Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

HỌ ĐÃ CHIẾN ĐẤU VÌ DANH DỰ




Đề tài công nhân và người lao động vốn là thế mạnh quen thuộc và xuyên suốt quá trình sáng tác văn xuôi của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng và anh đã thu được thành công ít nhiều. Nhưng đến tiểu thuyết thứ năm của mình mang tên “Mộ đá ngang lưng trời”, Nguyễn Quốc Hùng lại rẽ sang một đề tài hoàn toàn khác­ – đó là đề tài chiến tranh và người lính. Cuốn tiểu thuyết này ra đời sau khi trận chiến Vị Xuyên kết thúc được ba mươi năm và cũng là quãng thời gian mà tác giả đã trực tiếp cầm súng nơi chiến trường này, trở về sống đời bình thường sau quân ngũ. Với anh, những kí ức vẫn còn vẹn nguyên, sự xúc động về tình đồng đội vẫn còn dồn nén trong tâm trí, đã thúc giục bản thân phải bày tỏ khúc bi tráng của chiến trường qua trang viết. Ai từng biết đến những trận đánh Vị Xuyên (Hà Giang), ai từng biến đến sự khốc liệt của địa danh từng được ví như “cối xay thịt” này, đọc cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng, hẳn khó cầm nước mắt.
Tiểu thuyết gồm 3 phần, mỗi phần đều có khúc Vĩ thanh riêng, liên kết và xuyên suốt. Tác giả dày công khắc họa hàng chục nhân vật lấy nguyên mẫu từ những người đồng đội, cùng nhau đi qua những cơn mưa rừng xối xả, những cơn bão đạn bỏng rát, những trận chiến bên bờ sinh – tử. Từng diễn biến tâm lý, sinh hoạt thường ngày của những người lính Vị Xuyên, từng phút từng giây của cuộc chiến được Nguyễn Quốc Hùng tường thuật lại khá chi tiết và chân thật, đến mức người đọc có cảm giác như đang cùng các chiến sĩ bấm chân trên những dốc núi trơn trượt, bết đất đỏ và còn có thể nghe thấy tiếng ầm của đạn, pháo, tiếng rung của đất núi và đá nơi biên giới Hà Giang ngày ấy. Ngay phần mở đầu, Nguyễn Quốc Hùng bộc bạch: “Tôi viết cuốn sách này bằng kí ức của tôi và của nhiều đồng đội khác.”. Chính là người trong cuộc nên tác giả giúp bạn đọc hiểu thấu đáo về cuộc sống, sinh hoạt và tư tưởng của người chiến sĩ trên mặt trận này. Những địa danh như “đồi thịt băm” hay “lò vôi thế kỉ” và nhiều cái tên khác mà những ai từng quan tâm tới mặt trận Vị Xuyên đã biết tới, nay thông qua cuốn tiểu thuyết, bằng những câu chuyện, những hình ảnh xác thực được tác giả phản ánh, bạn đọc lại thêm dịp có thể hiểu là tại sao có những cái tên nghe khủng khiếp như vậy.
Những chiến sĩ tham trận đánh Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 1984 – 1989 được nhà văn Nguyễn Quốc Hùng khắc họa qua tiểu thuyết Mộ đá ngang lưng trời với dáng vóc hiên ngang, khí phách kiên cường, đã vì danh dự mà hy sinh xương máu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của  Tổ quốc. Danh dự của con người, danh dự người chiến sĩ trên trận chiến này được tác giả nhiều lần nhắc tới. Tâm trạng của người lính trước khi vào trận chiến sinh tử động viên nhau: “– Sợ chứ. Ai chả sợ. Nhưng một khi chấp nhận là người lính tức là chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh, cái đấy nó át cái sợ đi thôi. Không biết ở tuổi cậu có thấy ấm ức trong lòng, còn cái danh dự nữa, nó vào cướp nhà mình thì mình phải chiến lại, có thấy thế không?
– Dạ!
– Danh dự đấy!”
Khi những người lính xung phong, quyết tử với kẻ thù, thì triết lý sống ấy thật giản dị như:“C trưởng nhìn đội hình đơn vị rồi hô to: – Vì danh dự, vì truyền thống của quân đội ta, tất cả anh em tiến lên!
Những bóng người bật dậy lao thẳng lên phía trước.”
Và còn cái danh dự quyết không để đánh mất, đó là làm xấu hình ảnh của người chiến sĩ trước kẻ thù thâm độc.