Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

"ĐỒNG ĐỘI TÔI LÀ NHỮNG VIÊN ĐÁ NHỎ KIA ..."




Linh Chi : Báo Hải Phòng cuối tuần

“Ngọn núi ơi, đồng đội tôi là những viên dá nhỏ kia/ Những thân xác hóa đá núi Vị Xuyên/ Đá chồng lên đá/ Đồng đội ơi!? Ai nằm khe suối, ai thung sâu hay lưng chừng trời/ Về đây/ Ru hời ru/ Đá núi/ Ngủ đi!” - Những câu thơ như lời ru đồng đội vang lên từ tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời” của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng khiến nhiều người cay mắt. Ai từng biết đến những trận đánh Vị Xuyên (Hà Giang), ai từng biến đến sự khốc liệt của địa danh từng được ví như “cối xay thịt” này, đọc tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng, sẽ không cầm được nước mắt…

1. “Tôi viết cuốn sách này bằng ký ức của tôi và của nhiều đồng đội khác. Viết để đuổi theo cái bóng của nó. Nó có tên, nhưng đã từng có hơn ba năm nằm hầm, nằm hang, chốt giữ đường biên với nhau gọi thế cho gợi thêm nỗi nhớ…” – Nguyễn Quốc Hùng bắt đầu câu chuyện của mình như vậy trong lời mở đầu tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời”. “Nó” mà anh nhắc tới là một đồng đội của anh, một người kém tuổi anh, đi với anh như hình với bóng trong suốt những tháng ngày tham gia trận chiến gìn giữ vùng biên giới của Tổ quốc nơi cổng trời Hà Giang. Sau lời mở đầu giới thiệu ấy, “nó” xuất hiện trong tiểu thuyết là nhân vật Hoàng “dở”. Cùng nhân vật chính tên Huy và những người đồng đội khác. Các nhân vật đưa người đọc cùng tham gia những trận phục kích, hành quân, đối mặt với tuyến lửa nơi biên giới Việt nam – Trung Quốc trong trận đánh Vị Xuyên năm ấy.
Tiểu thuyết được bố cục thành 3 phần. Mỗi phần đều có khúc “Vĩ thanh” riêng. Tưởng như tách biệt nhưng đều liên kết và xuyên suốt bởi chính những nhân vật cùng nhau đi qua những cơn mưa rừng xối xả, những cơn bão đạn bỏng rát, những trận chiến bên bờ sinh – tử. Từng phút, từng giây, từng diễn biến tâm lý, sinh hoạt thường ngày của những người lính Vị Xuyên được tường thuật lại chi tiết và chân thật. Đến mức, người đọc có cảm giác như đang cùng các chiến sĩ bấm chân trên những dốc núi trơn trượt, bết đất đỏ ấy. Và còn có thể nghe thấy tiếng ầm của đạn, pháo, tiếng rung của đất núi và đá qua tường thuật chi tiết của Nguyễn Quốc Hùng.