Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

NHỌC NHẰN CÕNG CHỮ Đọc tập thơ: Địu chữ qua Cổng Trời của Hoài Khánh, NXB Kim Đồng – 2019






Văn học cho thiếu nhi từ xưa đến nay vẫn là một bộ phận không thể thiếu trong nền văn học của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Với trẻ em Việt Nam, những cái tên đã trở nên quen thuộcnhư Trần Đăng Khoa, Võ Quảng, Phạm Hổ …,đó là những nhà thơdành nhiều tâm huyết sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhibằng những vần thơ ngộ nghĩnh, các định nghĩa về sự vật hiện tượng xung quanh đáng yêu. Trong dòng chảy văn học này còn không ít những nhà thơ khát vọng đến cháy lòng muốn làm bạn với trẻ thơ thông qua tác phẩm của mình như Phạm Đình Ân, Vũ Duy Chu, Thanh Hào … Và trong số đó, nhà thơ Hoài Khánh cần phải nhắc tới là một trong những cây bút kiên định con đường thơ dành cho thiếu nhi.Đến nay, anh đã là tác giả của 5 tập thơ: BÉ KIM GIÂY- Nhà xuất bản Hải Phòng năm 1991- TIA NẮNG XANH- Nhà xuất bản Hải Phòng năm 1996 - TRĂNG TREO GIỮA NHÀ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2004 - DẮT BIỂN LÊN TRỜI - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2012, tái bản năm 2015 và mới nhất là tập thơ - ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2019 .
Với tập thơ DẮT BIỂN LÊN TRỜI thì thế giới trẻ thơ của Hoài Khánh là những bước nhẩy chân sáo trên con đường làng hay chung chiêng trên con sóng cùng dắt biển vào lớp học.
Từ làng chài vào lớp
Đường nằm trong khoang thuyền
Bầy trẻ thơ đi học
Ngồi trên sóng chơi vơi
               (Đường ở đảo)
Tới tập thơ ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI đứa trẻ với dáng vẻ suy tư hơn. Nó ngồi chống tay vào cằm bên ô cửa đá và ngắm nhìn thế giới qua con mắt của mình. Nó ngắm nhìn đám bạn váy áo xập xòa/Gọi nhau địu chữ vượt qua cổng trời. Nó ngắm nhìnÔng mặt trời khó nhọc/ Đang leo dốc đằng xa, để rồi khám phá raVẫn có bao điều lạ / Từ sách hồng bước ra.Nhưng dù đứa trẻ ngắm nhìndưới hình thức nào thì thế giới qua mắt chúng vẫn là thế giới riêng dành chotrẻ thơ.
Như Tolstoi nói, văn chương cho trẻ em phải là ngày hội của các tư tưởng. Tư tưởng nhưng phải vui như hội. Với tập ĐỊU CHỮ QUA CỔNG TRỜI, nhà thơ dẫn các em nhỏ đi qua các khung trời cổ tích, thỏa thích ngắm nhìn, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và con người. Xuất phát từ miền địa đầu Tổ Quốc có con đường lên tới cổng trời, vùng đất có cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, bọn trẻ nhìn thấy Ai đến cổng trời mà xem/ Thăm thẳm chỗ nào cũng đánhưng ngướcnhìn lên những “Ông núi đá khù khì” bọn trẻ phát hiện raVầng trăng cao nguyên lạ quá/ Ngồi trên mỏm đá tai mèo.(Đêm phố cổ Đồng Văn), tớinhững bản Mường màđàn “trâu cõng chiều về bản” . Khi qua thác Bản Giốc bọn trẻ trầm tưgiữaBốn bề xanh tĩnh lặng / Thác đổ như ngựa lồng. Đi qua vùng núi Tam Đảocó “Cả ba ngọn núi/ Lụ khụ lì khì”Dưới con mắt của nhà thơ cũng là con mắt trẻ thơ, con suối, nương ngô, ngọn núi bỗng bất ngờ chuyển mình trở thành người bạn thân thương, gần gũi.
Suối thung tha thung thăng
Khiến nương ngô thao thức
Cụ núi chừng rạo rực
Nhẩm hát lời lá xanh
            (Trăng núi)

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

MỘ ĐÁ NGANG LƯNG TRỜI – SỰ KHỐC LIỆT KHÔNG DỪNG NƠI CHIẾN TUYẾN - Đặng Thị Thúy



Mộ đá ngang lưng trời là cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2018 của Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng. Cuốn sách được viết lên bằng chính ký ức của anh và đồng đội– những người đã “từng có hơn ba năm nằm hầm, nằm hang, chốt giữ đường biên giới với nhau”, cùng kề vai sát cánh bên nhau để chiến đấu chống quân xâm lược, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong cuộc chiến tranh biên giới tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang hơn ba mươi năm trước.
Câu chuyệnđược mở đầu bằng chi tiết thực tại, khi tác giả thoáng bắt gặp bóng dáng người bạn chiến đấu,thoắt hiện ra rồi lại thoắt mất hút trên hè phố nườm nượp người lại qua. Hỏi thăm để tìm thì không ai biết. Không biết bởi giữa bao bộn bề hối hả của cuộc mưu sinh này, chẳng ai có thời gian để mà quan tâm đến một kẻ “trông như thằng nghiện”, dẫu có biện  minh rằng anh ta là  “lính chiến” thì cũng chẳng ai tin,bởi giữa thời bình này, tuổi trẻ như thế ấy thì biết gì đến chiến tranh với chiến đấu mà gọi là lính chiến. Cái chi tiết tìm người bạn chiến đấu (người mà sau này được đặt tên là Hoàng “dở” trong truyện) đã làm cho người đọc bị kích thích trí tò mò ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Và phải đến tận khi đọc hết toàn bộ cuốn sách rồi, người ta mới hiểu rằng, đó hoặc là chi tiết không có thật, hoặc do tác giả bị ám ảnh quá sâu sắc từ ký ức khốc liệt của cuộc chiến mà “nhìn gà hóa cuốc”.
Toàn bộ câu chuyện là sự hồi tưởng. Sự hồi tưởng bắt đầu bằng tiếng nổ, tiếp diễn bằng tiếng nổ và kết thúc cũng bằng tiếng nổ. Đầu tiên là loạt tiếng nổ chát chúa, dồn dập vang lên giữa đêm tối mịt mùng khi chuyến xe tải quân chưa lên tới làng Ping. Bất ngờ đến nỗi Huy còn không kịp nhận biết nó là tiếng gì, nó phát ra từ đâu. Nhưng Huy biết chắc rằng chúng không phải là tiếng sấm rền của một trận bão biển, sự rung chuyển không phải là những lắc lư chao đảo giữa các đợt sóng lừng mà anh từng trải qua trong những tháng ngày đi tàu vượt đai dương. Từng loạt “tiếng nổ trồi từ dưới lòng đất lên” cùng sự rung chuyển và đá bay rào rào mãi mới khiến Huy kịp hiểu:đây là chiến trường của một cuộc chiến thực sự. Những tiếng nổ dày đặc với tần suất, âm thanh khác nhau vang lên suốt chiều dài của câu chuyện và theo diễn tiến của các trận đánh. Ròng rã ngày qua ngày, đêm nối đêm cùng đồng đội quần thảo với giặc trên các điểm cao, Huy dần phân biệt tiếng nổ nào là của vũ khí nào, nó phát ra từ đâu. Quen và nhạy đến mức, cả khi xuất ngũ về nhà rồi, nghe tiếng nổ bất ngờ vang lên, Huy còn giật bắn, lao qua người bố và nhận biết ngay đó là bộc phá. Những tiếng nổ trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với nhân vật trong truyện mà còn với cả người đọc. Bởi vì, cho đến tận cuối truyện, khi thời gian đã trôi qua đến mấy chục năm rồi, Huy vẫn còn bị ám ảnh mãi. Đấy là khi nghe tiếng nổ, không phải tiếng đạn pháo của trận chiến mà là tiếng nổ tưng bừng của pháo hoa mừng ngày lễ, thì thay vì nó mang đến cho Huy cảm giác hân hoan vui vẻ như bao người thì nó lại gợi nhớ trong anh ký ức về cuộc chiến. Nólàm cho anh khóc, càng cố kìm nén thì nén thì nước mắt càng trào ra. Và nó cũng khiến cho độc giả khi đọc đến đoạn đó cũng không khỏi cay mắt, nghẹn lòng.
Cuộc chiến được hồi tưởng trong câu chuyện chính là cuộc chiến vệ quốc trên chiến trường Hà Giangnhững năm 1979 – 1984. Ấy là một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt. Sự khốc liệt được miêu tả một cách rõ nét qua từng trang viết. Nó cho ta thấy toàn cảnh của một chiến trường với tầng tầng lớp lớp đạn nã, pháo vây. Chiến trường là những vách đá cheo leo sắc nhọn và những trận chiến đấu ác liệt. Mục tiêu là giành lại các điểm cao. Loạt người này xông lên, pháo dập ngã xuống, loạt khác lại xông lên. Khốc liệt đến nỗi “Những thân hình của đồng đội bị quét đổ sập xuống. Một làn đạn như chiếc cưa phạt đổ những thân cây”, vì thế mà “đại đội được bổ sung mười tám lính Hải Phòng thì nay còn có bốn”. Vì thế mà “Ra đi một đại đội, trở về vẻn vẹn còn có hơn một tiểu đội”. Khốc liệt đến nỗi những bữa ăn tranh thủ cũng bị gián đoạn. Cả nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người bạn gái yêu mà chưa kịp ngỏ lời cũng bị gián đoạn bởi những loạt đạn pháo liên hồi. Những nhớ nhung ấy cũng chỉ thoạt đến chớp nhoáng như để tìm sự cân bằng về tâm lý, để xua đi những ám ảnh về sự chết chóc đang bủa vây:người thì bị đạn xé toác lồng ngực, người thì thân xác bị đạn xé nát, người bị mảnh pháo phạt mất nửa mặt,có người hy sinh rồi mà đồng đội chỉ còn tìm thấy một cánh tay, và có cả những người, sau loạt đạn pháo thì không còn gì nữa. Máu chảy thấm xuống làm nhão cả đất. Sau những trận huyết chiến, những người lính sống sót tìm kiếm đồng đội đã hy sinh của mình, nhưng cả tuần “cũng chỉ mang về được một tử sỹ nguyên vẹn hình hài, còn đâu là mấy túi ni lông chẳng biết thi thể của ai”.Họ đành chôn chung những người đó vào một chỗ “Lính tráng với nhau cả, nằm chung hầm, chung hang, chung giường với nhau quen rồi”.Nếu có ai chưa từng nghe, chưa từng biết về những tháng ngày khốc liệt trên chiến trường Vị Xuyên năm ấy, thì câu chuyện này chính là mộtcuốn phim chân thực giúp họ hiểu, mường tượng về nó một cách cụ thể và rõ ràng. 
Tôi thích cách miêu tả và khắc họa nhân vật của Nguyễn Quốc Hùng. Thông qua việc miêu tả nhân vật chủ yếu qua hành động, khai thác diễn biến tâm lý của nhân vật trong từng tình huống cụ thể và theo diễn tiến ác liệt của cuộc chiến, anh đã lần lượt để người đọc tiếp cận với các nhân vật và hiểu cuộc đời của họ một cách tự nhiên nhất. Hoàng “dở” là một người vốn có tiền sử bệnh tâm thần, tính nhát, sợ manhưng vẫn bị bố và cán bộ phường bắt phải đi nghĩa vụ quân sự. Lúc mới lên chiến trường, lúc nào cũng bám chặt Huy “như đứa trẻ sợ lạc mẹ khi đến một nơi xa lạ, nguy hiểm”. Thế rồi, những trận đánh khiến Hoàng dần khôn ngoan, nhanh nhẹn và biến anh thành một người lính anh dũng, can trường. May mắn trở về từ cuộc chiến, trước khi rời trận địa, Hoàng đã quỳ xuống vái tám mươi tư vái từ biệt những đồng đội cùng trung đoàn với mình, những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi ấy.
Huy –nhân vật chính của truyện-  được tác giả khai thác và miêu tả qua diễn biến tâm lý rõ nét nhất. Huy cũng như những chàng trai Hải Phòng khác, nhập ngũ với mục đích là thực hiện nghĩa vụ quân sự của một thanh niên giữa thời bình, rèn luyện trong quân ngũ 3 năm rồi quay về tiếp tục làm thủy thủ hoặc làm công nhân. Nhưng sau thời gian huấn luyện, anh cùng mọi người mới biết là Hà Giang đang có biến và họ được lệnh điều động lên chiến tuyến. Đến lúc ấy, họ mới biết mình sắp trực tiếp tham gia vàonhững trận đánh ác liệt mà những chàng trai ra đi từ một thành phố đang yên bình không bao giờ ngờ tới. Huy sợ chiến tranh, ngay từ lúc biết tin này, Huy đã hoang mang, có ý định đào ngũ. Một người có thân thế như anh, có đào ngũ cũng không sao vì đã có người lo cho êm thấm. Nhưng Huy đã không quay lại. Lý do để anh không quay lại lúc đầu chỉ đơn giản bởi sỹ diện của một thằng đàn ông: “v bây giờ người ta cười cho”. Sau đó, anh thêm một lý dođể không quay lại làvì tò mò, vì muốn chứng kiến tận mắt cuộc chiến trên kia xem có giống như miêu tả trong tiểu thuyết. Nhưng càng tiến sâu vào trận địa, Huy càng bị cuốn vào từng trận đánh. Trực tiếp đối mặt với kẻ thù, đối mặt từng giây với cái chết cận kề, động lực thúc giục Huy chiến đấu chính là bản năng sinh tồn của con người “phải tiến để giành giật lấy sự sống còn. Quay lại là chết”. Rồi Huy chứng kiến sự lần lượt hy sinh của rất nhiều đồng đội, lúc này, điều khiến anh không cho phép mình quay lại chính là tình yêu thương, sự gắn bó và trách nhiệm với đồng đội của mình. Trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: từ sợ hãi, đau đớn, phẫn nộ đến căm thù, để rồi cuối cùng, Huy xông lên chiến đấu quyết liệt, can trường với quân xâm lược bằng tất cả sức mạnh có được từ sự căm thù chúng, bằng danh dự của người lính và lòng yêu nước,tự tôn dân tộc của mình. “Mặt đối mặt với kẻ thù, chính là lúc ý thức dân tộc của con người phát tiết ra mạnh nhất”, đấy chính là sự lý giải của Huy trước hành động quyết tử của Cường:ôm bộc phá đặt tận nơi để phá tan lá cờ mà tên giặc quyết tử xông lên cắm trên vách đá, “lá cờ như một mũi dao nhuốm máu xiên vào bầu trời xám”. Và cũng chính ý thức dân tộc đã thôi thúcHuy và những đồng đội của mình chiến đấu anh dũng, “sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng với quyết tâm, một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc cũng không thể để mất”. Huy đã cùng đồng đội của mình sống trọn với lời thề “sống bám đá, chết bám đá thành bất tử”. Có thể nói, tính cách và những diễn biến tâm lý của nhân vật Huy đã được tác giả xây dựng mang những nét đặc trưng tiêu biểu của những chàng trai Hải Phòng và những người lính của cuộc chiến tranh biên giới trong những năm tháng ấy.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Báo Hải Phòng (26-7-2019) TÔI CỐ GẮNG ĐỂ CÓ NÉN NHANG THƠM TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI




1- Được biết anh vừa trở về từ chuyến thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên. Đây cũng là bối cảnh chính để anh sáng tác nên tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời”. Cảm xúc của anh giờ này như thế nào?
- Được trở lại thăm chiến trường xưa, được thắp một nén nhang trên mộ những đồng đội đã quy tập và những nén nhang lên khe đá cho những đồng đội còn nằm đâu đó trên các triền núi, khe sâu không chỉ riêng tôi mà với tất cả những ai quan tâm tới những người anh hùng đã ngã xuống vì sự toàn vẹn của Tổ Quốc bao giờ cũng xúc động. Trong ngày giỗ trận năm nay, những người lính Vị Xuyên năm xưa được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân về tham dự càng khiến chúng tôi xúc động hơn vì sự hy sinh của chúng tôi ngày càng được nhà nước quan tâm hơn.
2- Trong tiểu thuyết của mình, anh nhắc nhiều tới những đồng đội hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa. Điều đặc biệt, anh chính là một trong những người lính trực tiếp có mặt trên chiến trường đó. Anh có thể chia sẻ quá trình sáng tác “Mộ đá ngang lưng trời”?
- Trong tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” tôi có giải thích vì sao, cuộc chiến đã kết thúc hơn ba mươi năm tôi mới viết được về chính mình, về những người đồng đội của tôi “Cuộc chiến tranh nào chẳng khốc liệt, chẳng bắn súng ném lựu đạn, chẳng gian khổ hy sinh. Viết cuộc chiến của mình không khéo người đọc lại nghĩ mình viết về đại chiến thế giới lần thứ hai.”
“Có thể từ chuyện bọn người đãi vàng này xây dựng nên một cốt truyện hấp dẫn, ma quái. Xu hướng văn chương bây giờ phần nhiều là thể hiện câu chuyện dưới những hình ảnh ma mị, quái đản hoặc về tâm linh, nhất là những cuốn viết về chiến tranh. Huy đã đọc những truyện như vậy viết về chính cuộc chiến Huy tham gia. Có hay, có hấp dẫn, có tính sáng tạo. Nhưng tác giả là người ngoài cuộc, còn Huy là người trực tiếp đổ xương đổ máu xuống mảnh đất biên cương này, thấy mình có tội nếu viết theo xu hướng ấy.”
Tôi đi tìm cái riêng của cuộc chiến tôi tham gia. Đó là, những người lính ngã xuống trong chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh thống nhất đất nước là vì lý tưởng cách mạng, còn chúng tôi, những người lính bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ Quốc đã vì danh dự của dân tộc mà xông lên. Và thời gian cũng khiến cho cái “cô đơn” của người trải qua chiến trận thấm sâu hơn vào huyết quản của mình.

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

TRỞ LẠI VỊ XUYÊN 2019




1- Được biết anh vừa trở về từ chuyến thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên. Đây cũng là bối cảnh chính để anh sáng tác nên tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời”. Cảm xúc của anh giờ này như thế nào?
- Được trở lại thăm chiến trường xưa, được thắp một nén nhang trên mộ những đồng đội đã quy tập và những nén nhang lên khe đá cho những đồng đội còn nằm đâu đó trên các triền núi, khe sâu không chỉ riêng tôi mà với tất cả những ai quan tâm tới những người anh hùng đã ngã xuống vì sự toàn vẹn của Tổ Quốc bao giờ cũng xúc động. Trong ngày giỗ trận năm nay, những người lính Vị Xuyên năm xưa được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân về tham dự càng khiến chúng tôi xúc động hơn vì sự hy sinh của chúng tôi ngày càng được nhà nước quan tâm hơn.
2- Trong tiểu thuyết của mình, anh nhắc nhiều tới những đồng đội hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa. Điều đặc biệt, anh chính là một trong những người lính trực tiếp có mặt trên chiến trường đó. Anh có thể chia sẻ quá trình sáng tác “Mộ đá ngang lưng trời”?
- Trong tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” tôi có giải thích vì sao, cuộc chiến đã kết thúc hơn ba mươi năm tôi mới viết được về chính mình, về những người đồng đội của tôi “Cuộc chiến tranh nào chẳng khốc liệt, chẳng bắn súng ném lựu đạn, chẳng gian khổ hy sinh. Viết cuộc chiến của mình không khéo người đọc lại nghĩ mình viết về đại chiến thế giới lần thứ hai.”
“Có thể từ chuyện bọn người đãi vàng này xây dựng nên một cốt truyện hấp dẫn, ma quái. Xu hướng văn chương bây giờ phần nhiều là thể hiện câu chuyện dưới những hình ảnh ma mị, quái đản hoặc về tâm linh, nhất là những cuốn viết về chiến tranh. Huy đã đọc những truyện như vậy viết về chính cuộc chiến Huy tham gia. Có hay, có hấp dẫn, có tính sáng tạo. Nhưng tác giả là người ngoài cuộc, còn Huy là người trực tiếp đổ xương đổ máu xuống mảnh đất biên cương này, thấy mình có tội nếu viết theo xu hướng ấy.”
Tôi đi tìm cái riêng của cuộc chiến tôi tham gia. Đó là, những người lính ngã xuống trong chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh thống nhất đất nước là vì lý tưởng cách mạng, còn chúng tôi, những người lính bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ Quốc đã vì danh dự của dân tộc mà xông lên. Và thời gian cũng khiến cho cái “cô đơn” của người trải qua chiến trận thấm sâu hơn vào huyết quản của mình.
3- Không ít nhà văn chưa từng có mặt trong các cuộc chiến cũng lựa chọn đề tài về chiến tranh và những tuyến nhân vật là người lính, thương binh, liệt sĩ. Cảm nhận của anh về những sáng tác đó? Việc lựa chọn đề tài mà mình chưa trải qua kinh nghiệm có phải là lựa chọn khó khăn với những nhà văn?
- Khó khăn hay không là do tâm huyết của nhà văn với đề tài mình theo đuổi. Tác phẩm có hay hay không là do tài năng của nhà văn. Ví dụ, Nguyễn Danh Dũng là một tác giả còn trẻ, chưa từng tham gia quân đội nhưng với truyện ngắn “Bóng anh hùng” viết về đề tài người lính khiến tôi xúc động. Với tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” của tôi, bạn đọc đánh giá như thế nào tôi cũng không làm cuộc khảo sát để tìm hiểu, chỉ biết rằng mình đã làm hết sức có thể để có một nén nhang thơm thắp cho đồng đội mình. Với những người trong cuộc, những người trực tiếp tham gia Mặt trận Vị Xuyên năm xưa đã vui mừng đón nhận tiểu thuyết và coi tôi như là một người đại diện nói hộ tấm lòng của họ. Có một vài cuộc tranh luận sôi nổi, vị trí ấy trong tiểu thuyết là ở chỗ này, chỗ kia, nhân vật này là ai. Có người làm ban thờ quãng đời lính của mình và trang trọng đặt cuốn tiểu thuyết của tôi trên đó xem như có linh hồn đồng đội mình.
4- Còn với những sáng tác về người lính, thương binh – liệt sĩ của các nhà văn Hải Phòng thì sao? Theo như chúng tôi được biết, có những nhà văn, nhà thơ Hải Phòng vẫn cần mẫn khai thác đề tài về người lính, về các cuộc kháng chiến. Anh có cảm nhận gì về những sáng tác ấy?
- Tác phẩm thực sự viết về người lính, thương binh – liệt sĩ của các nhà văn Hải Phòng ở thời điểm hiện tại không nhiều. Nhà văn Hoàng Thiềng cũng đã từng là người lính trải qua chiến tranh và ông cũng đã có một vài tác phẩm về đề tài này.
5- Nhiều người nhận định rằng, mảng đề tài về thương binh, liệt sĩ và những cựu chiến binh không chỉ khó thể hiện mà không còn gần gũi với bạn đọc trong giai đoạn hiện nay. Ý kiến cá nhân anh với vai trò một người cầm bút? Người sáng tác, nhất là những cây bút trẻ có nên lựa chọn đề tài này?
- Với cá nhân tôi, một người đã biết thế nào là khốc liệt của chiến tranh, biết thế nào là tình cảm sâu nặng của người lính may mắn thoát được lưỡi hái tử thần cũng rất mong lớp trẻ hiểu mình, đồng cảm với mình, cùng nói hộ mình bằng các tác phẩm văn học như nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Danh Dũng. Nhưng để có nhiều tác giả hơn nữa quan tâm tới đề tài này là một sự vượt khó vô cùng của cả xã hội chứ không riêng gì một mình Hội Nhà văn có thể làm được.
6- Nếu để đưa ra lời khuyên với công chúng yêu văn học, riêng với những sáng tác về thương binh, liệt sĩ và người lính, anh sẽ nói gì?
- Những tác phẩm viết về người lính qua các thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, công chúng đã rất quan tâm đón đọc và đánh giá cao những tác thời kì ấy như tiểu thuyết “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu …. Còn hiện nay, không chỉ có tác phẩm viết về người lính mà cả những đề tài khác nữa, lượng người đọc không nhiều, công chúng cũng không còn quan tâm tới văn học như trước đây. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân, có lẽ những nhà văn của chúng ta chưa có tác phẩm hay và công tác quảng bá văn học chưa được quan tâm như các loại hình nghệ thuật khác.


Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

SÔNG LÔ THÁNG BẨY (Tản văn)



Năm nào cũng thế, vào dịp tháng bẩy, bên cạnh dòng sông Lô có thêm một “dòng sông” mang sắc xanh áo lính chảy ngược lại từ dưới xuôi lên phía Hà Giang. Đó là “dòng sông” tạo bởi những cựu chiến binh đã tham gia mặt trận Vị Xuyên những năm 1984 – 1989 cùng nhau trở về miền kí ức, trở về thắp một nén nhang cho đồng đội, những người ngã xuống giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Sông Lô bây giờ không cuồn cuộn sắc đỏ phù sa như những năm tôi là người chiến sĩ giữ chốt nơi đây. Ngày ấy, đằm mình dưới dòng Lô lên là cả thân mình đỏ rực, lấp lánh hạt phù sa phản chiếu ánh mặt trời. Sông Lô bây giờ không mênh mông, chiều sâu không bí hiểm giống như hơn ba mươi năm trước. Một vài nhà hàng bên bờ sông bây giờ đang nằm trên dòng chảy ngày xưa.
Bên bờ sông Lô bây giờ không còn hàng cây gạo thẳng tắp, trang nghiêm như người lính đứng canh cho những ngôi mộ liệt sĩ trên những triền đồi được bình yên trong tiếng pháo ì ầm vọng về từ hướng đường biên.
Đâu rồi hiệu sách nhân dân ngày xưa, nơi tôi thường xuyên lui tới trong những ngày ở cứ, ngay đầu ngã tư Nguyễn Trãi – Trần Hưng Đạo, điểm đầu của con đường lên chốt. Lần nào ở hiệu sách ra, tôi cũng tới đứng trên cầu Yên Biên nhìn hàng tre bên bờ sông Lô và đắm trong nỗi nhớ nhà. Những cuốn sách tôi mua ngày ấy còn đến bây giờ.
Đâu rồi cửa hàng tuyến lửa, nơi tôi cùng thằng Thuấn quê Nghệ Tĩnh vào mua hai mươi đồng bánh rán khiến các chị mậu dịch viên ngạc nhiên, hai anh ăn hết từng đây á. Không tiêu hết tiền sợ ngày mai không được tiêu nữa, có no cũng phải cố, sợ không có ngày xuống để được ăn bánh rán.
Căn nhà nhỏ của bưu điện Hà Giang ngày xưa thì tuyệt nhiên không thể nhận ra ở vị trí nào. Nơi đó, tôi đã gửi không ít những bức thư không dán tem, thay vào đó là dòng chữ trên phong bì “điều kiện lính chốt không có tem, nhờ bưu điện chuyển dùm”. Những bức thư là sợi dây tình cảm của người lính chốt với người thân đã được bưu điện Hà Giang kết nối đều đặn.
Con đường lên biên bây giờ rộng thênh. Tôi tìm tiếng sông Lô rì rào ngày xưa mỗi khi qua đây đều nghe thấy. Bây giờ chỉ thấy tiếng gió ào ào bên ô cửa xe.
Ngã ba Cửa Tử đây, Thung lũng gọi hồn kia. 812 cùng Coóc Nghè lẩn sau sương mù. Cầu sập, hang Dơi, hang Làng lò không giống ngày xưa. Không còn bầm dập, tan hoang vì cối pháo cày xới.
Đôi chân thong thả, lần tìm. Vị trí nào mình đã qua. Người lính năm xưa lạc ngay tại nơi hơn ba mươi năm trước mình đã phải gồng mình giành giật sự sống từng giây từng phút. Tại?
Tại sông Lô bây giờ không cuộn cuộn sắc đỏ. Tại suối Thanh Thủy không còn sâu như ngày ấy. Tại con suối trong xanh chảy trong lòng hang Làng Lò, hai bên là bờ cát không còn. Tiếc nhất là tầng hai của hang Làng Lò cũng không còn. Tại ….!
Còn cả tại ngày ấy đạn pháo tơi bời, có kịp định thần quan sát địa hình địa vật quanh mình đâu. Buổi hành quân hôm ấy, chúng tôi đi trong đêm tối mịt mùng, tay giơ trước mặt không thấy. Mưa tầm tã. Lần đầu trong đời đi qua đây vậy mà trước mặt, sau lưng mình không thấy ai, không người dẫn lối. Phía đồi bên, những đường đạn đỏ lừ, vặn mình găm vào trời đêm. Tiếng nổ chui sâu xuống lòng đất, ùng ục như mắc nghẹn. Khi nghe thấy tiếng người, dừng lại cũng đúng là nơi tập kết của đơn vị. Tôi gọi đó là linh giác của người lính dẫn đường.
Cái gì còn, cái gì mất! Hiệu sách nhân dân không còn nhưng những cuốn sách tôi mua ngày ấy vẫn còn tuy đã ố vàng, sờn gáy. Hang Làng Lò còn nhưng không “đẹp” như ngày xưa bởi không còn con suối chảy giữa lòng, không còn tầng hai. Những điểm cao trắng màu đá không còn vì màu xanh đã trở lại, phủ đầy. Sông Lô không còn cuồn cuộn sắc đỏ phù sa nhưng bây giờ có thêm “dòng sông” mang sắc xanh áo lính chảy ngược lại vào dịp tháng bẩy. Trở lại bên đài hương 468 nhìn về 772 và 685 tôi nhẩm đếm cái còn cái mất. Bên ấy, đồng đội tôi chưa quy tập được về, tuy đã hơn ba mươi năm nhưng tôi tin vẫn còn! Xương cốt đồng đội tôi hóa thành đá vun dưới chân cột mốc đường biên. Đá là vĩnh cửu.


Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI LÍNH VỊ XUYÊN



Những trận chiến ác liệt với chúng tôi, những người lính Vị Xuyên đã qua hơn ba mươi năm. Mọi người hay dùng câu “ám ảnh về cuộc chiến” hay “kí ức về một thời hoa lửa” để biểu đạt cho cảm xúc của người lính sau chiến tranh. Nhưng với tôi và tôi cũng chắc rằng không ít những đồng đội khác thì những từ ngữ đó như là chưa diễn đạt hết nỗi lòng. Tôi dùng hình ảnh so sánh như thế này, một con người luôn phải mang vác trên vai những hành trang cần thiết cho quãng đường đời của mình. Những thứ đồ ấy có thể phải bỏ lại để mình đi chặng tiếp. Những thứ đồ bỏ lại ấy được nhớ lại, được kể lại thông qua những kí ức, những ám ảnh, có sâu nặng hay không tùy thuộc vào cảm xúc mình trải qua quãng đường đời ấy. Còn hành trang trên vai ba năm mà người lính giữ đất Vị Xuyên mang vác thì đến giờ vẫn còn nặng trên vai, chưa thể bỏ xuống được, vẫn song hành cùng tôi. Cảm xúc của những trận chiến, những gian khổ hy sinh bị dồn nén đến cùng cực, để rồi từ một trạng thái tinh thần đã chuyển sang khối vật chất đè nặng lên vai người lính trở về.
Đã là chiến tranh, dù lớn hay nhỏ cũng cùng chung một đặc thù, đó là hy sinh mất mát. “Đồi thịt băm” – Đồi 772. “Lò vôi thế kỉ” – Cao điểm 685. “Cửa tử” – Ngã ba Thanh Thủy…. Còn nhiều địa danh khác nữa, chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ cho ta thấy sự khắc nghiệt của mặt trận Vị Xuyên. Bỗng nghe ai đó nhắc tới một cái tên cùng tên với đồng đội ngã xuống cũng khiến tôi nao lòng. Những lần xem bắn pháo hoa, khi tiếng đầu nòng phát ra thì không khác gì một trận cối 60 sắp chụp xuống mình năm xưa. Cố kìm cũng không ngăn nổi những hàng nước mắt tràn ra. Nhiều ngày rên rĩ tiếng đạn pháo khiến những người lính Vị Xuyên phải mang âm thanh ấy đến tận bây giờ. Nhân ngày kỉ niệm 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc, cố gạt đi những câu chuyện hy sinh mất mát, tôi muốn kể lại những chuyện vui vui một chút cho nhẹ lòng.
- Mặc dù đã hơn ba tháng thao trường, cũng làm quen với đồi dốc nhưng lần đầu tiên lên chốt, cao điểm 812, leo được lưng chừng thì cơ bắp tôi nhão ra như nắm bông gặp nước. Phải chống tay xuống bò như con thú bốn chân. Đơn vị lên đỉnh, củng cố hầm hào công sự xong, không thấy hai thằng lính phố đâu mới cho người xuống đón.
- Thằng Đạo quê Vĩnh Phú, lần đầu lên 812, gặp pháo, nó nhao vào hầm nhưng ngồi ngoài. Thằng Bình ngồi trong đánh rắm, thằng Đạo tưởng pháo rít đẩy mọi người nhao tiếp vào trong. Vậy mà thằng Đạo không trở về. Nó hiền lắm.
- Đào hào trong nghìn mốt. Mưa tầm tã, 24/7. Mặc quần áo dính bết vào người khó chịu, lính mình khiêu khích ông trời bằng cách cũng 24/7 không quần áo. Sao ngày ấy không thằng nào nhìn thằng nào, cứ tự nhiên như được khoác bộ quần áo hoàng đế.
- Ngày ấy mình đã có ý định xem người lính nằm tránh pháo, tránh đạn thế nào, có giống phim không mà không thể thực hiện được.
- Một lần anh Ảm (người Thái), B trưởng 12 ly 7 ôm một bó “rau” đi qua hầm mình. Mọi người hỏi rau gì. Rau cải rừng (trông giống rau cải thật). Mọi người xin một ít nấu canh ăn. Hôm sau anh Ảm xuống hỏi, chúng mày vẫn sống à? Tao nhổ ở rừng, biết rau gì đâu. Ít ngày sau, chính anh Ảm cũng phải tìm thứ rau ấy để ăn (vì vận tải không lên được, cả tuần chỉ có muối trắng làm thức ăn)
- Cũng dạo ấy, chốt ở khe núi, chống đánh luồn sâu của địch nên có thể nấu ăn được. Hôm ấy 22 tháng 11 năm 1987, hầm mình kiếm được bữa rau rừng. Đang ăn chiều ở ngoài cửa hang (chắc khoảng 2 giờ, vì hôm ấy mù trời) thì bị pháo quây. Trận địa tan hoang. Sau trận pháo, nồi rau vẫn còn nguyên. Chỉ tội bụi đất hất vào không ít. Tiếc của, ngấy lên cho đất lắng xuống, ăn tiếp.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

HỌ ĐÃ CHIẾN ĐẤU VÌ DANH DỰ




Đề tài công nhân và người lao động vốn là thế mạnh quen thuộc và xuyên suốt quá trình sáng tác văn xuôi của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng và anh đã thu được thành công ít nhiều. Nhưng đến tiểu thuyết thứ năm của mình mang tên “Mộ đá ngang lưng trời”, Nguyễn Quốc Hùng lại rẽ sang một đề tài hoàn toàn khác­ – đó là đề tài chiến tranh và người lính. Cuốn tiểu thuyết này ra đời sau khi trận chiến Vị Xuyên kết thúc được ba mươi năm và cũng là quãng thời gian mà tác giả đã trực tiếp cầm súng nơi chiến trường này, trở về sống đời bình thường sau quân ngũ. Với anh, những kí ức vẫn còn vẹn nguyên, sự xúc động về tình đồng đội vẫn còn dồn nén trong tâm trí, đã thúc giục bản thân phải bày tỏ khúc bi tráng của chiến trường qua trang viết. Ai từng biết đến những trận đánh Vị Xuyên (Hà Giang), ai từng biến đến sự khốc liệt của địa danh từng được ví như “cối xay thịt” này, đọc cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng, hẳn khó cầm nước mắt.
Tiểu thuyết gồm 3 phần, mỗi phần đều có khúc Vĩ thanh riêng, liên kết và xuyên suốt. Tác giả dày công khắc họa hàng chục nhân vật lấy nguyên mẫu từ những người đồng đội, cùng nhau đi qua những cơn mưa rừng xối xả, những cơn bão đạn bỏng rát, những trận chiến bên bờ sinh – tử. Từng diễn biến tâm lý, sinh hoạt thường ngày của những người lính Vị Xuyên, từng phút từng giây của cuộc chiến được Nguyễn Quốc Hùng tường thuật lại khá chi tiết và chân thật, đến mức người đọc có cảm giác như đang cùng các chiến sĩ bấm chân trên những dốc núi trơn trượt, bết đất đỏ và còn có thể nghe thấy tiếng ầm của đạn, pháo, tiếng rung của đất núi và đá nơi biên giới Hà Giang ngày ấy. Ngay phần mở đầu, Nguyễn Quốc Hùng bộc bạch: “Tôi viết cuốn sách này bằng kí ức của tôi và của nhiều đồng đội khác.”. Chính là người trong cuộc nên tác giả giúp bạn đọc hiểu thấu đáo về cuộc sống, sinh hoạt và tư tưởng của người chiến sĩ trên mặt trận này. Những địa danh như “đồi thịt băm” hay “lò vôi thế kỉ” và nhiều cái tên khác mà những ai từng quan tâm tới mặt trận Vị Xuyên đã biết tới, nay thông qua cuốn tiểu thuyết, bằng những câu chuyện, những hình ảnh xác thực được tác giả phản ánh, bạn đọc lại thêm dịp có thể hiểu là tại sao có những cái tên nghe khủng khiếp như vậy.
Những chiến sĩ tham trận đánh Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 1984 – 1989 được nhà văn Nguyễn Quốc Hùng khắc họa qua tiểu thuyết Mộ đá ngang lưng trời với dáng vóc hiên ngang, khí phách kiên cường, đã vì danh dự mà hy sinh xương máu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của  Tổ quốc. Danh dự của con người, danh dự người chiến sĩ trên trận chiến này được tác giả nhiều lần nhắc tới. Tâm trạng của người lính trước khi vào trận chiến sinh tử động viên nhau: “– Sợ chứ. Ai chả sợ. Nhưng một khi chấp nhận là người lính tức là chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh, cái đấy nó át cái sợ đi thôi. Không biết ở tuổi cậu có thấy ấm ức trong lòng, còn cái danh dự nữa, nó vào cướp nhà mình thì mình phải chiến lại, có thấy thế không?
– Dạ!
– Danh dự đấy!”
Khi những người lính xung phong, quyết tử với kẻ thù, thì triết lý sống ấy thật giản dị như:“C trưởng nhìn đội hình đơn vị rồi hô to: – Vì danh dự, vì truyền thống của quân đội ta, tất cả anh em tiến lên!
Những bóng người bật dậy lao thẳng lên phía trước.”
Và còn cái danh dự quyết không để đánh mất, đó là làm xấu hình ảnh của người chiến sĩ trước kẻ thù thâm độc.