Những trận chiến ác liệt
với chúng tôi, những người lính Vị Xuyên đã qua hơn ba mươi năm. Mọi người hay
dùng câu “ám ảnh về cuộc chiến” hay “kí ức về một thời hoa lửa” để biểu đạt cho
cảm xúc của người lính sau chiến tranh. Nhưng với tôi và tôi cũng chắc rằng
không ít những đồng đội khác thì những từ ngữ đó như là chưa diễn đạt hết nỗi
lòng. Tôi dùng hình ảnh so sánh như thế này, một con người luôn phải mang vác
trên vai những hành trang cần thiết cho quãng đường đời của mình. Những thứ đồ
ấy có thể phải bỏ lại để mình đi chặng tiếp. Những thứ đồ bỏ lại ấy được nhớ
lại, được kể lại thông qua những kí ức, những ám ảnh, có sâu nặng hay không tùy
thuộc vào cảm xúc mình trải qua quãng đường đời ấy. Còn hành trang trên vai ba
năm mà người lính giữ đất Vị Xuyên mang vác thì đến giờ vẫn còn nặng trên vai,
chưa thể bỏ xuống được, vẫn song hành cùng tôi. Cảm xúc của những trận chiến,
những gian khổ hy sinh bị dồn nén đến cùng cực, để rồi từ một trạng thái tinh
thần đã chuyển sang khối vật chất đè nặng lên vai người lính trở về.
Đã là chiến tranh, dù lớn
hay nhỏ cũng cùng chung một đặc thù, đó là hy sinh mất mát. “Đồi thịt băm” –
Đồi 772. “Lò vôi thế kỉ” – Cao điểm 685. “Cửa tử” – Ngã ba Thanh Thủy…. Còn
nhiều địa danh khác nữa, chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ cho ta thấy sự khắc nghiệt
của mặt trận Vị Xuyên. Bỗng nghe ai đó nhắc tới một cái tên cùng tên với đồng
đội ngã xuống cũng khiến tôi nao lòng. Những lần xem bắn pháo hoa, khi tiếng
đầu nòng phát ra thì không khác gì một trận cối 60 sắp chụp xuống mình năm xưa.
Cố kìm cũng không ngăn nổi những hàng nước mắt tràn ra. Nhiều ngày rên rĩ tiếng
đạn pháo khiến những người lính Vị Xuyên phải mang âm thanh ấy đến tận bây giờ.
Nhân ngày kỉ niệm 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc, cố gạt đi những câu chuyện hy
sinh mất mát, tôi muốn kể lại những chuyện vui vui một chút cho nhẹ lòng.
- Mặc dù đã hơn ba tháng
thao trường, cũng làm quen với đồi dốc nhưng lần đầu tiên lên chốt, cao điểm
812, leo được lưng chừng thì cơ bắp tôi nhão ra như nắm bông gặp nước. Phải
chống tay xuống bò như con thú bốn chân. Đơn vị lên đỉnh, củng cố hầm hào công
sự xong, không thấy hai thằng lính phố đâu mới cho người xuống đón.
- Thằng Đạo quê Vĩnh Phú,
lần đầu lên 812, gặp pháo, nó nhao vào hầm nhưng ngồi ngoài. Thằng Bình ngồi
trong đánh rắm, thằng Đạo tưởng pháo rít đẩy mọi người nhao tiếp vào trong. Vậy
mà thằng Đạo không trở về. Nó hiền lắm.
- Đào hào trong nghìn mốt.
Mưa tầm tã, 24/7. Mặc quần áo dính bết vào người khó chịu, lính mình khiêu
khích ông trời bằng cách cũng 24/7 không quần áo. Sao ngày ấy không thằng nào
nhìn thằng nào, cứ tự nhiên như được khoác bộ quần áo hoàng đế.
- Ngày ấy mình đã có ý định
xem người lính nằm tránh pháo, tránh đạn thế nào, có giống phim không mà không
thể thực hiện được.
- Một lần anh Ảm (người
Thái), B trưởng 12 ly 7 ôm một bó “rau” đi qua hầm mình. Mọi người hỏi rau gì.
Rau cải rừng (trông giống rau cải thật). Mọi người xin một ít nấu canh ăn. Hôm
sau anh Ảm xuống hỏi, chúng mày vẫn sống à? Tao nhổ ở rừng, biết rau gì đâu. Ít
ngày sau, chính anh Ảm cũng phải tìm thứ rau ấy để ăn (vì vận tải không lên
được, cả tuần chỉ có muối trắng làm thức ăn)
- Cũng dạo ấy, chốt ở khe
núi, chống đánh luồn sâu của địch nên có thể nấu ăn được. Hôm ấy 22 tháng 11
năm 1987, hầm mình kiếm được bữa rau rừng. Đang ăn chiều ở ngoài cửa hang (chắc
khoảng 2 giờ, vì hôm ấy mù trời) thì bị pháo quây. Trận địa tan hoang. Sau trận
pháo, nồi rau vẫn còn nguyên. Chỉ tội bụi đất hất vào không ít. Tiếc của, ngấy
lên cho đất lắng xuống, ăn tiếp.