(Nhà văn Lương Văn Chi)
Những con người nhọc nhằn, bon chen để kiếm lấy miếng ăn
hàng ngày chỉ với ước mong nhỏ nhoi là sẽ được tồn tại, sẽ được sống. Những phận
người lay lắt, lập lờ trôi trên dòng sông cuộc đời. Trôi về đâu? Và đâu là giá
trị trường tồn của cuộc sống? Đọc và cùng cảm nhận những suy nghĩ đó với nhà văn
Lương Văn Chi qua tập truyện ngắn Kịch
độc do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành tháng 5 năm 2011.
Vốn sống, đó là một trong những tiêu chí hàng đầu trong
công việc của người viết văn xuôi. Cho dù theo lối viết cổ điển hay đến xu hướng
hiện đại ngày nay thì trong mỗi tác phẩm của nhà văn không thể không có nhân vật
của riêng mình. Mỗi nhân vật phải mang trong mình hơi thở của cuộc sống. Nhân vật
văn học ở quanh ta nhiều lắm nhưng người viết gom nhặt được những gì để tạo nên
tác phẩm đó lại là cơ duyên và sự nhạy bén của mỗi người. Những mẩu gỗ vụn, những
cành rào, cành rong hay đến những súc gỗ quý đều tạo nên một sản phẩm thông qua
bàn tay chế tác của người thợ. Và trong muôn vàn loại “gỗ” cuộc đời thì người
thợ cưa xẻ Lương Văn Chi đã chọn nhặt những “cành rào, cành rong” ở bờ ở bụi để
làm nên tác phẩm cho riêng mình.
“Thỉnh thoảng
bố lại thở dài, lẩm bẩm một mình: Mẹ kiếp! Kiểu này, rau úa cũng không có mà
ăn!” Đó là cảnh đời của một gia đình
sống trong cái vuông nhà trọ sau khi di dời đất ở quê để làm khu công nghiệp, bố
đạp xích lô, mẹ gánh rau bán dạo nuôi hai đứa con nhỏ. (Cún và người). Một cô gái
điếm phải làm tình với “Năm trăm thằng!
Ông biết đếm chứ, năm trăm thằng! Gấp đôi đàn ông cái làng này!” mới ki cóp
để dành được hai mươi triệu. (Kịch độc) “Thậm chí mấy lần khát nước, anh cũng không dám sang cái quán gốc cây bên
kia đường,…., bởi trong ví của anh, ngoài giấy tờ ra, anh chỉ còn chẵn 10 nghìn
để đổ xăng” Tài sản của người xe ôm chỉ có vậy. (Cuốc xe đêm). Từ một người
thất nghiệp như Lương thì nguồn thực phẩm
chủ yếu của gia đình chỉ là “nhiều kí lô
gam muối hạt ngô và những mớ rau muống” (Một ngày kiếm việc) Đến
những người được dán mác công nhân nhà nước cũng phải để dành bộ quần áo bảo hộ
mới lĩnh cho những lúc “Chả nhẽ tôi cứ
phải nói như đục vào tai cô mới nhớ được hay sao? Để lúc hết gạo, chậm lương,
mang ra vườn hoa kia, cô nhớ chưa?” (Hy
râu) Hay một thanh niên to cao như Sơn trong Hiệp Sĩ, sức khoẻ loại A
hoa, có bằng tú tài và lý lịch trơn tru cũng không xin nổi việc ở cơ quan nào để
mỗi sáng ngủ dậy phải chờ mẹ phát chẩn vài nghìn ăn quà sáng.