Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

"ĐỒNG ĐỘI TÔI LÀ NHỮNG VIÊN ĐÁ NHỎ KIA ..."




Linh Chi : Báo Hải Phòng cuối tuần

“Ngọn núi ơi, đồng đội tôi là những viên dá nhỏ kia/ Những thân xác hóa đá núi Vị Xuyên/ Đá chồng lên đá/ Đồng đội ơi!? Ai nằm khe suối, ai thung sâu hay lưng chừng trời/ Về đây/ Ru hời ru/ Đá núi/ Ngủ đi!” - Những câu thơ như lời ru đồng đội vang lên từ tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng khiến nhiều người cay mắt. Ai từng biết đến những trận đánh Vị Xuyên (Hà Giang), ai từng biến đến sự khốc liệt của địa danh từng được ví như “cối xay thịt” này, đọc tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng, sẽ không cầm được nước mắt…

1. “Tôi viết cuốn sách này bằng ký ức của tôi và của nhiều đồng đội khác. Viết để đuổi theo cái bóng của nó. Nó có tên, nhưng đã từng có hơn ba năm nằm hầm, nằm hang, chốt giữ đường biên với nhau gọi thế cho gợi thêm nỗi nhớ…” – Nguyễn Quốc Hùng bắt đầu câu chuyện của mình như vậy trong lời mở đầu tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời”. “Nó” mà anh nhắc tới là một đồng đội của anh, một người kém tuổi anh, đi với anh như hình với bóng trong suốt những tháng ngày tham gia trận chiến gìn giữ vùng biên giới của Tổ quốc nơi cổng trời Hà Giang. Sau lời mở đầu giới thiệu ấy, “nó” xuất hiện trong tiểu thuyết là nhân vật Hoàng “dở”. Cùng nhân vật chính tên Huy và những người đồng đội khác. Các nhân vật đưa người đọc cùng tham gia những trận phục kích, hành quân, đối mặt với tuyến lửa nơi biên giới Việt nam – Trung Quốc trong trận đánh Vị Xuyên năm ấy.
Tiểu thuyết được bố cục thành 3 phần. Mỗi phần đều có khúc “Vĩ thanh” riêng. Tưởng như tách biệt nhưng đều liên kết và xuyên suốt bởi chính những nhân vật cùng nhau đi qua những cơn mưa rừng xối xả, những cơn bão đạn bỏng rát, những trận chiến bên bờ sinh – tử. Từng phút, từng giây, từng diễn biến tâm lý, sinh hoạt thường ngày của những người lính Vị Xuyên được tường thuật lại chi tiết và chân thật. Đến mức, người đọc có cảm giác như đang cùng các chiến sĩ bấm chân trên những dốc núi trơn trượt, bết đất đỏ ấy. Và còn có thể nghe thấy tiếng ầm của đạn, pháo, tiếng rung của đất núi và đá qua tường thuật chi tiết của Nguyễn Quốc Hùng.

2. Đọc những tiểu thuyết trước đây của Nguyễn Quốc Hùng, sẽ nhận ra anh có tài sử dụng những chi tiết chân thực. Tất cả đều được ghi lại, tích lũy từ đời thực, công việc và cuộc sống của anh. Như tiểu thuyết “Chuyến hàng mưa”, những chi tiết và nhân vật bước ra từ bến cảng và cuộc sống thật của những người sống và làm việc tại Cảng Hải Phòng. Nguyễn Quốc Hùng tận dụng lợi thế là công nhân Cảng của mình để cóp nhặt tư liệu, hình ảnh, lời thoại… Nên khi đưa vào tiểu thuyết, các nhân vật và mạch văn của anh sống động, gần gũi và thật như những thước phim có chuyển động chứ không đơn thuần là các trang sách in dày đặc chữ.
Tới “Mộ đá ngang lưng trời”, bạn đọc yêu văn chương lại được gặp những người lính, đồng đội của Nguyễn Quốc Hùng trong giai đoạn anh là một người lính Vị Xuyên. “Đó là những câu chuyện thật của tôi…” – nhà văn công nhân từng là một người lính chia sẻ khi được hỏi về tiểu thuyết mới nhất của mình. Thế nên, cầm cuốn sách lên, bạn đọc sẽ cùng các nhân vật nhập cuộc. Cùng hành quân, cùng ăn, cùng ngủ, cùng bước qua những ngày, đêm thiếu thốn, vất vả và đầy gian khổ. Để hiểu hơn chặng đường can trường bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc. Đặc biệt là, khi cùng đi với những nhân vật của Nguyễn Quốc Hùng trong những trận đánh của người lính Vị Xuyên, bạn đọc sẽ nhận ra, họ được rèn luyện bản lĩnh và lòng dũng cảm như thế nào để đối mặt với quân thù, với những thế lực nhăm nhe xâm lược từng tấc đất, tấc rừng của đất mẹ quê hương.
3. Hoàng “dở” là một người trưởng thành từ người lính Vị Xuyên. Như lời nhận xét của nhân vật Huy trong tiểu thuyết này. Huy nói, “Từ ngày đi bộ đội em thấy nó như đứa trẻ đang lớn dần lên” (trang 57). Và có thể nói, Hoàng “dở” chính là tâm điểm của tiểu thuyết này. Như lời mở đầu mà nhà văn Nguyễn Quốc Hùng nói với bạn đọc. Có thể đó không phải là tên thật của người đồng đội hơn 3 năm cùng nhà văn sống và chiến đấu nơi núi rừng Vị Xuyên. Và Huy cũng không phải tên thật của nhân vật chính làm nên tiểu thuyết này. Cả những nhân vật khác nữa. Như Cường, B trưởng Păn, Thắng, Diện, Tuấn, Chiến, D trưởng Thanh, Cư, Chính… Nhưng có những điều mà bạn đọc sẽ cảm nhận được là thật. Đó là đạn, pháo cối, những khẩu súng các loại hướng về phía quân địch để bảo vệ biên cương. Cả những nỗi xót xa, sự mất mát, hy sinh mà người lính trải qua được ghi lại thật đến từng hơi thở trong mỗi trang văn của Nguyễn Quốc Hùng.
“Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử” – câu nói của Nguyễn Viết Ninh được nhà văn đưa vào trong phút trầm tư của nhân vật Cường. “Lúc nhìn thằng Cư nằm, tôi không nhận ra đâu là nó, mường tượng ra nó hóa thành đá. Đá có bị băm vằm ra thì vẫn là đá thế không là bất tử à” - Cường trả lời Huy như vậy. Đá là linh hồn của tiểu thuyết, cũng là hồn cốt của Hà Giang. Trong “Mộ đá ngang lưng trời”, đá còn là những liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi đất Vị Xuyên trong cuộc đấu tranh gìn giữ biên cương của Tổ quốc. “Trời không tối. Đá trắng như sương. Sương trắng như đá. Cả không gian nhờ nhờ màu trắng…” (trang 238). Đá bao bọc những người lính. Chở che bão đạn khi họ đối diện với quân thù. Rồi cũng đá đón lấy họ khi trở về với đất mẹ, để vĩnh viễn thành bất tử ngang lưng trời trên những đỉnh núi của Hà Giang.

Lặng lẽ trở về đời thường, những người lính Vị Xuyên lại cống hiến, góp sức trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Mỗi người một công việc, một vị trí, nhiều người trong họ còn luôn ám ảnh tháng ngày sống, chiến đấu cùng đá nơi chiến trường Vị Xuyên. Có một điều, bạn đọc cũng sẽ nhận ra theo cách mà nhà văn Nguyễn Quốc Hùng – một người lính Vị Xuyên thể hiện trong tiểu thuyết của mình. Họ hiền lành, giản dị và lặng lẽ. Cũng như đá núi Vị Xuyên tạc mãi vào bầu trời Tổ quốc những tượng đài bất tử của bao anh hùng liệt sĩ góp một phần xương máu bảo vệ biên cương./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét