Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

CẢM NHẬN THUYỀN NGHIÊNG

(NV Dương Thị Nhụn)

Vươn ra biển lớn - Khát vọng của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và của cả quốc gia. Một trong những con thuyền đang vươn khơi xa, đang phải chơi vơi giữa phong ba bão táp cuộc đời có con thuyền của dòng họ Hoàng làng Đông Phong trong tiểu thuyết “Thuyền Nghiêng” của nhà văn Dương Thị Nhụn do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành tháng 10 năm 2011. Liệu con thuyền mang tên họ Hoàng ấy có vượt qua sóng gió để những thuyền viên trên đó đạt được mong ước, công thành danh toại, đáng mặt anh hào với đời?
Con thuyền họ Hoàng quy tụ từ thế hệ tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ như anh em nhà ông Tấn, ông Vấn … , đến thế hệ sinh ra trong những ngày Đất nước xây dựng và phát triển kinh tế như thằng Bằng anh, Bằng em, Tố …, có cả những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ, thậm chí cả linh hồn cụ tổ họ Hoàng cũng về tham gia vào chèo lái con thuyền. Mỗi thuyền viên một tính cách. Vậy con thuyền họ Hoàng ra khơi bằng định hướng nào? Ông Vấn là người sống với hoài niệm, cố dìu dắt con thuyền hướng theo dấu vết một thời máu lửa, hy sinh thân mình vì sự tồn vong của Dân tộc, hy sinh cho những điều cao cả mà ông đã trải qua. Ông Húng cũng là người đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng ông là người có lý lịch cá nhân và tính cách nhập nhèm cho nên không thuyết phục được ai, không được ai tôn trọng mặc dù ông là người đạt được học hàm cao nhất trong dòng họ vào thời điểm này. Thằng Tố giầu nứt đố đổ vách, muốn hướng con thuyền bằng những đồng tiền không chính đáng. Liệu con thuyền có đi theo hướng chèo lái của bố con ông Hình sống phóng túng, chỉ mưu mô làm hại người khác. Thằng Bằng anh, Bằng em côn đồ. Trên con thuyền còn có thằng Vớ ngớ ngẩn và Hãn, người đàn bà “khát tình”… những con người hiền lành, sống chân tình.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

CON ĐƯỜNG HƯỚNG THIỆN CHO NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT “THUỶ SINH” CỦA NGUYỄN QUỐC HÙNG

(Thảm họa)

Đọc xong cuốn thiểu thuyết “Thuỷ sinh” của tác giả Nguyễn Quốc Hùng (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tháng 10 năm 2011) tôi không khỏi băn khoăn, trong số những con người đang vật vã mưu sinh trên dòng sông Cấm thì đâu là con người lương thiện? Những con người sống nhờ dòng sông ngàu đục, đỏ như màu tôm luộc, họ cũng là một kiếp thuỷ sinh. Vậy đâu là ánh sáng hướng thiện cho cuộc đời của những con người này tác giả muốn đề cập tới?
 Những con người mưu sinh bằng nghề “gắng cào bùn cho nhanh để tìm những mẩu sắt vụn rơi xuống”, và “ngửa cả ngày cho bọn thuỷ thủ “đâm” tả tơi, thế mà khi về đi nhờ sang sông mà mẹ con nhà Cống cũng lấy hai chục” “Chẳng lẽ ngày nào cũng chấn tiền của công nhân” và còn cả tầng lớp người “Nó đã học được kỹ nghệ này ở trường đời, từ chính những kẻ như Luật là quan chức mà hám tiền hám gái mà ra”. Cực nhọc, khổ nhục, thậm chí phải đổ máu mới kiếm được “Mỗi chuyến tàu rời bến, moi móc lòng sông cũng kiếm đủ gạo ăn một tháng. Lần nào cũng hy vọng công nhân bốc xếp làm ẩu để rơi hàng xuống sông thật nhiều còn kiếm thêm chai rượu”. Triết lý cuộc đời của những con người vật vã mưu sinh này, “Tựu chung lại, tình và tiền hợp lại thành thứ đạo để con người tôn sùng và trút giận. Tiền càng nhiều, tình càng rộng thì con đường đạo càng thênh thang”. Với triết lý cuộc đời ấy, họ như một mũi tên đã rời cây cung bay về đích “Hãy nhanh chân đạt được mục đích đi, nếu không mình sẽ là người đến chậm” vì vậy “Tiền! Vì tiền mà chúng mày cắn xé nhau như chó. Chỉ một miếng sắt vài chục bạc mà hôm nọ thằng Cường “kễnh” suýt đâm chết thằng Vinh “vổ””