Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

DUNG DĂNG DUNG DẺ, DẮT BIỂN LÊN TRỜI

(Với nhà thơ Hoài Khánh)

“Dung dăng dung dẻ, dắt biển lên trời” - Đọc xong tập thơ Dắt biển lên trời của nhà thơ Hoài Khánh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 2 năm 2012, những câu chữ này chợt bật lên trong tôi. Vế đầu là câu đồng dao quen thuộc, vế sau là một câu hoàn toàn phi lý. Nhưng cả câu có một đặc điểm chung đó là dễ nhớ, dễ thuộc, giầu âm thanh và hình ảnh. Đó mới là trẻ con!
Con đường đến trường của bầy trẻ thơ làng chài thật độc đáo, thật hình tượng.
                          Từ làng chài vào lớp
                          Đường nằm trong khoang thuyền
                          Bầy trẻ thơ đi học
                          Ngồi trên sóng chơi vơi
                                          (Đường ở đảo)
Một hiện tượng thiên nhiên đã được nhân hoá. Sấm dữ dội với người lớn nhưng với trẻ thơ thành người bạn hiền, gần gũi, mới xa nhau mấy tháng đã nhớ nhung, mong  đợi, dỗi hờn.
                          Trốn suốt mùa đông
                          Chẳng về ăn tết
                          Tháng ba rét hết
                          Sấm mới chơi xuân
                                                    (Sấm)

Trẻ con luôn hỏi: “Tại sao lại thế?” 
                          Nhỏ nhoi đứng góc vườn
                          Cây đơm hoa bối rối
                          Trông hiền ơi là hiền
                          Sao lại mang tên sói?
                                           (Hoa sói)
Con đường không thể nằm trong khoang thuyền, con người không thể ngồi trên sóng, sấm không thể chơi xuân, và cây không thể trả lời, phạm trù phi lý trong những câu thơ trên không có trong ánh mắt trẻ con. Thể hiện được cái lý ấy của con trẻ thật khó nếu không thực sự thấu đáo, không thực sự nắm tay nhau cùng bước vào thế giới riêng của chúng.
Trong bài Tiếng cười và màu xanh cây cỏ, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Lật một tờ báo ra, các em xem gì đầu tiên? Chuyện vui cười! Trong bữa cơm, các em vừa ăn vừa kể chuyện. Chuyện gì? Tất cả những chuyện vui cười, các em đã nhặt trên báo hay nghe các bạn ở trường kể và giờ kể lại. Chỉ hai em ngồi với nhau thì suốt cả buổi người ta nghe gì? Nghe thấy tiếng cười. Tất cả những chuyện vui cười.”
  Tiếng cười rộn ràng, mắt nhìn hồn nhiên của trẻ thơ ngoài đời đến đâu, lúc nào ta cũng gặp và theo suốt hành trình hai mươi bài thơ trong tập Dắt biển lên trời bài nào cũng có. Những biện pháp tu từ, điệp từ ngữ, hoán dụ … được tác giả khai thác khéo léo để những câu thơ thật sống động, thật gần gũi hơn với thế giới trẻ thơ /Sóng lắc ông mặt trời thức dậy/ (Xuân trên đảo Bạch Long Vĩ) /Chống đuôi làm gậy lắc lư mới kì!/ (Chú chim gõ kiến) /Vẫy đuôi túng tắng/ (Chú bê láu táu)…. Ta bắt gặp những đứa trẻ tò mò ưa khám phá, muốn thể hiện tư duy của mình “Đơn sơ tre lá, giấy bồi / Gửi vào ngọn gió thành lời quê hương” (Thả diều ở phố)  hay “Ngọt ngào sữa đất xuân qua / Dồn lên nở trắng bài ca mùa hè” (Cây hoa loa kèn).  Trong bài Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn, tôi nghĩ đó là một lời nhắc nhỏ của trẻ em khiến người lớn phải suy nghĩ lại. Rằng, liệu xã hội đang chú trọng vào công việc phát triển kinh tế có quên những lo tới sự phát triển trong nhân cách, tâm hồn của đứa trẻ. Chúng là tương lai của chúng ta.
                          Gió hồ An Biên mảnh diều cũng vắng
                          Khu chế xuất thay Vườn trẻ Kim Đồng
                          Bác bảo vệ chẳng có người để mắng
                          Biết tìm ai hái trộm táo ông trồng
Trong tập thơ ta hay bắt gặp những câu như:
                          Lon ton qua vách đá
                          Bỗng trốn vào thung chơi
Hay:
                          Dã tràng cõng nắng lon xon
                          Mắt thụt mắt thò hấp háy
Hay:
                          Chuyện cổ tích ngủ lì trên cánh võng
                          Ai nhặt nắng rơi trong giấc mơ nồng
Phải chăng, Hoài Khánh đã tìm được giọng điệu riêng cho thơ mình!
Trong khoảng thời gian gần đây thơ viết cho thiếu nhi ít lắm, lại tác giả là tận tâm gắn bó với mảng đề tài này như Hoài Khánh càng hiếm.
Với bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh hơn ở bài Đồng dao. Đây không phải là bài hay nhất trong tập. Tôi chỉ nghĩ, dạy trẻ em học tại sao không dạy những gì thật gần gũi trong đời sống thường ngày, dạy những gì gần gũi với kho tàng ca dao tục ngữ của Dân tộc, những lời ca điệu hát trong sáng, thơ ngây đúng với tầm nhận thức con trẻ. Tôi được biết, bây giờ học sinh lớp 4, lớp 5 phải học thuộc lòng những bài thơ khó, khó ngay cả với giáo viên tiểu học như “Tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, như “Chợ tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.
Trong Đồng dao, nhịp thơ nhanh, rộn ràng như bước nhảy chân sáo của trẻ em, dung dăng dung dẻ vần vè này đứa trẻ nào cũng biết, xen vào đấy có cả những hình ảnh vừa gần gũi nhưng lại vừa mới mẻ /Qua ngõ nhà trời/ Vào trường mẫu giáo/. Trẻ em thấy những hình ảnh thân quen như phố xá, ô tô, que kem, cánh đồng lúa chín… Từ dễ nhớ dễ thuộc cũng dễ hướng trẻ em vào những bài học giáo dục biết ơn thầy cô chăm từng cháu bé, biết ơn bác nông dân làm ra hạt thóc béo tròn, biết ơn cha mẹ người đã sinh ra bé từ trong lòng.
Như Tolstoi nói, văn chương cho trẻ em phải là ngày hội của các tư tưởng. Tư tưởng nhưng phải vui hội. Maxime Gorki thì, phải bắt đầu bằng đùa cợt, bằng trò chơi, dần dần đến những hình thức gì gần gũi với các em, rồi mới kết luận bằng các vấn đề nghiêm túc, bằng chủ nghĩa anh hùng. Còn Picasso – nhà danh hoạ lớn – khi xem tranh vẽ của thiếu nhi đã nói: “Cần phải học cả một đời để vẽ được như các em”
Viết hay cho trẻ em đã là khó, giáo dục cho trẻ em thành người có ích cho xã hội mai sau càng khó khăn gấp bội.
                                                              
                                                                                                                NQH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét