Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

THƠ VĂN VÀ NGƯỜI CÔNG NHÂN CẢNG HẢI PHÒNG



Người Hải Phòng từ xưa tới nay đều rất tự hào khi gọi thành phố của mình bằng cái tên đầy tính biểu tượng: thành phố Cảng. Được là người công nhân làm việc trên bến cảng, ai cũng thấy mình hãnh diện hơn, không chỉ bởi cuộc sống của người công nhân lao động Cảng Hải Phòng đang đi lên từng ngày, sắc áo công nhân đỏ rực trong ánh bình minh cửa biển, những người công nhân ngày đêm trần mình với nắng gió trên cầu cảng gửi gắm tâm sự của mình đến bạn bè muôn nơi thông qua những tấn hàng, những chàng cần trục khổng lồ xoay chuyển những vũ điệu không gian thật uyển chuyển, thật hùng tráng, mà còn bởi chặng đường truyền thống của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng (24/11/1929) thật hào hùng, thật đáng trân trọng. Những con người lao động của bến Sáu Kho xưa và Cảng Hải Phòng ngày nay, với ý chí cùng nghị lực phi thường đã vượt qua không ít những khổ đau nghiệt ngã, những cam go khốc liệt. Để tới nay họ có quyền ngẩng cao đầu cùng ca vang bản hùng ca của thời đại. Họ xứng danh là những "dũng sĩ Biển Đông vai sắt chân đồng". Và hình ảnh người công nhân bến cảng, rất tự nhiên đi vào những áng thơ văn của không ít những văn nghệ sĩ thành phố cũng như của đất nước.

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

VĂN HỌC CÒN MẮC NỢ NGƯỜI CÔNG NHÂN

(Ca đêm)

PHONG ĐIỆP thực hiện

(Bài đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số 34 ra ngày 23-8-2008)

Phong Điệp: Khi đọc lại những tác phẩm của anh để chuẩn bị cho cuộc trò chuyện này, tôi chợt có một liên tưởng thế này: lâu nay, các nhà văn của chúng ta để khắc phục  tình trạng thiếu vốn sống, đã có những chuyến đi thực tế được tổ chức; thậm chí có những nhà văn - để viết về người công nhân, họ đã không ngại gian khó, về với các công trường, xí nghiệp, “ba cùng” với người công nhân. Trong khi đó, anh có điều kiện thuận lợi là trưởng thành trong môi trường của người công nhân. Anh có coi đây là một lợi thế “ăn điểm” của mình khi đến với văn chương?
NQH: Những người viết văn thường hay nhắc tới công thức: Đi, đọc rồi viết. Theo tôi hiểu, đi là việc thâm nhập thực tế sáng tác. Tôi được sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, nơi mệnh danh là thành phố công nghiệp, có cảng biển, có các nhà máy xi-măng, đóng tàu, luyện cán thép cỡ lớn trong cả nước. Học xong phổ thông, vào bộ đội, tôi trở về quê hương học nghề, rồi làm công nhân,  lại là công nhân điều khiển cần trục chân đế trên bến cảng Hải Phòng. Hình ảnh người thợ luôn hiện ra trước mắt tôi với một cuộc sống xô bồ và sôi động. Hằng ngày, tôi luôn tiếp xúc với đồng nghiệp, với các tốp thợ, với bao đặc trưng riêng biệt, có lẽ chỉ có ở cảng Hải Phòng. Vóc dáng của người công nhân bốc vác, với “cánh lưng cong như cánh buồm để quai vác hàng tạ hàng trên vai” đã thành nét in đậm trong bức tranh cuộc đời lao động ở nơi đây. Nỗi vất vả, nhọc nhằn của người công nhân cảng mà tôi cũng đã từng nếm trải, “lưng tôi cong gập xuống chẳng qua tôi muốn làm hết cái khả năng tôi có để kiếm đồng tiền. Và tôi cũng biết đôi vai tôi chẳng gánh được gánh tiền nặng”.

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

CHIẾC LÁ KHÔ CUỐI CÙNG

(Đài tưởng niệm các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới 1984 - 1988 
tại ngã ba Thanh Thủy - Hà Giang)

Tôi đi tìm tôi hỏi ai có biết?
Chỉ thấy lắc đầu nhẹ như bị hỏi đùa
Hỏi mẹ tôi, mẹ ơi có nhớ
Bóng thời gian đâu đó ở cuối sân
Tôi kể cho các cháu, tôi là ai
Mẹ chúng bảo bác đọc tiểu thuyết
Tiểu thuyết là bịa
Thế ra tôi là bịa,
                         tôi không là tôi,
                                                 là hư ảo,
                                                             là đường biên giữa có và không.

Tôi quờ tay trong đêm tối tìm đường ranh giới
May sao nhặt được mẩu lá khô khét mùi thuốc pháo
Cả H6 chụm đầu vào “mồi thuốc” điểm tựa
Không dám nhìn nhau qua đốm lửa vừa nhen
Sợ chưa kịp phả khói đã bị pháo dập
Chiếc lá cuối cùng đấy, hay đêm nay là đêm cuối của mình.
Đường biên là giữa không và có
Tôi hỏi tôi, liệu có biết
Tôi là ai ?
             Là chiến sĩ  biên giới ngày xưa ấy,
                                                         hay chỉ là nhân vật hư cấu bây giờ?
Như ngày xưa ấy đào đường hầm tấn công
Cả tiểu đội tồng ngồng dưới mưa rừng và đất lở
Giờ ngẫm lại hình như không thằng nào còn chim.
Nếu bây giờ tôi trần như nhộng đến công sở
Mọi người sẽ nhìn vào háng tôi xác định giới tính
Rồi báo hình, báo giấy, báo mạng  ganh đua giật tít
Tôi là ai cả thế giới biết ngay.
Đường biên hữu hình và vô hình
Mấy con phe đồ lính chốt ngáp dài
Mới một hôm không được nghe tiếng pháo đã thấy buồn
Người vệ binh gầm thét, kéo khoá nòng
Mấy con phe bình thản nhìn họng súng
Toà án binh hữu hình ngay cạnh
Còn vô hình là đồng đội ngã xuống mạn đường biên.

Cuộc chiến lạ kỳ bị quên nhanh như thứ đồ chơi hỏng
Chỉ còn tôi đi tìm tôi trong đêm pháo hoa rực rỡ
Tiếng khai hoả ngỡ dàn cối dập xuống trận địa
Những tiếng nổ ám ảnh đến bây giờ
Giọt nước mắt cố nén vào trong
Không để con biết, con sẽ sợ sắc màu
Những giấc mơ chẳng dám nói cùng ai
Mơ một lần đứng giữa ngã ba Cửa Tử
Cắm nén hương xuống đá rồi gọi
Trạc ơi ! Cháu ở đâu !
Cậu trở về mà sao cháu không về
Mơ thấy Long “mìn ” mở quán nước đầu dốc
Mày giỏi gỡ mìn lại bị dính mìn
Không lội được bùn sâu đành ngồi hát đón khách
Ai bảo giọng hát mày hay
Lo thằng Phượng về địa phương làm khó
Chịu khổ quen rồi đi bộ đội thay em
Thằng Minh mới chết không biết mảnh pháo trong đùi có rơi ra
Mảnh pháo là hư hay là thực.
Mày mang cái thực xuống mồ
Tao đi tìm chiếc lá khô cho mình
Làm hương nhớ cuộc chiến chinh

Khói xanh đá trắng bóng hình của tôi.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

NHẮC LẠI CHUYỆN QUÊN LÃNG





(Nhớ đồng đội)

Tôi đi tìm tôi! Gần ba mươi năm sau khi xuất ngũ tôi mải mê đi tìm cái bóng xưa kia của mình. Tôi là ai trong những năm 1984 – 1988 ấy? Những năm ấy dân tộc ta có một cuộc chiến tranh ác liệt đấy? Không ai biết! Một trăm phần trăm những người được tôi hỏi, đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội và cả những quân nhân cấp bậc có người tới thượng tá, đều không biết có cuộc chiến tranh này. Tôi kể chuyện những ngày tháng ác liệt ấy cho các cháu nghe thì mẹ chúng nó (tức em gái tôi) bảo, bác đọc tiểu thuyết.
Vào ngày 12 tháng 7 cách đây tròn ba mươi năm bắt đầu cuộc tấn công tổng lực của bộ đội ta giành lại từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Gần năm năm, hàng ngàn đồng đội của tôi ngã xuống. Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (ngày ấy là Hà Tuyên) được mệnh danh “cối xay thịt”, mật độ cối pháo không kém gì trận thành cổ Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ. Không ai biết à! Tự an ủi, mình đã làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước. Nhưng cứ thấy tủi phận thế nào ấy. Nước mắt tự dưng cứ tuôn trào khi nghe những tiếng đầu nòng trong đêm pháo hoa. Ám ảnh tiếng đầu nòng của pháo giặc dập xuống trận địa ba mươi năm sau chưa dứt ra được. Đá bị bằm vụn, đất đỏ bị xới tơi, mẩu lá khô thay thuốc lào tìm cũng khó, cao điểm 300; 400 như con cóc ngồi trắng toát màu đá, xen những dòng đất đỏ như máu rỉ. Triền miên tiếng nổ. Ngày nào không có tiếng nổ là ngày ấy bất thường. Ám ảnh cái đêm nằm ôm xác đồng đội trong khe đá. Vận tải lên không được vì pháo.
Có cuộc chiến tranh nào mà người lính khổ hơn chúng tôi không. Mấy ngày lễ tết, hai bên ngừng bắn. Con phe đồ quân trang, nhu yếu phẩm của lính chốt đón hàng gần trạm vệ binh ngáp dài “Mấy hôm nay pháo không bắn thấy buồn”! Khi xuất ngũ, về tới bến xe Gia Lâm, mấy người hỏi “Lính ở đâu về?” “Lính Hà Tuyên” “ Lính biên giới chỉ có ba lô lộn thế này thôi à?” (ngày ấy bắt đầu thông thương biên giới) Vâng, năm, sáu người chung một ba lô còn lép. Và sau này. Truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng đã thể hiện rất chân thật và chính xác về những gì chúng tôi đã trải qua và đang phải chịu đựng. Vậy mà tỉnh ủy Phú Yên cho rằng đó là một tác phẩm cực kỳ độc hại, cực kỳ phản động, làm tổn thương các mẹ VN anh hùng. Những người ra quyết định này nếu tôi có hỏi chắc cũng thế thôi. Không biết!
Tôi gọi cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh “của chúng tôi”
Nhớ đồng đội lắm! Nếu ai đến thăm đài tưởng niệm tại ngã ba Thanh Thủy, vào thăm hang Dơi, hãy quan sát địa hình rồi nhìn vào mắt những người lính năm xưa chúng tôi thì thấy tại sao chúng tôi lại nhớ đồng đội đến vậy. Ánh mắt thảng thốt, đẫm lệ. Ám ảnh bóng đồng đội gục xuống ngay trước mắt mình. Những 1509, 772, 685, đồi Đài, H6 ... giờ không còn trơ trọi đá xám, không loang đỏ những dòng đất bị pháo bằm tơi. Trên đỉnh cao vòi vọi ấy, dưới màu xanh ngút ngàn ấy đồng đội còn nằm lại chỗ nào. Chúng tôi giờ không leo nổi tới những điểm cao ấy nữa mong đồng đội tha thứ.
Hôm nay tôi có thể thốt lên câu gì đây, khi được thấy trên VTV thời sự 19 giờ ngày 14 tháng 7 năm 2014, những đồng đội cùng mặt trận với mình, những cựu chiến binh sư đoàn 356 trực tiếp tham gia trận đánh mở màn cách đây ba mươi năm được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đón. Xúc động lắm! Xúc động bởi vì: không biết tôi dùng từ khảng định có đúng, đây là lần đầu tiên cuộc chiến tranh “của chúng tôi” được lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước ta công khai nhắc tới trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Vậy là đến ngày này, toàn thể nhân dân đã biết, dân tộc ta còn có một cuộc chiến tranh nữa, đó là cuộc chiến tranh Biên giới 1984 – 1988.
Có lẽ Đại tá Nguyễn Đức Cam nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356 cũng thấy tủi phận như tôi nên mới nói trong cuộc gặp mặt lịch sử này “Đối với với chúng tôi đây là sự ghi nhận, là phần thưởng mà cả đời không nghĩ tới” Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi công các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Vâng, chúng tôi chỉ muốn nói câu này  “Người lính chiến đấu dẫu có trận thất bại, cũng có trận lập chiến công. Chỉ mong Tổ quốc một lần nhắc tên họ công khai”
Quên lãng đã được nhắc lại. Với tôi ám ảnh đã được giải tỏa!

NQH