Đặng Thị Thúy
Mộ đá ngang lưng trờilà cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2018 của Nhà văn
Nguyễn Quốc Hùng. Cuốn sách được viết lên bằng chính ký ức của anh và đồng đội–
những người đã “từng có hơn ba năm nằm
hầm, nằm hang, chốt giữ đường biên giới với nhau”, cùng kề vai sát cánh bên
nhau để chiến đấu chống quân xâm lược, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
trong cuộc chiến tranh biên giới tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang hơn ba mươi năm trước.
Câu chuyệnđược mở đầu bằng chi tiết thực tại, khi tác giả thoáng bắt
gặp bóng dáng người bạn chiến đấu,thoắt hiện ra rồi lại thoắt mất hút trên hè
phố nườm nượp người lại qua. Hỏi thăm để tìm thì không ai biết. Không biết bởi
giữa bao bộn bề hối hả của cuộc mưu sinh này, chẳng ai có thời gian để mà quan
tâm đến một kẻ “trông như thằng nghiện”, dẫu có biện minh rằng anh ta là “lính chiến” thì cũng chẳng ai tin,bởi giữa
thời bình này, tuổi trẻ như thế ấy thì biết gì đến chiến tranh với chiến đấu mà
gọi là lính chiến. Cái chi tiết tìm người bạn chiến đấu (người mà sau này được đặt
tên là Hoàng “dở” trong truyện) đã làm cho người đọc bị kích thích trí tò mò ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Và phải đến tận khi đọc
hết toàn bộ cuốn sách rồi, người ta mới hiểu rằng, đó hoặc là chi tiết không có
thật, hoặc là do tác giả bị ám ảnh quá sâu sắc từ ký ức khốc liệt của cuộc chiến
mà “nhìn gà hóa cuốc”.
Toàn bộ câu chuyện là sự hồi
tưởng. Sự hồi tưởng bắt đầu bằng tiếng nổ, tiếp diễn bằng tiếng nổ và kết thúc
cũng bằng tiếng nổ. Đầu tiên là loạt tiếng nổ chát chúa, dồn dập vang lên giữa
đêm tối mịt mùng khi chuyến xe tải quân chưa lên tới làng Ping. Bất ngờ đến nỗi
Huy còn không kịp nhận biết nó là tiếng gì, nó phát ra từ đâu. Nhưng Huy biết
chắc rằng chúng không phải là tiếng sấm rền của một trận bão biển, sự rung
chuyển không phải là những lắc lư chao đảo giữa các đợt sóng lừng mà anh từng
trải qua trong những tháng ngày đi tàu vượt đai dương. Từng loạt “tiếng nổ trồi
từ dưới lòng đất lên” cùng sự rung chuyển và đá bay rào rào mãi mới khiến Huy
kịp hiểu:đây là chiến trường của một cuộc chiến thực sự. Những tiếng nổ dày đặc
với tần suất, âm thanh khác nhau vang lên suốt chiều dài của câu chuyện và theo
diễn tiến của các trận đánh. Ròng rã ngày qua ngày, đêm nối đêm cùng đồng đội
quần thảo với giặc trên các điểm cao, Huy dần phân biệt tiếng nổ nào là của vũ
khí nào, nó phát ra từ đâu. Quen và nhạy đến mức, cả khi xuất ngũ về nhà rồi,
nghe tiếng nổ bất ngờ vang lên, Huy còn giật bắn, lao qua người bố và nhận biết
ngay đó là bộc phá. Những tiếng nổ trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với nhân
vật trong truyện mà còn với cả người đọc. Bởi vì, cho đến tận cuối truyện, khi
thời gian đã trôi qua đến mấy chục năm rồi, Huy vẫn còn bị ám ảnh mãi. Đấy là
khi nghe tiếng nổ, không phải tiếng đạn pháo của trận chiến mà là tiếng nổ tưng
bừng của pháo hoa mừng ngày lễ, thì thay vì nó mang đến cho Huy cảm giác hân
hoan vui vẻ như bao người thì nó lại gợi nhớ trong anh ký ức về cuộc chiến.
Nólàm cho anh khóc, càng cố kìm nén thì nén thì nước mắt càng trào ra. Và nó
cũng khiến cho độc giả khi đọc đến đoạn đó cũng không khỏi cay mắt, nghẹn lòng.
Cuộc chiến được hồi tưởng trong
câu chuyện chính là cuộc chiến vệ quốc trên chiến trường Hà Giangnhững năm 1979
– 1984. Ấy là một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt. Sự khốc liệt được miêu tả một
cách rõ nét qua từng trang viết. Nó cho ta thấy toàn cảnh của một chiến trường
với tầng tầng lớp lớp đạn nã, pháo vây. Chiến trường là những vách đá cheo leo
sắc nhọn và những trận chiến đấu ác liệt. Mục tiêu là giành lại các điểm cao.
Loạt người này xông lên, pháo dập ngã xuống, loạt khác lại xông lên. Khốc liệt
đến nỗi “Những thân hình của đồng đội bị quét đổ sập xuống. Một làn đạn như
chiếc cưa phạt đổ những thân cây”, vì thế mà “đại đội được bổ sung mười tám
lính Hải Phòng thì nay còn có bốn”. Vì thế mà “Ra đi một đại đội, trở về vẻn
vẹn còn có hơn một tiểu đội”. Khốc liệt đến nỗi những bữa ăn tranh thủ cũng bị
gián đoạn. Cả nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người bạn gái yêu mà chưa kịp ngỏ lời
cũng bị gián đoạn bởi những loạt đạn pháo liên hồi. Những nhớ nhung ấy cũng chỉ
thoạt đến chớp nhoáng như để tìm sự cân bằng về tâm lý, để xua đi những ám ảnh
về sự chết chóc đang bủa vây:người thì bị đạn xé toác lồng ngực, người thì thân
xác bị đạn xé nát, người bị mảnh pháo phạt mất nửa mặt,có người hy sinh rồi mà
đồng đội chỉ còn tìm thấy một cánh tay, và có cả những người, sau loạt đạn pháo
thì không còn gì nữa. Máu chảy thấm xuống làm nhão cả đất. Sau những trận huyết
chiến, những người lính sống sót tìm kiếm đồng đội đã hy sinh của mình, nhưng
cả tuần “cũng chỉ mang về được một tử sỹ nguyên vẹn hình hài, còn đâu là mấy
túi ni lông chẳng biết thi thể của ai”.Họ đành chôn chung những người đó vào
một chỗ “Lính tráng với nhau cả, nằm chung hầm, chung hang, chung giường với
nhau quen rồi”.Nếu có ai chưa từng nghe, chưa từng biết về những tháng ngày
khốc liệt trên chiến trường Vị Xuyên năm ấy, thì câu chuyện này chính là
mộtcuốn phim chân thực giúp họ hiểu, mường tượng về nó một cách cụ thể và rõ
ràng.