Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

CẢM NHẬN THUYỀN NGHIÊNG

(NV Dương Thị Nhụn)

Vươn ra biển lớn - Khát vọng của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và của cả quốc gia. Một trong những con thuyền đang vươn khơi xa, đang phải chơi vơi giữa phong ba bão táp cuộc đời có con thuyền của dòng họ Hoàng làng Đông Phong trong tiểu thuyết “Thuyền Nghiêng” của nhà văn Dương Thị Nhụn do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành tháng 10 năm 2011. Liệu con thuyền mang tên họ Hoàng ấy có vượt qua sóng gió để những thuyền viên trên đó đạt được mong ước, công thành danh toại, đáng mặt anh hào với đời?
Con thuyền họ Hoàng quy tụ từ thế hệ tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ như anh em nhà ông Tấn, ông Vấn … , đến thế hệ sinh ra trong những ngày Đất nước xây dựng và phát triển kinh tế như thằng Bằng anh, Bằng em, Tố …, có cả những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ, thậm chí cả linh hồn cụ tổ họ Hoàng cũng về tham gia vào chèo lái con thuyền. Mỗi thuyền viên một tính cách. Vậy con thuyền họ Hoàng ra khơi bằng định hướng nào? Ông Vấn là người sống với hoài niệm, cố dìu dắt con thuyền hướng theo dấu vết một thời máu lửa, hy sinh thân mình vì sự tồn vong của Dân tộc, hy sinh cho những điều cao cả mà ông đã trải qua. Ông Húng cũng là người đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng ông là người có lý lịch cá nhân và tính cách nhập nhèm cho nên không thuyết phục được ai, không được ai tôn trọng mặc dù ông là người đạt được học hàm cao nhất trong dòng họ vào thời điểm này. Thằng Tố giầu nứt đố đổ vách, muốn hướng con thuyền bằng những đồng tiền không chính đáng. Liệu con thuyền có đi theo hướng chèo lái của bố con ông Hình sống phóng túng, chỉ mưu mô làm hại người khác. Thằng Bằng anh, Bằng em côn đồ. Trên con thuyền còn có thằng Vớ ngớ ngẩn và Hãn, người đàn bà “khát tình”… những con người hiền lành, sống chân tình.

Con người sống có tổ có tông, đó là nếp sống đẹp của dân tộc ta. Vai trò của dòng họ được đề cao. Dòng họ sẽ là niềm tự hào của mỗi cá thể trong nó nếu như dòng họ ấy đạt được những vai trò nhất định mà xã hội vinh danh. Vì vậy, sự cạnh tranh của mỗi dòng họ sẽ khiến xã hội tốt hơn. Trong cuộc cạnh tranh, con thuyền dòng họ có tới được đích hay không là do chính những con người của dòng họ đó chèo lái thế nào.
Những con dân họ Hoàng tự hào về dòng tộc của mình, dòng họ có bề dày trong việc học hành và đỗ đạt. Nhưng đó là họ Hoàng tự cho là thế chứ không có bằng chứng nào chứng minh rằng các cụ tổ như cụ Hoàng Sang là người học hành đỗ đạt cao, có địa vị xã hội. “Chú sống ở đời thuở nào mà dám nhận xằng? … Ông có biết cụ đỗ đạt bao giờ, thuộc chi nhà ai? Bằng chứng đâu?”. Vậy điều gì sẽ đến với những ảo tưởng bong bóng của con cháu họ Hoàng.
Một nhà thờ tổ bề thế sẽ làm cho họ Hoàng nở mày nở mặt với đời? Một nhà thờ tổ bề thế có làm cho đám con cháu họ Hoàng với những đứa “Họ Hoàng sao lại đẻ ra mấy thằng đồ tể mới nứt mắt đã biết chém giết”“Đánh nhau, đề đóm rồi còn rủ nhau đi nhà hàng karaoke” trở thành người lương thiện? Ảo tưởng của con cháu họ Hoàng, “Lần nào về quê nó chả sắm lễ lạt hậu hĩnh đặt lên bàn thờ tổ rồi sì sụp khấn vái hàng giờ. Nó bảo nhờ tổ tiên ban phúc lộc nên nó mới có ngày hôm nay.”. Xã hội đồng tiền được coi trọng “Nó buôn gian bán lậu ở đâu không biết, chỉ biết nó có lòng với làng xóm là mọi người yêu mến rồi. Lần này nó còn tự nguyện dựng nhà thờ tổ. Họ Hoàng có nó cũng mát mặt”
Con thuyền thì nhỏ, người cầm lái như ông Tấn trưởng họ thì què quặt bệnh hoạn, bi quan, liệu thuỷ thủ đoàn có biết đoàn kết, có tinh thần vững vàng để băng băng vượt đại dương. Trên con thuyền còn có những người như thằng Tố nhân đạo nửa vời, miệng thơn thớt công đức nhưng trong tâm nó tính toán được lợi bao nhiêu ngay cả với những người thân, với tổ tiên nó. Đám thanh niên con cháu họ Hoàng đã không chèo lái được còn Nhàn cư vi bất thiện sinh ra lắm chuyện ngông cuồng, trái đạo lý, mắt chúng hoa lên vì màu sắc của đồng tiền, khịt mũi nhiều hơn hít ngửi hương thơm của đồng bạc. Liệu con thuyền họ Hoàng đi tới đâu?
Ông Vấn và ông Húng là hai nhân vật có tư tưởng đối lập nhau và luôn nảy sinh mâu thuẫn. Một con người đáng kính như ông Vấn, qua khứ thì hào hùng, oanh liệt, mục đích hiện tại thì cao cả, dám từ bỏ mọi vinh hoa phú quý nơi đô hội “về ngay nơi chôn nhau cắt rốn để điều hoà những mâu thuẫn trong làng xã và trong chính người trong họ nhà ông” cũng bị rơi vào ảo tưởng bong bóng. Ông bỏ quên việc giúp thằng Vớ làm người, những đứa cháu hư hỏng ông đổ tội cho xã hội và ảo tưởng đã nảy sinh trong tư tưởng, với quan điểm “thời nay không ai cho không ai cái gì”, bằng mọi cách để ghi danh cho cụ cố họ Hoàng, để bộ gia phả dòng họ là điểm tựa tinh thần. Còn ông Húng, người duy vật biện chứng nửa vời, không tin vào chuyện tâm linh nhưng lại tin vào việc xem địa lý, có được thế đất tốt, hướng đẹp thì con thuyền dòng họ mới vươn xa hơn.
Còn con người như chị Hãn luôn có một khát khao cháy bỏng được yêu hết mình, được cùng nhau xây dựng tổ ấm để con cái noi theo, “Không ít lần chị mơ ước nếu mình ở vào hoàn cảnh ấy thì phải biết, chị sẽ giữ đến cùng, vun đắp đến cùng. Còn thằng Vớ, tuy ngớ ngẩn nhưng “Khi khấn vái nó thành kính như một người họ Hoàng thực sự chứ có cợt nhả như bọn thanh niên đâu” Thế mà mọi người vẫn khinh thằng Vớ, không công nhận thằng Vớ là người họ Hoàng và vẫn muốn đuổi chị Hãn ra khỏi mảnh đất còi cạnh chùa từ lâu. Họ Hoàng muốn đẩy hai con người này xuống biển để con thuyền thêm nhẹ, mau về đến đích.
Làng Đông Phong bị loạn. “Dân làng nói họ Hoàng mình ghê quá. Nào là động, nào là bị thần Phật phạt. Toàn từ mấy cái chuyện mồ mả với nhà thờ họ mà ra”. Đám thanh niên họ Hoàng trộm trâu. Ông trưởng họ Hoàng và thằng Tố phải nằm viện vì bất đồng ý kiến nên dựng nhà thờ tổ thế nào. Những vụ hại làng xóm của thằng Vớ do ông Hình xúi bẩy. Rồi ông Hình cũng phải vào nằm chung phòng do những chuyện đồi bại ông gây ra. Thằng Bằng anh, Bằng em dám giết người để trả thù …
Vậy cái nhà thờ tổ dòng họ Hoàng dựng lên đã bị mối mọt bên ngoài liệu bên trong có bị ruỗng? Nếu bị ruỗng thì có giời chữa. Con thuyền mà nghiêng không khéo lật úp chết cả nút.
Sau cơn bão, quả bong bóng ảo tưởng của họ Hoàng bị vỡ. Nhà thờ họ Hoàng còn ngổn ngang những điều huyền bí, người họ Hoàng còn đầy mâu thuẫn. Có lẽ phải chờ. Chờ điều gì? Mọi tình tiết dẫn tới xung đột thì người làng Đông Phong, người họ Hoàng trong “Thuyền nghiêng” đều bất lực, phải nhờ tới những yếu tố tâm linh như nhập đồng, người âm giải quyết. Đọc xong “Thuyền nghiêng” độc giả không khỏi day dứt, bão qua đi vạn vật sẽ yên bình mà không cần sự tác động từ yếu tố con người?
Việc giải quyết xung đột của họ Hoàng không chỉ trong khuôn khổ của cuốn tiểu thuyết mà cả vấn đề nóng của xã hội cần quan tâm. Đạo đức xuống cấp, lối sống hưởng thụ, ảo tưởng nảy sinh trong tư tưởng không ít người, trong mọi tầng lớp xã hội đang khiến bản sắc dân tộc bị biến dạng, lệch lạc.
Trong “Thuyền nghiêng” tác giả đã tạo ra nhiều xung đột có thể dẫn tới một cấu tứ hay cho tiểu thuyết, nhưng khi giải quyết những xung đột ấy lại nhẹ, hầu hết đều nhờ yếu tố tâm linh. Ví dụ: Giữa ông Vấn và ông Húng là hai nhân vật có tính cách và quan điểm sống trái ngược nhau nhưng tác giả đã không khai thác triệt để sự khác biệt này. Thằng Tố bỏ tiền ra mua nhà thờ tổ, mọi người biết là chẳng ra gì, có bức xúc đấy nhưng chỉ dẫn tới vụ va chạm dẫn tới đổ máu để giải quyết là xong, ngôi nhà thờ tổ vẫn được dựng lên bằng những đồng tiền bất chính. Chi tiết ông Húng bới xác Hải hay, đó là tâm lý của con người trong chiến tranh mới có được thế nhưng cũng chỉ giải quyết bằng chuyện nhập đồng, dễ quá.
Khai thác đề tài mâu thuẫn dòng họ không dễ, bởi đã được nhiều tác giả đào xới, tuy nhiên tiểu thuyết “Thuyền nghiêng” nhà văn Dương Thị Nhụn đã xây dựng được một góc nhìn tuy nhỏ thôi, trên một con thuyền hành trình tới uớc mơ đã trải qua bao biến cố nhưng giúp ta nhìn ra cả một thực trạng không gian văn hoá làng quê đang gặp phải. Những tình tiết truyện éo le,  thu hút được người đọc.

N.Q.H 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét