Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

ĐỊNH MỆNH

(cùng họa sĩ Thọ Vân)

Có lần tôi hỏi ông về bút danh Thọ Vân. Ông không trả lời câu hỏi ấy mà nói tới định mệnh - Vân là mây, cái tên ấy như định mệnh mang ông lên tận tầng năm và chưa khi nào có ý định chuyển xuống thấp hơn.
Một ngày cuối thu, màu xám nhạt loang kín nền trời, gió heo may đầu mùa phơn phớt cọ vào má tê mát, không gian tĩnh lặng. Thời tiết này dễ cho người ta lâng châng buồn một tí, xào xạc chút suy tư, lý tưởng cho những ai thích phiêu du. Tôi cùng anh bạn (con trai ông) cặm cụi chuẩn bị bữa trưa. Ông về xua chúng tôi ra đường: “ăn uống muốn lúc nào cũng được, trời đẹp thế này đâu phải ngày nào cũng có. Hai thằng ngu si!” Lần đầu tiên tôi cùng ông đẵm mình vào thiên nhiên, bỏ cả bữa ăn trưa.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

MẠN ĐÀM VĂN CHƯƠNG

                                                                            (Sông Lô)
                                         
Đọc “Dòng sông chở kiếp” của Nguyễn Quốc Hùng:
“Nghiệt chướng” và “nghiệp chướng” trong cách thể hiện của nhà văn

Vũ Thúy Hồng

Nhà văn công nhân Nguyễn Quốc Hùng làm việc tại Cảng Hải Phòng. Với tay nghề lái cần trục chân đế 4/4 được đào tạo bài bản, và có thâm niên công tác 25 năm, anh hiện là giáo kiêm chức hướng dẫn thực hành về lái đế cho công nhân trẻ mới vào làm việc tại Cảng. Như một định mệnh không thể chối bỏ, Nguyễn Quốc Hùng dấn thân vào văn chương và viết khá đều tay. Vốn liếng của anh là 2 tập truyện ngắn và 2 cuốn tiểu thuyết. “Dòng sông chở kiếp” do NXB Hội Nhà văn ấn hành là cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh gây được sự chú ý trong văn đàn cũng như với độc giả. Đặc biệt, những vấn đề xoay quanh các nhân vật chính của tiểu thuyết đã được làm “nóng” lên trong cuộc hội thảo về “Dòng sông chở kiếp” của Hội Nhà văn Hải Phòng. Trong bài viết của mình, tôi xin đề cập đến “nghiệt chướng” - tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết thông qua tuyến nhân vật chính của tiểu thuyết.
Bối cảnh của “Dòng sông chở kiếp” là một làng nhỏ vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với con sông Vàng. Mâu thuẫn này sinh truyền đời hàng thế kỷ giữa hai dòng họ Nguyễn và họ Vũ - một đề tài tương đối phổ biến về nông thôn trong văn học Việt Nam. Mâu thuẫn ấy nảy sinh từ thời Pháp thuộc và vẫn còn tồn tại đâu đó trong  giai đoạn hiện nay. Bỏ qua một số hạn chế về tính xác thực trong các giai đoạn lịch sử hay cách diễn đạt về văn hóa, ngôn ngữ còn đôi chỗ không đồng nhất - “Dòng sông chở kiếp” đưa ra thông điệp về “nghiệt chướng” xuất phát từ “dục vọng của con người không kiềm chế được mà thôi”. Đứa con bất hợp pháp của chị đĩ Nhụ với lý Ngang đã sinh ra oan nghiệt. Thằng Sông là trưởng họ nhà chồng chị lại chính là đứa con của kẻ thù. Người mẹ muốn giữ kiếp làm người trong sạch cho con như liệu nó có sống như nguyện ước của người mẹ?