(Bến Cảng)
Xuất thân từ công nhân cảng,
Nguyễn Quốc Hùng đến với làng văn từ tốn và khiêm nhường như chính con người
anh. Hiền lành, ít nói và nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt dạn dày sóng
gió.
“Chuyến hàng mưa” là tiểu
thuyết đầu tay của anh.
Người ta thường nghĩ người
công nhân bến cảng là vất vả, cánh lưng cong như cánh buồm để quai vác hàng tạ
hàng trên vai, hơi sức nữa đâu để lãng mạng, để thích thơ văn, song với Nguyễn
Quốc Hùng thì khác. Anh tâm sự, nhiều khi phải giấu mình vào chỗ khuất nào đó
để viết một ý tưởng thoảng qua hoặc ghi lại những điều mình quan sát được, nếu
không mọi người nhìn thấy lại cho là “dở hơi”. Nguyễn Quốc Hùng ghi chép lại
những sự việc đời thường, những sinh hoạt riêng tư trong cuộc sống của những
người công nhân bốc vác để dựng lên một “Chuyến hàng mưa” như tự truyện
của những người công nhân ấy.
Đúng như tựa đề của cuốn tiểu
thuyết, xuyên suốt bẩy chương truyện là những cơn mưa kéo dài không dứt, những
cơn mưa ào ạt, xối xả đáp xuống cuộc đời của những số phận người công nhân bốc
vác trong một góc cảng Hải Phòng. Tâm điểm là nhân vật Tương xuất thân từ một
anh nông dân ra thành phố. Những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống tập thể,
những thăng trầm biến đổi trong công việc làm thay đổi con người Tương, biến
một người nông dân ù lỳ trở thành con người đa đoan, tính toán và đôi khi lừa
lọc, gian ngoan. Đan xen giữa cảnh thành thị là cảnh nông thôn, làng quê tưởng
như yên bình nhưng cũng đầy sóng gió. ở đâu con người cũng lấy danh lợi để làm
mục tiêu cho mình hướng tới. Cảnh vật lộn kiếm kế sinh nhai dưới những hầm
hàng, cũng như chuyện kiếm một chân trong làng để rồi mưu lợi, “Chuyến hàng
mưa” tái hiện gần như nguyên vẹn một giai đoạn biến động của xã hội. Những
con người thật thà, thô kệch như Phiện “gù”, đa mưu, tính toán như Ngọc “chột”,
lừa lọc như Đoan “khê”... cũng đều là những nhân vật trong cuốn phim tường
thuật lại cảnh sống của những những người làm nghề bốc vác. Cuộc đời của họ gắn
với những lô hàng, những con tầu và những người đàn bà mà xã hội đưa đẩy tới
như Mong, Huệ “vịt”, Liên “khờ”...