Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

"THỜI" CỦA VĂN HỌC CÔNG NHÂN (Nhà văn Phong Điệp trả lời phỏng vấn)




(Nhân Dân) - Theo dõi đời sống văn học nhiều biến động, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về sức hút của văn học về đề tài công nhân. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, văn học về đề tài công nhân không còn cần thiết. Phải chăng đã qua "thời" của văn học công nhân?
"Một thuở vàng son"
Sự thiếu vắng những tác phẩm văn học thật sự hấp dẫn, thuyết phục về đề tài công nhân khiến nhiều người không khỏi tiếc nhớ đến một giai đoạn "vàng son" trong quá khứ. Giai đoạn đó, rất nhiều nhà văn đã thành danh và ghi dấu ấn của mình với mảng đề tài này. Đó là Nguyên Hồng với bộ tiểu thuyết Cửa biển;Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Một chiều giông gió; Trần Nhuận Minh với Âm điệu một vùng đất, Thành phố bên này sông, Trước mùa mưa bão, Hòn đảo phía chân trời... Đó là Lý Biên Cương lăn lộn làm báo Vùng mỏ và từ đó đã viết ra những tác phẩm ấn tượng như: Khoảng không của đất, Người đãi vàng... Ông đã đoạt giải thưởng chính thức văn học về đề tài công nhân lần thứ I của Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Xuân Cang với Suối gang, Lên cao, Trước lửa, Chặng đường nóng bỏng. Ông đã nhận Tặng thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần I (1969 - 1971) và lần II (1972 - 1974). Đó là Võ Huy Tâm, người con của tỉnh Nam Định đã theo gia đình đến sinh sống và lập nghiệp ở vùng mỏ. Những ngày tháng làm thợ mỏ ở mỏ than Uông Bí đã giúp ông có những trải nghiệm quý giá để viết nên tác phẩm nổi tiếng Vùng mỏ(tiểu thuyết đoạt giải nhất Giải thưởng Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952). Ngoài ra ông còn nhiều tác phẩm khác vẫn trung thành với người thợ mỏ như: Chiếc cán búa, Ngõ ngang xóm thợ, Những người thợ mỏ... Đó là Võ Khắc Nghiêm với Xung đột âm thầm, 16 tấn vàng, Tìm lại chính mình, Mạnh hơn công lý. Ông đã đoạt giải A văn học về đề tài công nhân năm 1990-1995. Một nhà văn nữa cũng rất đặc sắc là Tạ Vũ, người đã được tặng thưởng của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1975 cho tập Những cánh chim trời. Suốt thời tuổi trẻ của mình, Tạ Vũ xung phong đi khôi phục đường sắt ở miền tây, đi làm công nhân thăm dò địa chất. Ông không ngại xông pha, để rồi cho ra đời những tác phẩm thật sự ám ảnh với độc giả.