Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ CÔNG NHÂN CẢNG HẢI PHÒNG THỜI KÌ CHƯA CÓ ĐẢNG

                                                  
                                          
Câu hỏi 1: Anh (Chị) hãy nêu quá trình hình thành và những hoạt động của đội ngũ Công nhân Cảng Hải Phòng thời kỳ chưa có Đảng ?
1. Quá trình hình thành và phát triển bến Cảng:
- Nhà cầm quyền Pháp đã nhận ngay ra khu vực Hải Phòng là một vị trí chiến lược và là đầu mối giao thông rất trọng yếu, vì vậy nhà cầm quyền Pháp muốn chiếm Hải Phòng từ tháng 1/1872. Ngày 15/3/1874 triều đình Huế và thực dân Pháp ký “Hiệp ước hoà bình về liên minh” gồm 22 điều khoản. Trong đó, theo hiệp ước, triều đình nhà Nguyễn dâng cho Pháp toàn bộ đất Hải Phòng và quyền kiểm soát bến Cảng.
 - Mục đích của thực dân Pháp là dùng bến Cảng để chuyển hàng hoá, của cải, khoáng sản... mà chúng cướp bóc được ở Việt Nam mang về nước, đồng thời dùng hải Cảng này để tiếp nhận quân đội, vũ khí từ các nước đế quốc sang đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương.
2. Quá trình thành hình và những đặc điểm của đội ngũ công nhân Cảng.
- Mầm mống đầu tiên của sự ra đời đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng là từ năm 1874, khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng Cảng. Khi bến Cảng được xây dựng, ở Việt Nam công nhân chưa thành hình với tư cách là một giai cấp.
- Năm 1876, thực dân Pháp cấp tốc làm một số cầu nổi bên bờ phải sông Cửa cấm, cách biển khoảng 40 km. Công trường bến Cảng đã thu hút những người nông dân cùng khổ ở các vùng xung quanh Hải Phòng và nhiều nơi khác đến bến Cảng để tìm kế sinh nhai... Đội ngũ công nhân Cảng dần dần thành hình từ đấy.
Như vậy, có thể nói đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng ra đời khá sớm so với sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP, CÂU CHUYỆN TRĂM NĂM VỀ NHỮNG KIẾP NGƯỜI

(Cầu cảng lúc hoàng hôn)

(Đọc Dòng sông chở kiếp, tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng,
NXB Hội Nhà văn, 2009)
                                                                           Lưu Văn khuê

Nguyễn Quốc Hùng là tác giả văn xuôi trẻ của Hải Phòng, cầm bút mới khoảng mười năm năm nay nhưng đã có bước tiến đáng kể với một số truyện ngắn công bố trên tạp chí Cửa Biển ( Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng) và tuần báo Văn Nghệ cùng các tiểu thuyết Chuyến hàng mưa ( Giải thưởng ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2006) và Dòng sông chở kiếp vừa mới xuất bản.
Sống gắn bó với những người công nhân và cuộc sống thành thị nên Nguyễn Quốc Hùng đã có một số thành công ở những đề tài này. Vì vậy, không khỏi bất ngờ khi Dòng sông chở kiếp lại viết về nông thôn; không những thế, còn là một nông thôn có những quãng thời gian đã trở thành quá khứ xa mà chắc chắn tác giả chỉ được biết nhờ nghe kể và đọc sách vì với tuổi mình, anh không thể chứng kiến. Bên cạnh đó, thời gian được đề cập đến đâu có ngắn. Nhụ, một nhân vật trong tiểu thuyết, lúc xuất hiện còn là người phụ nữ 30 tuổi, đến trang cuối đã là bà lão 100 tuổi tròn! Nhân vật thì trải suốt bốn thế hệ. Tất cả, được trình bày một cách tường tận với những chi tiết sinh động. Phải am hiểu về nhiều mặt đồng thời khá vững tay nghề mới có thể dồn nén được chừng ấy thời gian, sự kiện và con người vào chỉ có 350 trang sách.
Đó là chuyện mâu thuẫn truyền đời giữa hai gia đình tại làng Trằm, một làng nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ. Đứng đầu hai gia đình và cũng là hai họ đều là những người có địa vị cao trong làng. Tuy nhiên, cái cách để có được vị trí ấy mỗi gia đình mỗi khác: Họ Nguyễn nhờ đạo đức, còn họ Vũ là do thủ đoạn.