Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

TRỞ LẠI VỊ XUYÊN 2019




1- Được biết anh vừa trở về từ chuyến thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên. Đây cũng là bối cảnh chính để anh sáng tác nên tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời”. Cảm xúc của anh giờ này như thế nào?
- Được trở lại thăm chiến trường xưa, được thắp một nén nhang trên mộ những đồng đội đã quy tập và những nén nhang lên khe đá cho những đồng đội còn nằm đâu đó trên các triền núi, khe sâu không chỉ riêng tôi mà với tất cả những ai quan tâm tới những người anh hùng đã ngã xuống vì sự toàn vẹn của Tổ Quốc bao giờ cũng xúc động. Trong ngày giỗ trận năm nay, những người lính Vị Xuyên năm xưa được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân về tham dự càng khiến chúng tôi xúc động hơn vì sự hy sinh của chúng tôi ngày càng được nhà nước quan tâm hơn.
2- Trong tiểu thuyết của mình, anh nhắc nhiều tới những đồng đội hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa. Điều đặc biệt, anh chính là một trong những người lính trực tiếp có mặt trên chiến trường đó. Anh có thể chia sẻ quá trình sáng tác “Mộ đá ngang lưng trời”?
- Trong tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” tôi có giải thích vì sao, cuộc chiến đã kết thúc hơn ba mươi năm tôi mới viết được về chính mình, về những người đồng đội của tôi “Cuộc chiến tranh nào chẳng khốc liệt, chẳng bắn súng ném lựu đạn, chẳng gian khổ hy sinh. Viết cuộc chiến của mình không khéo người đọc lại nghĩ mình viết về đại chiến thế giới lần thứ hai.”
“Có thể từ chuyện bọn người đãi vàng này xây dựng nên một cốt truyện hấp dẫn, ma quái. Xu hướng văn chương bây giờ phần nhiều là thể hiện câu chuyện dưới những hình ảnh ma mị, quái đản hoặc về tâm linh, nhất là những cuốn viết về chiến tranh. Huy đã đọc những truyện như vậy viết về chính cuộc chiến Huy tham gia. Có hay, có hấp dẫn, có tính sáng tạo. Nhưng tác giả là người ngoài cuộc, còn Huy là người trực tiếp đổ xương đổ máu xuống mảnh đất biên cương này, thấy mình có tội nếu viết theo xu hướng ấy.”
Tôi đi tìm cái riêng của cuộc chiến tôi tham gia. Đó là, những người lính ngã xuống trong chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh thống nhất đất nước là vì lý tưởng cách mạng, còn chúng tôi, những người lính bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ Quốc đã vì danh dự của dân tộc mà xông lên. Và thời gian cũng khiến cho cái “cô đơn” của người trải qua chiến trận thấm sâu hơn vào huyết quản của mình.
3- Không ít nhà văn chưa từng có mặt trong các cuộc chiến cũng lựa chọn đề tài về chiến tranh và những tuyến nhân vật là người lính, thương binh, liệt sĩ. Cảm nhận của anh về những sáng tác đó? Việc lựa chọn đề tài mà mình chưa trải qua kinh nghiệm có phải là lựa chọn khó khăn với những nhà văn?
- Khó khăn hay không là do tâm huyết của nhà văn với đề tài mình theo đuổi. Tác phẩm có hay hay không là do tài năng của nhà văn. Ví dụ, Nguyễn Danh Dũng là một tác giả còn trẻ, chưa từng tham gia quân đội nhưng với truyện ngắn “Bóng anh hùng” viết về đề tài người lính khiến tôi xúc động. Với tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” của tôi, bạn đọc đánh giá như thế nào tôi cũng không làm cuộc khảo sát để tìm hiểu, chỉ biết rằng mình đã làm hết sức có thể để có một nén nhang thơm thắp cho đồng đội mình. Với những người trong cuộc, những người trực tiếp tham gia Mặt trận Vị Xuyên năm xưa đã vui mừng đón nhận tiểu thuyết và coi tôi như là một người đại diện nói hộ tấm lòng của họ. Có một vài cuộc tranh luận sôi nổi, vị trí ấy trong tiểu thuyết là ở chỗ này, chỗ kia, nhân vật này là ai. Có người làm ban thờ quãng đời lính của mình và trang trọng đặt cuốn tiểu thuyết của tôi trên đó xem như có linh hồn đồng đội mình.
4- Còn với những sáng tác về người lính, thương binh – liệt sĩ của các nhà văn Hải Phòng thì sao? Theo như chúng tôi được biết, có những nhà văn, nhà thơ Hải Phòng vẫn cần mẫn khai thác đề tài về người lính, về các cuộc kháng chiến. Anh có cảm nhận gì về những sáng tác ấy?
- Tác phẩm thực sự viết về người lính, thương binh – liệt sĩ của các nhà văn Hải Phòng ở thời điểm hiện tại không nhiều. Nhà văn Hoàng Thiềng cũng đã từng là người lính trải qua chiến tranh và ông cũng đã có một vài tác phẩm về đề tài này.
5- Nhiều người nhận định rằng, mảng đề tài về thương binh, liệt sĩ và những cựu chiến binh không chỉ khó thể hiện mà không còn gần gũi với bạn đọc trong giai đoạn hiện nay. Ý kiến cá nhân anh với vai trò một người cầm bút? Người sáng tác, nhất là những cây bút trẻ có nên lựa chọn đề tài này?
- Với cá nhân tôi, một người đã biết thế nào là khốc liệt của chiến tranh, biết thế nào là tình cảm sâu nặng của người lính may mắn thoát được lưỡi hái tử thần cũng rất mong lớp trẻ hiểu mình, đồng cảm với mình, cùng nói hộ mình bằng các tác phẩm văn học như nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Danh Dũng. Nhưng để có nhiều tác giả hơn nữa quan tâm tới đề tài này là một sự vượt khó vô cùng của cả xã hội chứ không riêng gì một mình Hội Nhà văn có thể làm được.
6- Nếu để đưa ra lời khuyên với công chúng yêu văn học, riêng với những sáng tác về thương binh, liệt sĩ và người lính, anh sẽ nói gì?
- Những tác phẩm viết về người lính qua các thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, công chúng đã rất quan tâm đón đọc và đánh giá cao những tác thời kì ấy như tiểu thuyết “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu …. Còn hiện nay, không chỉ có tác phẩm viết về người lính mà cả những đề tài khác nữa, lượng người đọc không nhiều, công chúng cũng không còn quan tâm tới văn học như trước đây. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân, có lẽ những nhà văn của chúng ta chưa có tác phẩm hay và công tác quảng bá văn học chưa được quan tâm như các loại hình nghệ thuật khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét