Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

VĂN HỌC ĐỀ TÀI CÔNG NHÂN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HẢI PHÒNG HIỆN NAY VÀ GIẢI PHÁP



Hải Phòng, mảnh đất của thợ thuyền. Những con người nơi đây lam lũ, oằn mình qua giông bão và khổ đau. Đó là lớp nhân vật đáng trân trọng trên những trang văn Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ. Hải Phòng hơn một thế kỉ qua là đô thị công nghiệp, với tiếng còi tầu rền vang trên dòng sông Cấm, với nhà máy xi măng ống khói vươn cao khát vọng, với những nhà máy cơ khí đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước như đóng dầu Bạch Đằng, cơ khí Duyên Hải... Con người Hải Phòng thì quả cảm, phóng khoáng nhưng cũng kiên gan những năm khói lửa chiến tranh. Những ai từng một lần qua Hải Phòng, đều có tâm trạng giống như tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi qua bài thơ “Nhớ”:
“Hải Phòng ơi đêm nay bỗng nhớ
Tiếng còi tầu sông Cấm chiều hôm”
Thi sĩ Lưu Quang Vũ, sau những năm tháng sống và gắn bó với Hải Phòng, đã vẽ lên bức tranh bằng thơ u buồn mà tuyệt đẹp về thành phố cảng bụi bặm của những người công nhân khuân vác, những thủy thủ tầu viễn dương yêu lao động cuồng nhiệt mê say trong bài thơ “Những người bạn khuân vác”. Ở trường ca Những người trên cửa biển nhà thơ kiêm nhạc sĩ đa tài Văn Cao cho người đọc thấy được cuộc sống của những người thợ thành phố Cảng khó nhọc với những câu thơ hay đến nao lòng.
“Mỗi người dân Hải Phòng thật kiếm ăn từ nhỏ
Mỗi người dân Hải Phòng đều biết đổ mồ hôi”
Lại nói về Nguyên Hồng, ông không chỉ có tác phẩm về người lao động Hải Phòng cho riêng mình mà ông còn là người thầy truyền thụ niềm đam mê và kiến thức nghề văn cho những nhà văn Hải Phòng xuất thân từ người thợ như Thanh Tùng, Đào Cảng, Trần Lưu, Thi Hoàng, Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Thụy Kha, Vũ Hữu Ái … Lớp nhà văn thời kì những năm khói lửa chiến tranh là những đại diện ưu tú không chỉ với văn học Hải Phòng mà còn là những người đặt viên gạch đầu tiên xây lên ngôi nhà của văn học đề tài công nhân và người lao động trên cả nước.
Trong bài thơ “Phố cửa biển”, Thanh Tùng có những câu thơ hừng hực chất thợ thuyền: Tôi bước lẫn những tấm lưng mồ hôi hầm hập/ Thấy mặn lòng, từng vết muối trắng vai ai
Bạn bè gọi Đào Cảng là “Nhà thơ của thợ”. Trong thơ ông hình ảnh những người thợ Việt Nam của một thời kì gian khổ nhưng đầy lạc quan vừa đánh giặc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thơ của Thi Hoàng trầm tư trong cái nhìn đầy triết luận: Mũi con tầu tinh anh như con mắt / Từ cửa sông này nhìn suốt đại dương  (Nhịp sóng)
Truyện dài Những người mở đường của Vũ Hữu Ái bằng những câu chữ đầy chất thơ tràn lên từ cuộc sống trẻ trung, từ những cảnh lao động dưới mưa rừng mù mịt, ăn cháo trong đêm bàn chuyện tương lai. Rồi một Trần Lưu với những câu đầy chất thợ. Một Nguyễn Tùng Linh tạc hình ảnh người thợ bằng những câu thơ vâm váp.
Trong những ngày đánh Mĩ, mỗi câu thơ, đoạn văn của đội ngũ nhà văn Hải Phòng đã tạo dựng được chân dung một thành phố cửa biển sừng sững với những người công nhân vai sắt chân đồng làm việc hết mình, sống hết mình.
Sau 1975, Hải Phòng cùng cả nước trăn trở những ngày đầu bước vào thời kì xây dựng nền kinh tế. Văn học công nhân và người lao động Hải Phòng giai đoạn này có phần như chững lại. Lẽ tự nhiên bởi các nhà văn lớp chống Mĩ tuổi đã cao, nội lực giảm sút, chỉ còn nhà thơ Thi Hoàng vẫn giữ được phong độ với trường ca Gọi nhau qua vách núi – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và những tập thơ giá trị khác. Lớp nhà văn mới hình thành. Lưu Văn Khuê lăn lộn với thực tiễn cuộc sống, gần đây ông có những tiểu thuyết về đề tài lịch sử như Mạc Đăng Dung hay Đấu trường sông nước viết về nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Phạm Ngà với những trang thơ chau chuốt, nồng nàn hơi thở cuộc sống công nghiệp, “Không gian sôi mãi tiếng ve sôi”. Trần Tự thực sự là một “nhà văn công nhân”. Câu chữ của ông gắn chặt với lao động, với máy móc, xe cộ, búa đe … thông qua những tiểu thuyết Miền khơi, Biển trắng, Giữa hai chiều gió… Từ thực tiễn đời sống người thợ của mình, Lương Văn Chi, Đinh Quyền, Huy Liệu, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Quý, Nguyễn Minh Dậu… dốc toàn tâm toàn lực lên những trang truyện ngắn về thân phận người lao động, cho ra đời những trang văn ngồn ngộn chi tiết đời thực của người công nhân thời kì xóa bỏ bao cấp, tiếp cận dần với cơ chế thị trường đầy khốc liệt.

KĨ THUẬT NÀO CHO GIÁO VIÊN


Những ngày gần đây, dư luận (cả chính thức và mạng xã hội) đang là những chiếc máy khoan làm việc hết công suất hòng bóc tách những vỉa tầng của ngành giáo dục. Từ việc lớn như thay sách giáo khoa cho phù hợp. Việc này dây dưa tới công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại khiến cho mũi khoan chiều nào cũng gặp phải đá rắn, tóe lửa. Người này chứng minh học theo công nghệ là ưu việt, lập tức người khác thì cho rằng còn nhiều bất cập, gây khó cho học sinh. Rồi chuyện lớn nữa như những dự án hàng nghìn tỉ của ngành giáo dục không mang lại hiệu quả. Có không ít người tuyên bố dự án ấy chỉ hơn trăm tỉ sẽ chuyển biến được. Có thật không, tại sao bộ giáo dục lại không lên tiếng về việc này? Vụn vặt hơn là chuyện thu chi đầu năm học. Nhưng nhiều năm chuyện này trở thành tiêu điểm hot thì năm nay các “thợ mỏ” không đào bới được là bao. Chủ đề hot những ngày gần đây là chuyện ứng xử của giáo viên. Nào là cô giáo cho học sinh tát bạn “hội đồng”. Rồi cô giáo mầm non “treo cổ học sinh lên cửa sổ” (đó là status của một vài “thần phây”). Rồi vụ bắt thầy giáo đền quần cho nữ học sinh. Vv và vv… Mọi “tội lỗi” đều nhắm tới cái đích giáo viên. Các cấp quản lí ngành giáo dục xử lí thế nào trong những sự vụ này? Họ đang ngủ gật. Và rồi, họ bỗng nghe thấy đám “thợ mỏ” reo lên khi đào ra một vỉa đạo đức của người làm nghề giáo. “Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường làm báo cáo, giải trình tường tận vụ việc gửi về phòng, gửi về địa phương. Chúng tôi sẽ tìm hiểu rõ ràng vụ việc”, họ giật mình quăng ra một văn bản in sẵn như vậy. Thế là họ vô can. Hậu quả, giáo viên làm giáo viên chịu. Người nhẹ thì đình chỉ dạy mươi ngày, người nặng thì trở thành tội phạm tới mức truy tố, cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra. Các cấp quản lí còn phải lo tầm vĩ mô. Tức là tìm phương pháp dậy cho trẻ thành tài. Mọi kĩ thuật tích cực trong cách dạy học được phát kiến mới (hay dập khuôn nước ngoài) được triển khai. Ở Tiểu học nào là: Kĩ thuật nhóm đôi, kĩ thuật nhóm bốn, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật XYZ …. được áp dụng. Và những bài giảng điện tử bắt buộc phải triển khai. Vậy những bộ phận cấu thành nên những kĩ thuật ấy có đồng bộ. Sĩ số một lớp quá đông, điều kiện vật chất thiếu thốn thì triển khai thế nào. Ví như, dạy giáo án điện tử mà máy tính, màn hình chiếu nhà trường không trang bị. Giáo viên phải làm gì? Huy động xã hội hóa bằng cách vận động đóng góp của phụ huynh. Phải dùng kĩ thuật “răn đe”. “Lớp khác có lớp mình không có, con cái học kém đừng trách” Phụ huynh hoảng, đóng ngay. Kĩ thuật thu của giáo viên phải giỏi không thì sẽ phạm phải tội lạm thu. Dính đến tài chính, tội to. Các cấp quản lí một năm đôi lần thanh tra. Kĩ thuật “chống chế” của giáo viên nào cũng giỏi nên xếp loại nhà trường chỉ có từ khá trở lên. Đẹp mặt cả đôi đường. Có trường hợp, trong giờ dạy mà đoàn thanh tra dự, cô giáo gọi học sinh trả lời câu hỏi. Học sinh trả lời, thưa cô không phải câu hỏi của em, em không trả lời được. Kĩ thuật “chống chế” của giáo viên này bị lỗi. Chuyện nhỏ, rút kinh nghiệm. Ngày trường tiểu học còn tổ chức thi học sinh giỏi các cấp, thường giải thưởng cao tập trung cố định vào một trường điểm (nhất là thi cấp quận). Trường khác muốn có giải thưởng thì giáo viên phải có kĩ thuật “tình báo”. Tức là bằng mọi nghiệp vụ, điều tra nhóm học sinh giỏi trường ấy học gì thì cho học sinh trường mình học theo. Hiệu quả tức thì. Còn nhiều kĩ thuật khác nữa, khoan đào cả ngày không hết. Những ngày này, giáo viên sợ phụ huynh học sinh như sợ cọp. Một trường hợp có thật. Hôm ấy, không phải ngày học, một học sinh nhà gần trường vào sân trường nô nghịch. Học sinh này có hành động quá hỗn hào với một vị phụ huynh vào trường đón con. Vị phụ huynh không kiềm chế được đã đánh học sinh này. Bảo vệ trường gọi điện cho cô chủ nhiệm và mẹ em học sinh. Cô chủ nhiệm mặc dù nhà xa nhưng cũng đến kịp thời đưa học sinh này đi bệnh viện. Trong khi đó, mẹ của em học sinh ở cách trường không xa nhưng vào tới bệnh viện thì bác sĩ đã sơ cứu xong. Em học sinh chỉ bị xây xước nhẹ nên được về nhà ngay, hôm sau vẫn đi học. Và cô giáo cùng ban giám hiệu cho rằng sự việc đã xong. Không xong. Hôm sau em học sinh nghỉ học không xin phép và mẹ em gọi điện cho ban giám hiệu trách mắng cô giáo chủ nhiệm và nhà trường vô trách nhiệm với học sinh và nhà trường đã để người ngoài vào trong trường đánh học sinh. Phụ huynh này đe, làm đơn tố cáo với cấp trên. Ngay lập tức nhà trường huy động tất cả các ban ngành đoàn thể đến hỏi thăm sức khỏe học sinh và xin lỗi gia đình. Cuối cùng trong buổi họp hội đồng các thầy cô thở dài nhẹ người, may quá nhà ấy chỉ dọa. Bây giờ, không ít các thầy cô ra kế sách, kệ chúng nó (học sinh) muốn làm gì thì làm, thành người hay không cũng chẳng liên quan gì tới mình. Kế sách này mà thực thi rộng rãi thì ít năm nữa lớp trẻ bây giờ sẽ trưởng thành ra sao, ngành giáo dục có nghĩ tới. Dạy học, việc quan trọng nhất là dạy làm người. Tiêu chí ngành giáo dục đề ra là vậy. Nhưng thực hiện đến đâu? Đã có cuộc thi đánh giá mức độ truyền thụ của giáo viên và mức độ tiếp thu của học sinh về kiến thức làm người chưa? Những sự vụ trong những ngày qua lỗi tại đâu? Tại sao không có một buổi hội thảo tìm cho phải lẽ.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

MỘ ĐÁ NGANG LƯNG TRỜI –SỰ KHỐC LIỆT KHÔNG DỪNG NƠI CHIẾN TUYẾN



Đặng Thị Thúy

Mộ đá ngang lưng trờilà cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2018 của Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng. Cuốn sách được viết lên bằng chính ký ức của anh và đồng đội– những người đã “từng có hơn ba năm nằm hầm, nằm hang, chốt giữ đường biên giới với nhau”, cùng kề vai sát cánh bên nhau để chiến đấu chống quân xâm lược, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong cuộc chiến tranh biên giới tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang hơn ba mươi năm trước.
Câu chuyệnđược mở đầu bằng chi tiết thực tại, khi tác giả thoáng bắt gặp bóng dáng người bạn chiến đấu,thoắt hiện ra rồi lại thoắt mất hút trên hè phố nườm nượp người lại qua. Hỏi thăm để tìm thì không ai biết. Không biết bởi giữa bao bộn bề hối hả của cuộc mưu sinh này, chẳng ai có thời gian để mà quan tâm đến một kẻ “trông như thằng nghiện”, dẫu có biện  minh rằng anh ta là  “lính chiến” thì cũng chẳng ai tin,bởi giữa thời bình này, tuổi trẻ như thế ấy thì biết gì đến chiến tranh với chiến đấu mà gọi là lính chiến. Cái chi tiết tìm người bạn chiến đấu (người mà sau này được đặt tên là Hoàng “dở” trong truyện) đã làm cho người đọc bị kích thích trí tò mò ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Và phải đến tận khi đọc hết toàn bộ cuốn sách rồi, người ta mới hiểu rằng, đó hoặc là chi tiết không có thật, hoặc là do tác giả bị ám ảnh quá sâu sắc từ ký ức khốc liệt của cuộc chiến mà “nhìn gà hóa cuốc”.
Toàn bộ câu chuyện là sự hồi tưởng. Sự hồi tưởng bắt đầu bằng tiếng nổ, tiếp diễn bằng tiếng nổ và kết thúc cũng bằng tiếng nổ. Đầu tiên là loạt tiếng nổ chát chúa, dồn dập vang lên giữa đêm tối mịt mùng khi chuyến xe tải quân chưa lên tới làng Ping. Bất ngờ đến nỗi Huy còn không kịp nhận biết nó là tiếng gì, nó phát ra từ đâu. Nhưng Huy biết chắc rằng chúng không phải là tiếng sấm rền của một trận bão biển, sự rung chuyển không phải là những lắc lư chao đảo giữa các đợt sóng lừng mà anh từng trải qua trong những tháng ngày đi tàu vượt đai dương. Từng loạt “tiếng nổ trồi từ dưới lòng đất lên” cùng sự rung chuyển và đá bay rào rào mãi mới khiến Huy kịp hiểu:đây là chiến trường của một cuộc chiến thực sự. Những tiếng nổ dày đặc với tần suất, âm thanh khác nhau vang lên suốt chiều dài của câu chuyện và theo diễn tiến của các trận đánh. Ròng rã ngày qua ngày, đêm nối đêm cùng đồng đội quần thảo với giặc trên các điểm cao, Huy dần phân biệt tiếng nổ nào là của vũ khí nào, nó phát ra từ đâu. Quen và nhạy đến mức, cả khi xuất ngũ về nhà rồi, nghe tiếng nổ bất ngờ vang lên, Huy còn giật bắn, lao qua người bố và nhận biết ngay đó là bộc phá. Những tiếng nổ trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với nhân vật trong truyện mà còn với cả người đọc. Bởi vì, cho đến tận cuối truyện, khi thời gian đã trôi qua đến mấy chục năm rồi, Huy vẫn còn bị ám ảnh mãi. Đấy là khi nghe tiếng nổ, không phải tiếng đạn pháo của trận chiến mà là tiếng nổ tưng bừng của pháo hoa mừng ngày lễ, thì thay vì nó mang đến cho Huy cảm giác hân hoan vui vẻ như bao người thì nó lại gợi nhớ trong anh ký ức về cuộc chiến. Nólàm cho anh khóc, càng cố kìm nén thì nén thì nước mắt càng trào ra. Và nó cũng khiến cho độc giả khi đọc đến đoạn đó cũng không khỏi cay mắt, nghẹn lòng.
Cuộc chiến được hồi tưởng trong câu chuyện chính là cuộc chiến vệ quốc trên chiến trường Hà Giangnhững năm 1979 – 1984. Ấy là một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt. Sự khốc liệt được miêu tả một cách rõ nét qua từng trang viết. Nó cho ta thấy toàn cảnh của một chiến trường với tầng tầng lớp lớp đạn nã, pháo vây. Chiến trường là những vách đá cheo leo sắc nhọn và những trận chiến đấu ác liệt. Mục tiêu là giành lại các điểm cao. Loạt người này xông lên, pháo dập ngã xuống, loạt khác lại xông lên. Khốc liệt đến nỗi “Những thân hình của đồng đội bị quét đổ sập xuống. Một làn đạn như chiếc cưa phạt đổ những thân cây”, vì thế mà “đại đội được bổ sung mười tám lính Hải Phòng thì nay còn có bốn”. Vì thế mà “Ra đi một đại đội, trở về vẻn vẹn còn có hơn một tiểu đội”. Khốc liệt đến nỗi những bữa ăn tranh thủ cũng bị gián đoạn. Cả nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người bạn gái yêu mà chưa kịp ngỏ lời cũng bị gián đoạn bởi những loạt đạn pháo liên hồi. Những nhớ nhung ấy cũng chỉ thoạt đến chớp nhoáng như để tìm sự cân bằng về tâm lý, để xua đi những ám ảnh về sự chết chóc đang bủa vây:người thì bị đạn xé toác lồng ngực, người thì thân xác bị đạn xé nát, người bị mảnh pháo phạt mất nửa mặt,có người hy sinh rồi mà đồng đội chỉ còn tìm thấy một cánh tay, và có cả những người, sau loạt đạn pháo thì không còn gì nữa. Máu chảy thấm xuống làm nhão cả đất. Sau những trận huyết chiến, những người lính sống sót tìm kiếm đồng đội đã hy sinh của mình, nhưng cả tuần “cũng chỉ mang về được một tử sỹ nguyên vẹn hình hài, còn đâu là mấy túi ni lông chẳng biết thi thể của ai”.Họ đành chôn chung những người đó vào một chỗ “Lính tráng với nhau cả, nằm chung hầm, chung hang, chung giường với nhau quen rồi”.Nếu có ai chưa từng nghe, chưa từng biết về những tháng ngày khốc liệt trên chiến trường Vị Xuyên năm ấy, thì câu chuyện này chính là mộtcuốn phim chân thực giúp họ hiểu, mường tượng về nó một cách cụ thể và rõ ràng.