhiên bởi các nhà văn lớp chống Mĩ tuổi đã cao, nội lực giảm sút, chỉ còn nhà thơ Thi Hoàng vẫn giữ được phong độ với trường ca Gọi nhau qua vách núi – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và những tập thơ giá trị khác. Lớp nhà văn mới hình thành. Lưu Văn Khuê lăn lộn với thực tiễn cuộc sống, gần đây ông có những tiểu thuyết về đề tài lịch sử như Mạc Đăng Dung hay Đấu trường sông nước viết về nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Phạm Ngà với những trang thơ chau chuốt, nồng nàn hơi thở cuộc sống công nghiệp, “Không gian sôi mãi tiếng ve sôi”. Trần Tự thực sự là một “nhà văn công nhân”. Câu chữ của ông gắn chặt với lao động, với máy móc, xe cộ, búa đe … thông qua những tiểu thuyết Miền khơi, Biển trắng, Giữa hai chiều gió… Từ thực tiễn đời sống người thợ của mình, Lương Văn Chi, Đinh Quyền, Huy Liệu, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Quý, Nguyễn Minh Dậu… dốc toàn tâm toàn lực lên những trang truyện ngắn về thân phận người lao động, cho ra đời những trang văn ngồn ngộn chi tiết đời thực của người công nhân thời kì xóa bỏ bao cấp, tiếp cận dần với cơ chế thị trường đầy khốc liệt.

Không ít người cho rằng, công nhân và người lao động là một đề tài văn học khó viết và khó hay, vì nó khô cứng, áp đặt, không gian hạn hẹp, không thỏa sức sáng tạo. Thế nhưng, hiểu theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, khi xây dựng hình tượng văn học là người Việt ở nước ngoài cũng là một lực lượng lao động có đóng góp cho nền kinh tế đất nước, vậy tiểu thuyết Quyên của ông cũng thuộc đề tài này. Thực tiễn văn học Việt Nam hiện nay đang mở rộng biên độ của khái niệm về đề tài công nhân và người lao động.
Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhiều thành phần kinh tế ngoài kinh tế nhà nước được thừa nhận, từng bước được coi trọng là động lực cho nền kinh tế phát triển. Đối tượng công nhân và người lao động bây giờ nhiều thành phần hơn. Một thời đại công nghiệp 4.0 đang khơi mở xu thế phát triển mới, hình thành lớp người làm ra sản phẩm cho xã hội phần lớn sẽ là những người mặc blu trong phòng nghiên cứu, là những người lập trình cho rô bốt, làm việc với công nghệ cao, không cần phải bóng dáng người thợ mồ hôi ướt đẫm lưng trần. Họ sẽ là một kiểu nhân vật chính của đề tài văn học này. Đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu, đòi hỏi nhà văn bắt nhịp theo để sáng tạo hơn trong cách xử dụng con chữ. Văn chương theo kiểu minh họa trước đây dần dần nhường chỗ cho những tác phẩm thể hiện nội tâm, ý tưởng của tác giả thông qua những chủ đề tư tưởng, biểu trưng nghệ thuật. Có lẽ thế mà ranh giới giữa các đề tài văn học bị nhòe mờ, thậm chí giao thoa sang nhau. Dẫu sao, đề tài công nhân và người lao động trong giai đoạn hiện nay vẫn cần được nhắc lại và khảng định rõ nét hơn trong không gian sáng tạo nghệ thuật, coi đó là một diện mạo đầy đủ và khỏe khoắn trên cơ thể văn học nước ta hôm nay.
Những năm gần đây, Hải Phòng có đội ngũ viết văn, làm thơ đông đảo, có hơn 140 hội viên của thành phố, trong đó có 26 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói, sự lớn mạnh và những thành tựu của văn chương Hải Phòng từ trước tới nay luôn gắn liền với đề tài văn học về công nhân và người lao động.
Với những người viết văn và làm thơ Hải Phòng, trên trang viết của họ luôn nóng hổi cuộc sống người thợ, văng vẳng tiếng còi tầu, tiếng những chuyến xe gầm gừ nặng nhọc lăn bánh qua phố, màu xanh áo thợ và nồng nàn hương vị biển. Họ luôn lấy đề tài công nhân và người lao động là một không gian sáng tạo đầy tình nghĩa. Mai Văn Phấn cách tân hòa nhập với dòng chảy thơ hiện đại, những dòng thơ từ mạch cảm hứng trào dâng với chiêm nghiệm đầy triết lý. Hồ Anh Tuấn đắm say với những người công nhân thủy sản, vật lộn cùng sóng gió nhưng vẫn đầy chất thơ mộng của khơi xa. Tô Ngọc Thạch dào dạt chất thơ về người lao động và cuộc sống người thợ của thành phố biển. Tập thơ: Bước nắng đã tạo được dấu ấn đáng kể. Thành công trong sáng tác văn học cho thiếu nhi nhưng Hoài Khánh cũng đã gửi gắm chút tâm tình của mình với người lao động đất cảng qua 2 tập thơ Có một Hải Phòng Sưởi ấm những ngày xa. Với những bài thơ dung dị, mộc mạc giống như tính cách của con người vùng cửa biển. Những nhân vật làm nên cảm xúc thơ của Hoài Khánh rất gần gũi, thân thuộc mà ta vẫn gặp hàng ngày. Bởi Hải Phòng là thành phố của những con người hăng say lao động. Một Phạm Xuân Trường đắm say với những câu thơ tạc nên chân dung người thợ thô ráp mà đầy cảm mến. Một Nguyễn Thị Thúy Ngoan với những câu thơ chan chứa tình cảm về những con người lao động thân thương. Một Công Nam suy tư với những câu thơ chiêm nghiệm về người thợ nạo vét đường biển. Nguyễn Đình Tâm thể hiện những suy tư của một đời gắn liền với những hành trình trên đại dương xa xôi để làm những bài thơ, trường ca về biển cả, nói lên khát vọng của con người chinh phục  đại dương.
Cảng Hải Phòng ngày nào tự hào có một Đào Cảng với những trang thơ về công nhân bốc xếp, những thủy thủ, những chuyến hàng, thì hôm nay lại có thêm một Nguyễn Quốc Hùng với những trang văn về thân phận người công nhân cảng nhọc nhằn trong cơ chế thị trường. Bản thân tôi, một nhà văn trực tiếp tham gia sản xuất trên bến cảng Hải Phòng, đề tài người lao động như một định mệnh gắn với chặng đường sáng tác của bản thân. Bởi lẽ, như câu nói của một nhân vật trong truyện ngắn Mặt trời dưới lòng sông “tại thằng bốc vác ngửi mùi mồ hôi của nhau còn nhiều hơn ngửi mùi mồ hôi của vợ nên mới mắc nợ nhau”, tôi mắc nợ những con người mà mồ hôi chảy thành dòng trên lưng không khác gì vệt con sên bò trên tấm gỗ mục. Chính sự nhiệt tâm với đề tài này đã mang lại cho tôi thành công nhất định, từ tiểu thuyết Chuyến hàng mưa viết về những người công nhân bến cảng thời kì chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường với bao khó khăn, nhọc nhằn, đến tiểu thuyết 720 độ  góc luân hồi viết về giai đoạn mở cửa nền kinh tế đầy biến động. Bên cạnh đó còn có nhiều truyện ngắn phản ánh những con người lao động quả cảm, một chút ngang tàng của người đất cảng và một cuộc sống công  nhân bước đầu có sự cải thiện đáng kể trong sự đổi thay của nền kinh tế và bộ mặt thành phố Hải Phòng đầu thế kỉ XXI. 
Những nhà văn xuất thân từ công nhân cảng Hải Phòng còn có Vũ Thúy Hồng, đắm say qua những câu thơ sâu nặng chất suy tư về vùng đất mà nắng làm bạc thêm lưng áo người thợ và gió làm rộn thêm tiếng còi tầu loang dài trên bến cảng.
Đêm cửa biển nghe tiếng gió xiết qua cần trục
Âm âm còi tàu loang mặt sóng 
Gió thổi bạt những suy tư vụn
Thấy mình thật bé nhỏ trước dòng sông.
Còn nhiều nhà văn nữa mà bước đường viết văn của họ gắn liền với công xưởng nhà máy, công ty, trường học… Với tập truyện ngắn Men say của tình yêu, Dương Thị Nhụn đã khắc họa chân dung người thợ qua những câu chuyện dung dị và cảm động. Còn tập thơ Thành phố trái tim người thợ, Minh Trí gợi lên cảm xúc chân thành của người công nhân trước sự vươn lên của Hải Phòng. Những tác phẩm đó của các nhà văn Hải Phòng từng được vinh danh trong các giải thưởng về đề tài công nhân và người lao động do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.
Là một người làm việc lênh đênh ngoài biển, Tuấn Anh có nhiều bài thơ, trang văn nêu bật những suy tư trăn trở về đời sống người thợ nơi biển cả. Bùi Quý Thực, tác giả mới gần gũi với sáng tác đề tài người lao động. Tốt nghiệp đại học hàng hải, có thời gian dài làm cho hợp tác xã vận tải thủy Tam Bạc, đã cho ra đời những tập thơ như Sóng phù du, Âm vang những dấu chân, Dấu hỏi câm … Thơ của Bùi Quý Thực thể hiện sự mạnh mẽ, phóng khoáng trong câu từ nhưng cũng ẩn sâu suy tư, hướng nội.
Gió căng buồm nơi đầu sóng
Thuyền đi loãng cả xóm chài
Ông già trước biển đăm chiêu
Ký ức cuộn thành bão tố
                    (Ông già trước biển)
Còn nhiều các tác giả nữa như Đỗ Thị Hồng Vân, Phạm Thùy Linh, Lương Kim  Phương, Trần Thị Lưu Ly, Cù Thị Thương, Trần Ngọc Mỹ … mà tác phẩm đa âm, đa sắc của họ đã làm nên một diện mạo mới cho văn chương Hải Phòng. Văn chương Hải Phòng thời kì này không còn mang tính sử thi với những đại tự sự mà đi vào những vấn đề nhân sinh thường nhật, chuyển động cùng những biến động của thời cuộc, con người.
Với Hội Nhà văn Hải Phòng, đề tài công nghiệp luôn được ưu tiên khi tổ chức các trại sáng tác. Gần đây, tháng 9 năm 2019 hội đã tổ chức đi thực tế sáng tác tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Đông đảo nhà văn tham gia như Kim Chuông, Tô Ngọc Thạch, Lưu Văn Khuê, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Đức Trí, Vũ Trọng Thái…
Câu lạc bộ thơ Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng được thành lập đến nay vừa tròn 30 năm. CLB đã thực sự trở thành tụ điểm sinh hoạt thơ ca hàng đầu dành cho người lao động đất cảng. Bên cạnh đó, cách đây gần hai năm, CLB thơ người lao động Hải Phòng được thành lập và đã sinh hoạt nề nếp, quy tụ những người lao động trong thành phố có cùng chung niềm đam mê thơ ca. Ngoài việc truyền cảm hứng sáng tác, CLB còn là bà đỡ cho không ít tác phẩm thơ ra đời. Từ những câu lạc bộ như thế này có điều kiện phát hiện và bồi dưỡng những cây bút mới viết văn làm thơ về đề tài công nhân và người lao động ở Hải Phòng.
Đi qua một thời ngợi ca tụng niệm, văn học về đề tài công nhân và người lao động hôm nay đã phản ánh trực diện những tâm tư, trăn trở  thậm chí những bức xúc, những điều nhậy cảm mà người lao động phải nếm trải, phải đối mặt với không ít góc khuất trong thực tiễn lao động sản xuất, cùng sinh hoạt đời thường hiện nay. Có được những trang văn này không phải dễ nhưng những tác phẩm ấy có được xã hội quan tâm? Câu chuyện để dẫn tới thực trạng văn học của Hải Phòng cũng như của cả nước. Sau khi những tiểu thuyết viết về Cảng Hải Phòng của tôi ra đời, tác giả Vũ Thúy Hồng hỏi, không sợ ban giám đốc thù à? Không sợ. Bởi tôi chắc chắn, ban giám đốc sẽ không có ai đọc sách văn học và nếu có vô tình đọc thì cũng cho rằng viết về ai đó, chẳng ai tự nhận cái xấu về mình.
Thực trạng thứ nhất, văn học nước nhà rất ít độc giả. Cái khó này không chỉ phía nhà văn có thể giải quyết được, nó đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội mà động lực thúc đẩy chính là các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền.
Đã lâu rồi, phong trào văn hóa văn nghệ nhất là lĩnh vực văn học của các cơ quan xí nghiệp tại Hải Phòng không được quan tâm. Cách đây hơn chục năm, phong trào thơ văn của Cảng Hải Phòng tuy không còn ở đỉnh cao nhưng vẫn thường xuyên được xới xáo bằng những cuộc thi sáng tác thơ văn và tiểu phẩm văn học với sự giúp đỡ thẩm định của Hội Nhà văn Hải Phòng. Vài tập hợp sáng tác của công nhân được xuất bản. Nhà máy ắc quy tia sáng cũng vậy, tác phẩm Tia sáng niềm thương tập hợp những sáng tác thơ của công nhân có chất lượng khá. Trong những tác phẩm ấy phát hiện ra những tác giả tiềm tàng, có những câu thơ đọng lại được với bạn đọc.
Con sóng nhỏ nghiêng nghiêng câu hát
Chàng cần trục khổng lồ chuyển vũ điệu không gian
                   (Thơ văn người công nhân Cảng)
Em có về cùng với tháng năm
Nghe nắng ngại ngùng trên phiến lá
E ấp vành môi chùm phượng vĩ
Ước mơ nào thắp sáng tuổi hai mươi
                       (Tia sáng mến thương)
Các tác giả này mãi chỉ là tiềm tàng bởi không có cú hích nào tiếp theo để họ dấn thân vào cái nghiệp văn chương ít được quan tâm.
Thực trạng thứ hai đến từ chính nhà văn chúng ta. Đi, đọc, viết đó là tuyên ngôn của những người viết văn. Tuyên ngôn đó bây giờ nên viết ngược lại. Chúng ta viết bằng thứ trời đã phú cho ta một chút khả năng về cấu tạo ngôn từ để làm nên tác phẩm. Chúng ta bây giờ đọc không nhiều. Thực tế này chắc ai cũng thấy những chắc chẳng ai dám nhận mình lười đọc. Còn lười đi thì không nhận cũng không thể chối nổi vì ai cũng biết. Có đi thực tế sáng tác cũng chỉ cưỡi ô tô xem hoa và ngồi phòng lạnh nghe báo cáo. Tại mưu sinh còn khó khăn, cơm áo không đùa với khách thơ.
Tôi nhớ, ngày tập đoàn tầu thủy Vinashin còn đình đám, Hội Nhà văn có tổ chức đi thực tế nhà máy đóng tầu Nam Triệu. Sau chuyến đi là những bài bút kí, tùy bút ra đời. Những tác phẩm ấy có điểm chung là tụng ca. Cũng tại thời điểm ấy xuất hiện bài bút kí Trăn trở một miền quê của tác giả Nguyễn Thị Toàn trên báo Văn Nghệ “Người mới quen hỏi nhà tôi ở đâu, tôi mô tả khó hình dung nhưng khi nói tới địa danh… NAM TRIỆU thì họ đều “À, bọn tớ đã về đó viết..”. Mấy năm trước, hình ảnh ông giám đốc nhà máy giống như một huyền thoại. Họ thêu dệt, ca tụng….thôi thì đủ lời….. Nhưng hậu quả họ để lại thì vô cùng nan giải! Nhà máy giờ đây gần như tê liệt. Bao nhiêu diện tích bị bỏ hoang. Công nhân nghỉ việc ở nhà. Cũng không thể quay về nghề cũ. Ruộng không còn, sông bãi hết….” Tôi đưa ra so sánh này để đối chứng cho thực trạng đi sáng tác và những người trải qua thực tế.
Có mấy nhà văn bây giờ ra tận khu chuyển tải Hạ Long ba cùng với công nhân để có được tác phẩm như nhà thơ Nguyễn Viết Lãm với bài thơ Hạ Long, đêm bốc vác.  Có mấy ai như nhà văn Nguyên Hồng “Tôi ra bến Sáu kho. Tôi sang nhà máy xi măng … Tôi chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ …các bến ô tô tầu thủy…. Tôi đến tất cả các xóm ngõ nơi đi về đông đúc của phu phen thợ thuyền để nghe ngóng, hỏi han” (Bước đường viết văn) Chính khả năng đi sâu thâm nhập thực tế đã tạo nên chất liệu cho những trang văn của Nguyên Hồng lấp lánh sự sống dẫu đó là cuộc sống của những con người cần lao đầy mồ hôi và nước mắt.
Như tôi đã đề cập, văn học đề tài công nhân và người lao động là đề tài khó bởi nó yêu cầu người viết phải đi nhiều, trang bị cho mình vốn sống thực tế thì mới có tác phẩm hay. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, tài năng của người viết là yếu tố quan trọng. Mặc dù mở rộng biên độ để tìm thêm tác phẩm cho đề tài này nhưng ngay cả nơi vùng đất công nghiệp Hải Phòng, những tác phẩm đề tài công nhân và người lao động hiện nay vẫn còn thiếu và yếu.
Những thực trạng trên đây đều xuất phát từ đầu tư của xã hội cho sự phát triển văn học chưa được chú trọng. Thời nào hay thể chế nào thì văn chương nghệ thuật cũng do xã hội nuôi dưỡng, bởi nó là một trong những đứa con của “xã hội”. Sản phẩm văn chương nghệ thuật làm ra là trìu tượng, không thể so sánh tương đương với những giá trị hàng hóa khác. Tôi rất ấn tượng về giải pháp của nhà văn Văn Chinh trong bài tham luận tại hội thảo chuyên đề xã hội hóa của VHNT. Ông đưa ra giải pháp, cần có luật về xã hội hóa văn nghệ. Nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền nhận thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng và lợi ích cốt lõi của văn hóa nghệ thuật. Phải luật hóa cho trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, yêu cầu đóng góp kinh phí tài trợ cho văn nghệ, bởi “ông giầu được là nhờ thể chế, nhờ các dự án nhà nước dành cho”. Nhưng luật cũng cần các điều khoản nghiêm cấm nhận tài trợ hoặc tài trợ để định hướng thẩm mĩ nhằm quảng bá cho doanh nghiệp. Chi cho văn nghệ sĩ chân chính là chi cho lưu danh muôn thuở.
Với văn học đề tài công nhân và người lao động nếu định hướng theo giải pháp nêu trên thì càng thuận lợi. Bởi chúng ta có tổ chức công đoàn hoạt động ngay tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là giải pháp có tính lâu dài. Trước mắt, để ý tưởng Luật hóa văn hóa nghệ thuật thành hiện thực và để có tác phẩm có chiều sâu, đến được bạn đọc công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng phối hợp với các cấp công đoàn từ thành phố tới các cơ sở sản xuất tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng cho văn học đề tài công nhân và người lao động thường xuyên hơn, bằng hình thức đầu tư chuyên sâu cho những tác giả tiềm năng có những chuyến đi thực tế sáng tác tại cơ sở và nghiệm thu theo giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tác giả phải chịu trách nhiệm về giá trị tác phẩm của mình. Tức là nhà văn không phải viết cho xong hoặc viết không có định hướng rõ ràng, không phù hợp với thực tế đời sống người lao động, không phù hợp với thuần phong mĩ tục và lối sống con người Việt Nam. Những tác phẩm có chất lượng về nghệ thuật cũng như thiết thực cho đời sống người lao động, phải có hình thức quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin và phải được đến tận tay người công nhân bằng hình thức tọa đàm, giao lưu ngay tại cơ sở sản xuất. Các cuộc thi này cần có hình thức khuyến khích các tác giả trẻ, các tác giả không chuyên là người trực tiếp sản xuất. Những trại sáng tác do các doanh nghiệp tài trợ nhằm quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp đó vẫn cần thiết, bởi đây là hình thức maketing trong kinh tế thị trường hiện nay.
Các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng tuổi đời dưới 35 như Lê Trung Cường, Trần Ngọc Mỹ, Cù Thị Thương, Nguyễn Thị Thùy Linh nhưng đã có thành tựu trong lĩnh vực văn học như đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội..., Hội nhà Văn Hải Phòng nên giao cho ban nhà văn trẻ xây dựng kế hoạch cụ thể nhưng rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp lãnh đạo thành phố trong việc bồi dưỡng và phát huy tài năng những tác giả này và đồng thời tìm kiếm phát hiện những người có niềm đam mê, có khả năng về văn học trong quần chúng lao động. Một thế hệ nhà văn mới của nền văn chương Hải Phòng sẽ thực sự vươn cao nếu đầu tư đúng hướng
Nhà văn được nuôi dưỡng và rèn luyện trong cuộc sống lao động, để từ đó viết lên những tác phẩm văn học về người lao động, phục vụ cuộc sống lao động. Thực tiễn văn chương Hải Phòng bao năm qua đã chứng minh điều đó. Cuộc đời gian khó bao nhiêu thì có bấy nhiêu sự tri ân, khẳng định và tôn vinh những nhà văn viết về đề tài công nhân và người lao động.


                                                                                          Nguyễn Quốc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét