(Thảm họa)
Đọc xong cuốn thiểu thuyết “Thuỷ sinh” của tác giả Nguyễn Quốc Hùng (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn,
tháng 10 năm 2011) tôi không khỏi băn khoăn, trong số những con người đang vật
vã mưu sinh trên dòng sông Cấm thì đâu là con người lương thiện? Những con người
sống nhờ dòng sông ngàu đục, đỏ như màu
tôm luộc, họ cũng là một kiếp thuỷ sinh.
Vậy đâu là ánh sáng hướng thiện cho cuộc đời của những con người này tác giả muốn
đề cập tới?
Những con người
mưu sinh bằng nghề “gắng cào bùn cho
nhanh để tìm những mẩu sắt vụn rơi xuống”, và “ngửa cả ngày cho bọn thuỷ thủ “đâm” tả tơi, thế mà khi về đi nhờ sang
sông mà mẹ con nhà Cống cũng lấy hai chục” và “Chẳng lẽ ngày nào cũng chấn tiền của công nhân” và còn cả tầng lớp
người “Nó đã học được kỹ nghệ này ở trường
đời, từ chính những kẻ như Luật là quan chức mà hám tiền hám gái mà ra”. Cực
nhọc, khổ nhục, thậm chí phải đổ máu mới kiếm được “Mỗi chuyến tàu rời bến, moi móc lòng sông cũng kiếm đủ gạo ăn một
tháng. Lần nào cũng hy vọng công nhân bốc xếp làm ẩu để rơi hàng xuống sông
thật nhiều còn kiếm thêm chai rượu”. Triết lý cuộc đời của những con người
vật vã mưu sinh này, “Tựu chung lại, tình
và tiền hợp lại thành thứ đạo để con người tôn sùng và trút giận. Tiền càng
nhiều, tình càng rộng thì con đường đạo càng thênh thang”. Với triết lý cuộc
đời ấy, họ như một mũi tên đã rời cây cung bay về đích “Hãy nhanh chân đạt được mục đích đi, nếu không mình sẽ là người đến chậm”
vì vậy “Tiền! Vì tiền mà chúng mày
cắn xé nhau như chó. Chỉ một miếng sắt vài chục bạc mà hôm nọ thằng Cường
“kễnh” suýt đâm chết thằng Vinh “vổ””
Trục trung tâm của tiểu thuyết xoay quanh ba nhân vật:
Phương, Thành, Luận và cuộc đời của Phương, Luận là hai trục nhỏ quay xung
quanh Thành, tác giả tạo ra trục trung tâm này quay quanh trục trung tâm khác
muốn một đích tới nhưng được tiếp cận bằng nhiều hướng khác nhau, muốn giải quyết
một hệ quả rằng, nhiều tầng lớp xã hội cùng bị chi phối bởi một nguyên nhân sẽ
cho kết quả ra sao.
Với trục Phương và Thành: Hai người có mối tình đầu đời
trong sáng, cùng nghe theo tiếng gọi của đồng tiền đã mờ mắt đi tìm cuộc sống mới
“Thế còn Phương thì sao, nếu không phải
muốn tìm cho mình một thế giới lắm tiền nhiều của thì sao phải vượt biên? Chẳng
phải thông tin, ở những nước khác người ta chỉ ở nhà hưởng trợ cấp thất nghiệp
cũng đủ sống đàng hoàng đã cuốn hút Phương là gì”. Nhưng rồi, Phương phải
trở về nước mang theo nỗi thất vọng không tìm được bến đáp hy vọng và đồng hành
là sự bất lực của “thằng đàn ông”do
cuộc sống hà khắc trong trại tị nạn gây nên, đó cũng chính là sự bất lực cho cuộc
đời mà Phương không thể vượt qua. Thành trở về nước tưởng chừng đã tìm được hướng
đi cho cuộc đời với người chồng, với một nghề đảm bảo cho một cuộc sống đủ đầy về
vật chất. Nhưng, số phận hay tham vọng đã sắp đặt cho Phương và Thành tan rồi lại
hợp, cùng dắt tay nhau đi trên một con đường đời. Trở lại với Thành, Phương đã
tìm lại được “thằng đàn ông” đích thực.
Và ước vọng cho tương lai của Phương “Có
đứa con, cuộc đời sẽ bớt cô đơn hơn, bớt lẻ loi một thân một mình trên cõi đời,
sẽ khép vòng tròn cuộc đời Phương được kín hơn”. Nhưng tham vọng lớn nhất của
Phương và Thành lại là “Tiền!” là “Tình” đâu cho họ một cuộc sống bình yên như
vậy. Họ lao vào những phi vụ làm ăn bất minh và tội lỗi: Chấn tiền công nhân, áp
chế những người làm ăn lương thiện “Chấn
tiền công nhân dễ vậy sao, mình có quyền như vậy!” “cái tiếng đến cảng lấy hàng
bị làm luật đã được tay chủ hàng phát tán đi xa, để Phương có những hợp đồng
khác dễ dàng”, những mánh lới làm ăn “phải
bắt mối đánh chặn ngay từ bây giờ, mình sẽ thầu toàn bộ lô hàng ấy, rồi sau này
nữa, thầu luôn cả vận chuyển nguyên liệu của nó”…
Chuyển sang trục Luật và Thành: Cuộc đời Thành sao lạ thế, “không
hiểu sao cuộc đời em toàn gặp phải những người đàn ông bất lực về chuyện ấy”. Liệu
một người “ma lanh” trong chuyện ân ái
như Thành có giúp Luật tìm được “thằng
đàn ông” đích thực? Chẳng gì Thành đã cứu
được một người đàn ông là Phương, Luật tin tưởng bước vào cuộc đời Thành gắt theo
cùng ví tiền chật cứng là tâm địa trả thù vợ, người gây nên nỗi khổ đàn ông của
Luật “vợ Phương cũng là nạn nhân để trả
thù vợ của hắn cũng nên”. Hai người cũng tìm được đam mê về tình ái đấy chứ.
Nhưng Luật không phải là Phương, mỗi người có con đường đi riêng của mình. Luật
vẫn là kẻ bất lực với chính bản thân mình. Những mưu toan đường đời, những mối
lợi thực tế đã khiến Luật lạc lối. Từ một quan chức mẫn cán chỉ biết đến sách vở,
tận tuỵ với chuyên môn, vì cái tình với Thành mà Luật đã học được “Phương chỉ cho Luật thấy, dạy cho Luật bài
học ở đời còn nhiều kẽ hở lắm, hãy lách vào, chịu đựng mà tìm cơ hội hưởng
lợi.” Để rồi, không có những lời chỉ bảo ấy thì “đã chắc gì Luật leo cao được như bây giờ”. Thế rồi “thằng đàn ông” trong Luật cũng được cứu
bởi một cô gái điếm.
“thằng đàn
ông” của Phương và Luật được cứu không
phải vô tình.
Con người khi mới sinh ra bản tính vốn lương thiện, ai
cũng có những quãng đời thơ ấu đẹp đẽ. Với Phương là dòng sông trước cửa nhà êm
đêm, “Ngày ấy, những đứa trẻ trong đó có
Phương, mỗi đêm chỉ đi một tua từ bến tới nghĩa trang làng Thuỷ là dui được
chục cân tôm tép” và “những bước chân
rộn rịp qua cửa nhà mỗi khi người làng ra sông kiếm sống. Nay “mọi ngôi nhà của làng đều dịch chuyển, quay
hướng ra đường quốc lộ cho xứng với tầm vóc mới, với điều kiện sinh sống mới”
Ngôi nhà của Phương trở nên hoang vắng và “Dòng
sông chỉ còn làm nơi chứa chất lỏng để phục vụ những con tầu vỏ thép khổng lồ.
Nó sống có nửa phận đời”, chỉ còn những giọt nước trơn nhớt, chỉ còn những
con cá úc vàng nhợt, tanh nồng. Với Luật, sinh ra và lớn lên ở làng quê nhỏ bé,
có những mái nhà như những con người đang ngồi tụm đầu vào nhau trò chuyện thân
tình, có những gian nhà tường tróc hết vữa bởi đã trải qua mấy đời. Thế mà
trong chốc lát làng quê xưa đã biến thành sân gol, thành thước đo độ căng của túi
tiền, giá trị văn hoá bị biến thể “Chén
bằng sứ Giang Tây, nước được khử trùng bằng hoá chất, được đun trong ấm điện
của Nhật, trà được trồng bằng giống mới nhờ kích thích tăng trưởng, tất cả
không phải nguyên trạng từ xa xưa, thế nhưng người ta vẫn tự cao cho là đã giữ
được bản sắc dân tộc, quốc hồn quốc tuý” Thế ra, “Họ huỷ hoại mà không cho rằng mình là kẻ gây nên tội, bởi họ còn mải
giành giật từng đồng tiền để thoả mãn những hoan lạc khác”. Vì vậy “thằng đàn ông” trong Phương và Luật chỉ
được cứu bởi nỗi “khi tìm được đam mê
trong bản ngã của mình thì con người mới dựng dậy được. Tại sao chỉ có Thành
mới thổi được ngọn lửa tình trong Phương bùng cháy. Mỗi lần được làm tình thoả
mãn Phương thấy mình thanh thản, cái tình con người quện lấy nhau. Đó là lúc ký
ức trở về”.
Cái đẹp trong cuộc sống, trong mỗi con người ngày nay
tìm được hiếm lắm. Nhưng hãy cất công đào bới đi, tiềm ẩn sâu xa trong mỗi người
ai cũng có, nằm sâu trong mọi ngóc ngách cuộc đời đâu cũng có. Phải tìm được cái
đẹp đích thực thì cuộc sống mới có ý nghĩa, con người mới dựng dậy được. Con đường
hướng thiện cho nhân vật trong tiểu thuyết “Thuỷ
sinh” của Nguyễn Quốc Hùng đề cập tới là thế.
Đọc xong “Thuỷ
sinh” không khỏi sót xa, nhân vật Phương tưởng chừng sau khi hoàn tất mọi mưu
toan trên quãng đường đời vừa qua chỉ còn hướng tới một tương lai được sống
thanh thản, nhưng “mấy kẻ hộc tốc chạy
cho kịp chuyến phà đang rời bến xô đẩy Phương ngã dúi xuống hè đường thì dằn
vặt mới lại ập đến….. Mạng sống con người rẻ đến thế thôi sao?”. Sót xa cho
những thân phận phải gồng mình gắng vượt qua cuộc sống khắc nghiệt mà không nổi
như Tươi, như Vinh “vổ” như Cường “kễnh” … Những thân phận thuỷ sinh sống nhờ dòng
sông mà “Dòng sông thì vẫn đỏ màu phù sa
nhưng nước thì thay đổi quá nhiều rồi, đặc sánh, khét nồng mùi dầu máy …”
Qua tiểu thuyết “Thuỷ
sinh”, một lần nữa bạn đọc lại thấy tác giả Nguyễn Quốc Hùng thể hiện được
vốn sống phong phú trong các sáng tác của mình. Thế nhưng, không biết có phải tác
giả cố tình sắp xếp các tình tiết đan xen lẫn nhau, dẫn dắt mạch chuyện không
theo một trình tự để những cuộc đời trong tác phẩm giống như thực tại cuộc sống
đang diễn ra phức tạp khiến người đọc khó theo dõi. Dẫu vậy, tôi tin rằng những
con người hàng ngày phải vắt mồ hôi đổi lấy đồng tiền bát gạo sẽ lại được tác
giả, một người công nhân lao động trực tiếp trên bến cảng thể hiện nhiều hơn, sâu
sắc hơn trong những sáng tác mới của anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét