Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

"THỜI" CỦA VĂN HỌC CÔNG NHÂN (Nhà văn Phong Điệp trả lời phỏng vấn)




(Nhân Dân) - Theo dõi đời sống văn học nhiều biến động, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về sức hút của văn học về đề tài công nhân. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, văn học về đề tài công nhân không còn cần thiết. Phải chăng đã qua "thời" của văn học công nhân?
"Một thuở vàng son"
Sự thiếu vắng những tác phẩm văn học thật sự hấp dẫn, thuyết phục về đề tài công nhân khiến nhiều người không khỏi tiếc nhớ đến một giai đoạn "vàng son" trong quá khứ. Giai đoạn đó, rất nhiều nhà văn đã thành danh và ghi dấu ấn của mình với mảng đề tài này. Đó là Nguyên Hồng với bộ tiểu thuyết Cửa biển;Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Một chiều giông gió; Trần Nhuận Minh với Âm điệu một vùng đất, Thành phố bên này sông, Trước mùa mưa bão, Hòn đảo phía chân trời... Đó là Lý Biên Cương lăn lộn làm báo Vùng mỏ và từ đó đã viết ra những tác phẩm ấn tượng như: Khoảng không của đất, Người đãi vàng... Ông đã đoạt giải thưởng chính thức văn học về đề tài công nhân lần thứ I của Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Xuân Cang với Suối gang, Lên cao, Trước lửa, Chặng đường nóng bỏng. Ông đã nhận Tặng thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần I (1969 - 1971) và lần II (1972 - 1974). Đó là Võ Huy Tâm, người con của tỉnh Nam Định đã theo gia đình đến sinh sống và lập nghiệp ở vùng mỏ. Những ngày tháng làm thợ mỏ ở mỏ than Uông Bí đã giúp ông có những trải nghiệm quý giá để viết nên tác phẩm nổi tiếng Vùng mỏ(tiểu thuyết đoạt giải nhất Giải thưởng Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952). Ngoài ra ông còn nhiều tác phẩm khác vẫn trung thành với người thợ mỏ như: Chiếc cán búa, Ngõ ngang xóm thợ, Những người thợ mỏ... Đó là Võ Khắc Nghiêm với Xung đột âm thầm, 16 tấn vàng, Tìm lại chính mình, Mạnh hơn công lý. Ông đã đoạt giải A văn học về đề tài công nhân năm 1990-1995. Một nhà văn nữa cũng rất đặc sắc là Tạ Vũ, người đã được tặng thưởng của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1975 cho tập Những cánh chim trời. Suốt thời tuổi trẻ của mình, Tạ Vũ xung phong đi khôi phục đường sắt ở miền tây, đi làm công nhân thăm dò địa chất. Ông không ngại xông pha, để rồi cho ra đời những tác phẩm thật sự ám ảnh với độc giả.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Nhà văn công nhân đam mê viết về người lao động




Bùi Thu Hằng
Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng, với niềm đam mê sáng tác về đề tài công nhân. Anh viết như để trả nợ, những cuộc đời lam lũ, đã đồng hành cùng anh, mà “Đồng cam cộng khổ. Anh mượn những nhân vật có thật để nói nên trăn trở của mình, số phận mình . Anh bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên vào ngôi nhà văn chương, từ câu lạc bộ sáng tác văn trẻ Hải Phòng, rồi trở thành Hội viên hội nhà văn Hải Phòng. Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Trong mười năm, từ năm 2005 - 2015, cùng với guồng quay chóng mặt, sáu tiếng một ca với công việc  lái cần trục chân đế cho Xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu. Anh đã trăn trở với những trang viết nhọc nhằn về số phận con người lao động, trong kiếp phù sinh. Anh cho ra đời liên tiếp 4 tập tiểu thuyết, và 1 tập truyện ngắn. Tiểu thuyết “Chuyến hàng mưa”,  xuất bản năm 2005. Tập truyện ngắn “Mặt trời dưới lòng sông”, xuất bản năm 2008. Tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp”, xuất bản năm 2009. Tiểu thuyết “Thủy sinh”, xuất năm 2011. Tiểu thuyết “ 720 độ góc luân hồi”, xuất  bản năm 2015. Mười năm, với bút lực dồi dào, số lượng những đứa con ra đời của anh chỉ liệt kê cũng đủ hoa mắt. Các tập sách của anh liên tiếp nhận được các giải thưởng, từ Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, Báo Văn nghệ. Đặc biệt năm 2015 tập tiểu thuyết “720 độ góc luân hồi’ của anh được giải nhì Cuộc vân động sáng tác văn học về đề tào Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2010 – 2014.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

KHÁM PHÁ MỘT GÓC NHỎ CỦA HẢI PHÒNG TRONG THƠ HOÀI KHÁNH


“Và trong tôi có một Hải Phòng / Khi em nhắc tới màu hoa phượng đỏ” Phải tự hào với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, nhà thơ Hoài Khánh mới có những câu thơ da diết như vậy trong tập thơ Có một Hải Phòng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn bản vào tháng 10 năm 2015.
Hải Phòng, vùng đất mà nắng làm bạc thêm lưng áo người thợ và gió làm rộn thêm tiếng còi tầu hú dài trên bến cảng, cả màu hoa phượng cũng đỏ căng để sắc màu được cháy hết mình, giống như cuộc sống sôi động của con người nơi đây. Qua tập thơ Có một Hải Phòng, nhà Thơ Hoài Khánh sẽ dẫn bạn đọc đi qua những địa danh mang vẻ đẹp rất riêng của thành phố Hải Phòng. Trước hết là Hòn Dáu, hòn đảo nhỏ có địa thế và cảnh quan thơ mộng. Trên đó còn có ngọn hải đăng cùng trạm thủy văn mà đến với khu du lịch Đồ Sơn ai cũng muốn ghé thăm.
                          Thấp thoáng mảnh mai dốc đảo
                          Theo lối em rất riêng
                          Gió đại dương phồng căng ngực áo
                          Đồ Sơn mặt trời ngả nghiêng …
                                         ( Viết ở trạm thủy văn Hòn Dáu)
Rồi đến Thăm đền Trạng Trình ngày xuân
                          Vào đền cúi lạy hồn thiêng
                          Ngoài sân cái rét tháng giêng cũng gày
                          Bạch Vân Am ở chốn này
                          Hồn người xưa đã theo mây về trời